(QNO) - Chiều 15.6, tại Nhà hát tuồng Nguyễn Hiễn Dĩnh, Sở VH-TT TP.Đà Nẵng tổ chức lễ tôn vinh Nghệ thuật bài chòi Trung bộ Việt Nam được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Đà Nẵng đón nhận Bằng vinh danh Nghệ thuật bài chòi Trung bộ Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể. Ảnh: V.S |
Tại buổi lễ, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT&DL) Nông Quốc Thành đã trao Bằng vinh danh Nghệ thuật bài chòi Trung bộ Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể cho lãnh đạo UBND TP.Đà Nẵng.
Phó Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Tuấn cho rằng, nghệ thuật bài chòi là trò chơi, trò diễn xướng dân gian độc đáo, đậm chất văn hóa nông nghiệp ở các làng quê miền Trung, đặc biệt ở Quảng Nam & Đà Nẵng. Ban đầu, bài chòi ra đời là để thỏa mãn nhu cầu vui chơi giải trí, nhưng càng về sau, nhu cầu thẩm mỹ, nhu cầu văn nghệ phát triển, con người đã lồng ghép các làn điệu dân ca vào trò chơi. Như thế, bài chòi Trung Bộ Việt Nam là một loại hình nghệ thuật đa dạng, có sự kết hợp giữa âm nhạc, thơ ca, diễn xuất, hội họa và văn học.
Trải qua nhiều thế kỷ, bài chòi đã dần trở thành nếp sinh hoạt văn hóa, là món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân duyên hải miền Trung trong những dịp sinh hoạt cộng đồng, đáp ứng nhu cầu giải trí và thưởng thức nghệ thuật của cộng đồng. Với những giá trị đặc biệt đó, ngày 7.12.2017, tại Jeju (Hàn Quốc), Hội nghị lần thứ 12 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể đã chính thức ra nghị quyết đưa Nghệ thuật bài chòi Trung Bộ Việt Nam vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể của thế giới.
Câu lạc bộ Bài chòi Sông Yên (huyện Hòa Vang) biểu diễn tại lễ tôn vinh. Ảnh: V.S |
Ông Huỳnh Văn Hùng - Giám đốc Sở VH-TT TP.Đà Nẵng chia sẻ: “Đây là niềm vinh dự lớn lao không chỉ riêng của 9 địa phương lưu truyền nghệ thuật bài chòi, mà còn là niềm vui chung của dân tộc Việt Nam. Lễ tôn vinh nhằm quảng bá giá trị đặc sắc của di sản; nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp ngành và nhân dân; khuyến khích, động viên tinh thần của những người nghệ sĩ, nghệ nhân dân gian có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp gìn giữ và phát triển loại hình nghệ thuật truyền thống này”.
Tại lễ tôn vinh, Ban tổ chức công bố quyết định và trao 3 bằng khen của Bộ VH-TT&DL, 9 bằng khen của Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng và 16 giấy khen của Giám đốc Sở VH-TT cho các tập thể, nghệ nhân tiêu biểu có cống hiến cho sự nghiệp bảo tồn và phát triển nghệ thuật bài chòi tại Đà Nẵng.
Nhiều hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản Theo ông Huỳnh Văn Hùng - Giám đốc Sở VH-TT TP.Đà Nẵng, ngay từ năm 2015, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch số 4809/KH-UBND về việc “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản nghệ thuật bài chòi tại TP.Đà Nẵng giai đoạn 2015 - 2020”. Trong thời gian tới, Sở VH-TT sẽ thực hiện một số nội dung công việc chính như: chú trọng công tác bảo tồn, phát huy hiệu quả hoạt động của các câu lạc bộ, nhóm (đội), nghệ nhân dân gian bài chòi. Tạo điều kiện cho việc thực hành, sáng tạo và truyền dạy di sản trong cộng đồng; hỗ trợ cộng đồng phục hồi, lưu truyền các bài bản cổ, các tập quán xã hội, tín ngưỡng và các lễ hội liên quan đến di sản; mở rộng các hình thức và môi trường sinh hoạt mới, phù hợp với mục tiêu bảo vệ và phát huy giá trị di sản trong cuộc sống đương đại. Mặt khác, tiếp tục nhận diện giá trị, nghiên cứu, kiểm kê, sưu tầm, tư liệu hóa di sản nghệ thuật bài chòi trên địa bàn thành phố. Đẩy mạnh việc tuyên truyền, quảng bá, giáo dục nhằm bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa, văn học và nghệ thuật truyền thống của di sản bài chòi. Đồng thời, gắn bảo tồn nghệ thuật bài chòi với hoạt động du lịch nhằm phát huy hiệu quả giá trị di sản; có chính sách hỗ trợ, đãi ngộ, khen thưởng và phong tặng danh hiệu vinh dự nhà nước cho các nghệ nhân có nhiều đóng góp trong hoạt động bảo vệ, trao truyền những giá trị văn hóa của di sản. |
VĂN SANH