(QNO) - Không thỏa mãn với những thành tựu bước đầu của thành phố trong phát triển công nghệ thông tin (CNTT), Đà Nẵng đang tích cực thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để xây dựng thành phố thông minh với nền tảng CNTT được đầu tư mạnh mẽ.
Quang cảnh buổi hội thảo. Ảnh: H.S |
Sáng 27.10, tại TP.Đà Nẵng diễn ra hội thảo cấp cao về xây dựng thành phố thông minh và xúc tiến đầu tư, phát triển CNTT. Đây là một diễn đàn chuyên sâu, chất lượng để Đà Nẵng kết nối với các nhà đầu tư, doanh nghiệp muốn tìm hiểu và xúc tiến tìm kiếm cơ hội đầu tư về mảng CNTT tại thành phố.
Từ năm 2000, Đà Nẵng đã quyết tâm đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, trong cung cấp dịch vụ công cho người dân và trong quản lý vận hành đô thị. Đến năm 2014, Đà Nẵng đã hoàn thành cơ bản và đưa vào vận hành các hạng mục chính của hệ thống thông tin chính quyền điện tử. Điều này đã được ghi nhận bằng hàng loạt các chỉ số đánh giá như thành phố này đứng đầu chỉ số PCI (năng lực cạnh tranh cấp tỉnh) 4 năm liên tiếp, PAR Index (chỉ số cải cách hành chính) 5 năm liên tiếp, ICT Index (chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT - truyền thông) 9 năm liên tiếp...
Xác định được vai trò của công nghiệp CNTT, năm 2000 Đà Nẵng đã thành lập Trung tâm Công nghệ phần mềm Đà Nẵng, năm 2008 thành lập Khu công viên phần mềm Đà Nẵng. Ông Hồ Kỳ Minh - Phó Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng cho biết, hiện nay thành phố đã cơ bản hoàn thành mặt bằng Khu CNTT tập trung số 1 và đang chuẩn bị khởi công Công viên phần mềm số 2 (đều ở huyện Hòa Vang) để sẵn sàng cho các doanh nghiệp CNTT đến đầu tư làm việc.
Chào mời doanh nghiệp đầu tư vào Danang IT Park (Khu CNTT tập trung). Ảnh: H.S |
Theo nhận định của các đại biểu tham dự hội thảo, Đà Nẵng có tiềm năng rất lớn để phát triển CNTT nhưng hiện tại vẫn mới chỉ khai thác được một phần nhỏ. Năm 2016, doanh thu ngành CNTT của Đà Nẵng đạt 580 triệu USD, kim ngạch xuất khẩu phần mềm đạt 58 triệu USD. Trong đó loại khách hàng tư nhân chiếm tới 48% ở phân khúc khách hàng trong nước, hai khách hàng Hoa Kỳ và Nhật Bản chiếm đến 72% thị trường quốc tế của ngành CNTT Đà Nẵng.
Đến nay, đã có 75 dự án FDI trong CNTT đầu tư vào Đà Nẵng với số vốn 13,91 triệu USD. Với chi phí đầu tư cạnh tranh, môi trường đầu tư thông thoáng cùng ưu đãi đầu tư thuận lợi, Đà Nẵng hy vọng sẽ tiếp tục chào đón thêm nhiều "ông lớn" trong ngành CNTT trong và ngoài nước đến với thành phố. Ông Nguyễn Thành Hưng - Phó ban Kinh tế Trung ương nhận định, lực lượng lao động chất lượng cao trong ngành CNTT ở Đà Nẵng hiện còn khiêm tốn so với Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh nhưng điều này không quá đáng ngại và có thể sớm khắc phục được.
Trong định hướng phát triển thành phố thông minh, Đà Nẵng đang có lộ trình triển khai chia làm 4 giai đoạn: phát triển thành phố "4 an" (an ninh trật tự, an toàn giao thông, an sinh xã hội và an toàn vệ sinh thực phẩm), thân thiện môi trường, bảo đảm phát triển bền vững và bảo đảm an toàn an ninh thông tin. Trong giám sát và điều khiển giao thông, việc ứng dụng CNTT cũng đang mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho chính quyền và cộng đồng như: ứng dụng xe buýt Đà Nẵng, trung tâm điều hành giao thông thông minh giúp xử phạt qua camera từ cuối năm 2016...
Hệ thống xe buýt Đà Nẵng được ứng dụng CNTT để dễ dàng tra cứu hành trình, tìm đường. Ảnh: danabus.vn |
Một số lĩnh vực quan trọng mà Đà Nẵng đã và đang ưu tiên hướng đến trong ứng dụng CNTT để xây dựng thành phố thông minh gồm: giám sát cấp nước sạch; giám sát nước thải ao, hồ; giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm, giáo dục, y tế... TS. Đào Đình Khả (Vụ CNTT - Bộ Thông tin và truyền thông) cho rằng, tất cả các hoạt động nghiệp vụ hiện nay trên thế giới có xu hướng số hóa là tất yếu, do đó doanh nghiệp cần nắm xu hướng này để phát triển còn chính quyền cần tiếp cận để hỗ trợ cho doanh nghiệp.
HÀ SẤU