Đả thông kinh lạc

NGUYỄN ĐIỆN NAM 18/12/2022 07:17

Xin mượn một thuật ngữ của y học cổ truyền để nói chuyện hiện tại, không phải là kinh lạc/kinh mạch mà là kinh tế.

Theo quan niệm của Đông y, kinh lạc/kinh mạch là đường dẫn truyền khí huyết và chất dinh dưỡng để nuôi dưỡng cơ thể người. Khi kinh lạc được lưu thông, các cơ quan vận hành bình thường và không phát sinh bệnh tật. Kinh lạc mà tắc nghẽn ắt sẽ gây những cơn đau.

Vậy nên đả thông kinh lạc là kích thích làm cho hết nghẽn bằng các cách bấm huyệt, châm cứu, vật lý trị liệu,… thậm chí bệnh nặng phải dùng thuốc tác động. Hiểu nôm na thế thì các mạch máu của nền kinh tế cũng giống như kinh lạc của cơ thể người, nếu nghẽn chỗ nào thì phải đả thông chỗ ấy mới phát triển, khỏe mạnh được.

Ở tầm cấp quốc gia, những “cục máu đông” làm nghẽn mạch nền kinh tế vẫn luôn được chính phủ chú ý tháo gỡ. Tháo từ việc giải ngân đầu tư công. Thúc đẩy các công trình đầu tư trọng điểm. Điểm huyệt nợ xấu và chỉ đạo xử lý. Nới lỏng mức độ lạm phát.

Tăng cường các gói hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh. Quyết liệt cải cách hành chính và chuyển đổi số… Hàng loạt biện pháp đó cũng là cách đả thông kinh lạc để Việt Nam nhanh chóng phục hồi kinh tế - xã hội sau giai đoạn bùng phát mạnh đại dịch COVID-19.  

Ở cấp tỉnh, Quảng Nam đã cố gắng thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn; chủ động phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương triển khai thực hiện các kết luận của Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội tại các cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh trong năm 2022.

Tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn nhằm tạo điều kiện để doanh nghiệp chủ động, linh hoạt, sáng tạo chuyển đổi mô hình sản xuất, kinh doanh phù hợp. Hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục triển khai thi công, giải ngân vốn các dự án của chương trình phục hồi kinh tế đảm bảo tiến độ…

Những biện pháp cơ bản đó đã giúp nền kinh tế được vận hành cơ bản thông suốt và nhờ vậy nguồn thu ngân sách tăng cao xác lập kỷ lục mới, ước đạt 32.144 tỷ đồng, tăng trưởng GRDP khoảng 11,2%.

Dù tăng trưởng mạnh nhưng cũng phải thấy vẫn còn những điểm nghẽn mạch trong nền kinh tế. Đơn cử như trong Thông báo Kết luận (số 468) của Ban thường vụ Tỉnh ủy ban hành hôm 6/12/2022 cho thấy việc rà soát và xử lý các dự án chậm tiến độ cần mạnh mẽ đả thông mới được. Thông báo cho biết số lượng dự án đầu tư vào tỉnh khá lớn (1.293 dự án) trên nhiều lĩnh vực (1.126 dự án sản xuất, thương mại, dịch vụ, khai khoáng, thủy điện, y tế, giáo dục …; 167 dự án nhà ở, khu dân cư, khu đô thị). Trong đó, qua rà soát thì có 63 dự án đã thu hồi, chấm dứt hoạt động hoặc chuyển giao cho địa phương làm chủ đầu tư, 101 dự án hết thời hạn hoạt động.

Đặc biệt, có rất ít dự án quy mô lớn tác động mạnh mẽ cho sự phát triển của địa phương, nhiều dự án chậm tiến độ, dự án sử dụng đất không hiệu quả, gây lãng phí; công tác phục hồi môi trường sau dự án chưa thực hiện dứt điểm.

Những điểm xám trong bức tranh đầu tư như vậy một phần nguyên nhân bởi hạn chế quản lý nhà nước (nhất là sự lúng túng trong cải cách hành chính và chuyển đổi số, sự phối hợp, phân công phân cấp trong các cơ quan công quyền), yếu kém trong khâu cấp phép và theo dõi sau cấp phép, đôn đốc tiến độ và xử lý vi phạm các năm qua không kịp thời và dứt điểm. Từ thực trạng này, Ban thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu UBND tỉnh, cùng các sở ngành, địa phương tập trung xử lý dứt điểm các dự án chậm tiến độ trước ngày 31/12.

Kết quả như thế nào trong thực hiện thông báo kết luận nêu trên thì phải chờ (trong gấp gáp) mươi ngày nữa. Tuy nhiên phải thấy rằng nếu không đả thông cho bớt nghẽn “cục máu đông” này thì việc triển khai thực hiện mục tiêu đẩy mạnh thu hút đầu tư trong Nghị quyết phương hướng nhiệm vụ năm 2023 của Tỉnh ủy sẽ bị ảnh hưởng ngay từ đầu.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đả thông kinh lạc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO