Mối liên kết gắn bó bền chặt giữa Quảng Nam – Đà Nẵng mở ra nhiều triển vọng hợp tác phát triển giữa hai địa phương đã được ông Văn Hữu Chiến – Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng chia sẻ trong cuộc trả lời phỏng vấn của Báo Quảng Nam.
P.V:Là “thành phố động lực” của miền Trung, trong những năm qua Đà Nẵng đã có nhiều cơ hội hợp tác, phát triển với các địa phương trong và ngoài nước, đặc biệt là hợp tác phát triển toàn diện với Quảng Nam như thế nào, thưa ông?
Cửa ngõ Đà Nẵng vào Quảng Nam. Ảnh: H.X.H |
Sau khi Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định), Đà Nẵng được xác định là thành phố đóng vai trò hạt nhân tăng trưởng, tạo động lực thúc đẩy phát triển cho cả vùng. Chính vì vậy, quá trình xây dựng và phát triển Đà Nẵng có ý nghĩa rất quan trọng về nhiều mặt đối với miền Trung - Tây Nguyên và cả nước. Với thuận lợi trên, trong những năm qua, Đà Nẵng đã có nhiều cơ hội hợp tác, phát triển với các địa phương trong và ngoài nước. Trong đó có Quảng Nam, địa phương “anh em ruột thịt” của Đà Nẵng, đã từng “chia ngọt sẻ bùi”, “chung lưng đấu cật” suốt chặng dài lịch sử từ chiến đấu chống ngoại xâm đến hòa bình, xây dựng đất nước trong “cái nôi” chung mang tên đất Quảng.
Những năm qua, Đảng bộ và chính quyền thành phố luôn coi trọng việc phát triển hợp tác với các tỉnh thành bạn, đặc biệt là Quảng Nam, xem đây là một trong những chủ trương mang tính xuyên suốt, lâu dài và không tách rời của quá trình xây dựng, phát triển thành phố. Mối quan hệ hợp tác phát triển Đà Nẵng - Quảng Nam được minh chứng sinh động qua Chương trình hợp tác, hỗ trợ giữa hai địa phương theo Kết luận số 08-KL/TUĐN-TUQN của Thành ủy Đà Nẵng và Tỉnh ủy Quảng Nam, bắt đầu triển khai từ năm 2008. Kết luận này thể hiện nỗ lực của lãnh đạo hai địa phương, nhằm thực hiện tinh thần “chia mà không tách” từ khi Quảng Nam – Đà Nẵng tái lập thành 2 đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, đồng thời cũng là nền tảng để hai địa phương hợp tác, hỗ trợ nhau cùng phát triển.
“Mối quan hệ hợp tác phát triển Đà Nẵng - Quảng Nam được minh chứng sinh động qua Chương trình hợp tác, hỗ trợ giữa hai địa phương theo Kết luận số 08-KL/TUĐN-TUQN của Thành ủy Đà Nẵng và Tỉnh ủy Quảng Nam, bắt đầu triển khai từ năm 2008. Kết luận này thể hiện nỗ lực của lãnh đạo hai địa phương, nhằm thực hiện tinh thần “chia mà không tách” từ khi Quảng Nam – Đà Nẵng tái lập thành 2 đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, đồng thời cũng là nền tảng để hai địa phương hợp tác, hỗ trợ nhau cùng phát triển”. (Ông VĂN HỮU CHIẾN, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng) |
Để triển khai Kết luận nêu trên, UBND TP. Đà Nẵng đã ban hành Quyết định số 5516/ QĐ-UBND về việc “Hợp tác liên kết, hỗ trợ giữa TP. Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam”. Theo đó, từ năm 2008 đến năm 2020, TP. Đà Nẵng cam kết sẽ hỗ trợ tỉnh Quảng Nam mỗi năm 15 tỷ đồng với phần lớn dành để xây dựng nhà ở cho các đối tượng chính sách, hộ nghèo, đầu tư giáo dục... Đây có thể xem là tín hiệu mới trong việc tạo mối liên kết vùng giữa các địa phương tại khu vực miền Trung nói chung, giữa hai “người anh em” Quảng Nam và Đà Nẵng nói riêng - một vấn đề luôn được quan tâm tại các hội nghị, diễn đàn quan trọng khu vực.
Trên cơ sở quyết định này, các sở, ban, ngành, quận, huyện trên địa bàn thành phố sẽ phối hợp với các đơn vị thuộc tỉnh Quảng Nam để triển khai, tổ chức hợp tác liên kết toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Trong đó nhấn mạnh việc hợp tác xây dựng Đà Nẵng - Quảng Nam thành trung tâm du lịch, dịch vụ lớn của cả nước và khu vực. Qua đó, hai địa phương sẽ xây dựng chung chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch và đẩy mạnh việc kết nối các chương trình lễ hội văn hóa – du lịch.
Cầu Thuận Phước. Ảnh: H.X.H |
Trong những nội dung hợp tác, hỗ trợ này, TP. Đà Nẵng đã dành một khoản hỗ trợ kinh phí đáng kể để tỉnh Quảng Nam giải quyết những vấn đề cấp bách cũng như lâu dài trên lĩnh vực giáo dục và hỗ trợ người có công, người nghèo… Năm 2010, TP.Đà Nẵng đã hỗ trợ ban đầu 10 tỷ đồng để xây dựng trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm và thỏa thuận tiếp tục hỗ trợ xây dựng một hạng mục công trình cho ngôi trường này. Bên cạnh đó, Đà Nẵng duy trì thường xuyên việc tuyển 20 học sinh Quảng Nam vào học trường THPT chuyên Lê Quý Đôn; trên 100 học sinh Quảng Nam vào học tại trường THPT Phan Thành Tài; hơn 10 học sinh của Quảng Nam được tham gia đào tạo bậc đại học trong nước và nước ngoài bằng nguồn ngân sách thành phố…
Ngoài ra, hai bên có những động thái tích cực trong hợp tác phát triển kinh tế. Đó là việc hình thành bước đầu liên kết trong phát triển du lịch giữa 3 địa phương Đà Nẵng - Quảng Nam - Thừa Thiên Huế. Hoạt động phối hợp xúc tiến đầu tư xây dựng hệ thống giao thông khu vực miền Trung cũng được 2 địa phương chú trọng, nhất là đối với những tuyến quan trọng như đường ven biển Đà Nẵng - Hội An sẽ được tiếp tục mở rộng về phía nam khi cầu Cửa Đại được hoàn thành; tuyến cao tốc Đà Nẵng-Dung Quất hợp cùng quốc lộ 1, 14B tạo điều kiện thuận lợi hơn trong giao thông, góp phần tích cực vào vận hành hiệu quả Hành lang kinh tế Đông - Tây...
P.V: Lâu nay chúng ta thường nói nhiều đến truyền thống, lợi thế tiềm năng của cả Đà Nẵng và Quảng Nam trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Nhưng thưa ông, thực chất chúng ta đã kết hợp những yếu tố này như thế nào, và làm thế nào để phát huy cái “có” và tranh thủ cái “cần’?
Mối liên kết cùng phát triển Đà Nẵng - Quảng Nam đã mở ra những thuận lợi mới cho chính các doanh nghiệp, tạo cơ hội mới cho các dòng đầu tư trong và ngoài nước đổ về miền Trung, đặc biệt là Đà Nẵng - Quảng Nam. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực về tiềm năng, lợi thế, truyền thống gắn bó Đà Nẵng - Quảng Nam, phải nhìn nhận một cách khách quan rằng việc hợp tác giữa hai bên trong một số lĩnh vực vẫn còn hạn chế.
P.V:Sau hơn 16 năm chia tách, Đà Nẵng đã có nhiều “cái nhất”, vậy người dân sẽ được thấy gì nổi bật của thành phố trong năm 2013, thưa ông? Ông Văn Hữu Chiến – Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng: Thành phố chọn chủ đề của năm 2013 là “Năm môi trường và an sinh xã hội”. Để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm 2013, trong bối cảnh khó khăn như đã dự báo, với sự chung sức, chung lòng của mọi tầng lớp nhân dân, Đảng bộ và chính quyền thành phố sẽ quyết tâm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tập trung hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn có hiệu quả cho doanh nghiệp để phát triển sản xuất kinh doanh, phục hồi tăng trưởng; tập trung phát triển các ngành dịch vụ theo đề án “Phát triển các ngành dịch vụ thành phố đến năm 2015”… Trong năm 2013 người dân Đà Nẵng đã và sẽ được chứng kiến những công trình mới, tô điểm thêm cho diện mạo ngày càng khởi sắc của Đà Nẵng. Đó là sự ra đời của Bệnh viện Ung thư ngày 19.1 vừa qua, tiếp đến là khánh thành các cây cầu bắc qua sông Hàn (cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý và cầu Nguyễn Tri Phương) trong dịp 29.3 và 30.4 tới. Trung tâm hành chính thành phố cũng sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm 2013. Ngoài ra, thành phố phối hợp khơi thông sông Cổ Cò, trên cơ sở đó xúc tiến đưa các loại hình dịch vụ du lịch để phục vụ tuyến du lịch đường sông Đà Nẵng đi Hội An (Quảng Nam)... Về các hoạt động văn hóa - xã hội, năm 2013, người dân Đà Nẵng và du khách gần xa sẽ tiếp tục chứng kiến những màn trình diễn pháo hoa đặc sắc trong Cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế năm 2013, với sự tham gia của các đội đến từ Italia, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Nga và đội Đà Nẵng chủ nhà; cuộc thi Marathon quốc tế và trại điêu khắc đá quốc tế 2013 lần đầu tiên được tổ chức tại Đà Nẵng, hay chương trình du lịch Đà Nẵng - điểm hẹn mùa hè. |
Trước hết, đó là việc phối hợp trong bảo vệ, khai thác hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường. Trong những lần gặp gỡ mới đây, lãnh đạo hai địa phương đã bàn đến vấn đề này. Nhất là nội dung phối hợp kiểm soát nghiêm ngặt về môi trường các vùng giáp ranh; đánh giá tác động môi trường đối với các dự án hoạt động kinh tế - xã hội dọc sông Thu Bồn, sông Vu Gia, sông Yên, sông Vĩnh Điện, sông Cổ Cò… Việc khai thác vàng trái phép, triển khai các dự án thủy điện, các dự án công nghiệp... đã tác động rõ rệt đến môi trường lưu vực các sông này, ảnh hưởng đến đời sống người dân và phát triển kinh tế - xã hội của hai địa phương nhưng chưa được phối hợp giải quyết kịp thời và hiệu quả. Việc hợp tác quản lý và khai thác cát, sạn trên các sông cũng cần bàn đến, nhằm tạo sự hợp lý hơn trong phát triển và bảo đảm nguồn tài nguyên có hạn này. Khắc phục được những hạn chế này, thì việc hợp tác giữa hai địa phương trên tinh thần Kết luận 08 sẽ được toàn diện và hiệu quả hơn.
P.V:Xin cảm ơn ông.
NGUYỄN THANH BÌNH (thực hiện)