Đá trấn

PHAN CHÍN 17/11/2019 20:08

Đó là lần cuối cùng Đàm trở lại làng Sơn Thạch với tư cách là một cán bộ của ban giải tỏa đền bù. Sau này, xem lại cuốn nhật ký công tác, Đàm biết đó là lần thứ mười hai.

Minh họa: HIỂN TRÍ
Minh họa: HIỂN TRÍ

Hôm ấy là một ngày cuối tháng mười, mùa đông đã bắt đầu ẩm ướt hơn sau mấy trận mưa nhấm nhẳng dài ngày. Khắp làng Sơn Thạch, chỗ nào cũng nhão nhoẹt bùn đất, vương vãi gạch đá, cây cối bị đốn ngã ngổn ngang. Chiếc xe máy cà tàng của Đàm ì ạch lội bùn đến quá cổng làng một chút thì mắc lầy, phải bỏ lại đấy. Đi bộ vào làng, dọc đường thỉnh thoảng Đàm lại gặp một tốp người đi ngược ra, dáng vẻ mệt nhọc. Thấy Đàm, vài người gật đầu chào chiếu lệ rồi bước tiếp. Cũng có người nhận ra Đàm là cán bộ của ban đền bù giải tỏa, mặt mày tự dưng sậm lại, mắt long lên ném về phía Đàm cái nhìn không chút thiện cảm rồi bặm miệng bước tiếp. Đàm không nhớ họ là ai, tên gì, nhưng lờ mờ đoán biết đó là những người cù nhầy, nhận tiền đền bù xong vẫn không chịu dỡ nhà nên sau đó Đàm buộc phải đề nghị cấp trên cắt luôn khoản tiền khen thưởng bàn giao mặt bằng đúng hạn. Cũng có người hồ hởi cười chào, bảo áp giá xong rồi, chi tiền đền bù rồi, các hộ trong làng đã di dời nhà cửa gần hết cả rồi, cán bộ còn xuống làng làm chi nữa?... Đàm nhận ra trong số những người cười chào vồn vã kia là ông Hoạch, người mà chỉ sau một đêm trong vườn mọc thêm bốn chục chói tiêu, lúc kiểm kê áp giá đền bù Đàm đòi gạt ra nhưng ông ấy khóc lóc van xin than nghèo kể khổ nên Đàm lại đưa vào diện đền bù. Đó là bà Hai Mạch, mấy chục năm sống trong căn nhà gỗ cũ kỹ, nền đất nện, một ngày trước hôm kiểm kê, nền đất nhà bà bỗng biến thành nền gạch men bóng loáng, Đàm cũng mủi lòng đưa vào kiểm kê để đền bù sau khi bà Hai Mạch nước mắt ngắn dài khóc ngồi khóc đứng. Đó là ông Hiền, người có cái hàng rào bằng tre gộc quấn kẽm gai ấp chiến lược được Đàm chiếu cố kiểm kê thành tường rào xây gạch có trụ bê tông cốt thép để áp giá đền bù...

Đi sâu vào trong làng, đến chỗ có bốn mỏm đá nằm rải rác quanh một cái nền miếu cũ, cạnh đó là mấy cây xà cừ cổ thụ, thì Đàm gặp ông Huệ. Ông Huệ họ tên đầy đủ là Bùi Văn Huệ, người Sơn Thạch vẫn thường gọi ông là thầy Huệ, vì ông là người duy nhất ở làng này biết bấm đốt ngón tay coi ngày tốt xấu, nắm được hết các lễ nghi cúng kính, hôn, tang, hiếu sự, đến phong tục đầy tháng, thôi nôi... Sơn Thạch có gần năm chục hộ thì hầu hết đã từng có việc phải cậy nhờ ông Huệ. Đám cưới nào ông Huệ bấm đốt tay chọn giờ chọn ngày giùm về sau cũng đề huề gia thất, hạnh phúc viên mãn. Đám tang nào ông coi giờ nhập quan, giờ chôn, chọn đất cũng đều ấm cúng, an yên... Đàm nhớ rõ mặt, tường tận cả tên họ và tên người làng thường gọi ông Huệ là bởi trong những lần xuống vận động dân Sơn Thạch di dời nhà cửa, xuống kiểm kê áp giá đền bù, lần nào cũng gặp, cũng nghe ông ấy phát biểu ý kiến, và đều là những ý kiến gay gắt. Mỗi khi ông Huệ phát biểu, cả làng đều vỗ tay rất to. Thêm nữa, ông Huệ là người cuối cùng ở Sơn Thạch ký biên bản chấp nhận di dời và xác nhận bản kê đền bù do ban đền bù giải tỏa đưa ra. Ký xong phần của mình, ông Huệ xin được nói thêm, nguyện vọng của ông là khi giải tỏa làng Sơn Thạch, chính quyền nên đề nghị nhà đầu tư không phá bỏ bốn mỏm đá nằm quanh cái nền miếu cũ và mấy cây xà cừ cổ thụ. Miệng hơi bạnh ra, mắt rươm rướm nước, ông Huệ cứ lặp đi lặp lại, mấy hòn đá đó linh lắm, phá đi thì con đất này khó mà yên ổn, các chú còn trẻ, lại không phải là người ở đây nên không hiểu chuyện đâu...

Nhìn thấy Đàm, ông Huệ hơi ngớ người ra nhưng rồi cũng nhanh chóng trở lại bình thường, đánh tiếng hỏi Đàm còn xuống làng làm chi nữa. Đàm bảo con xuống để tìm gặp bác đây. Ông Huệ xua tay, giấy má các thứ tôi ký hết rồi, năm ngày nữa là nhà tui triệt hạ, có vướng víu chi nữa đâu mà... Đàm kéo ông Huệ ghé lại chỗ mỏm đá lớn nhất trong số bốn mỏm đá, nơi có một tán xà cừ rậm lá xòe ra như cái dù lớn che kín khoảng không bên trên, bảo con xuống tìm bác là vì mấy mỏm đá này đây. Mặt ông Huệ sáng lên, hỏi tới tấp có phải cấp trên đồng ý không giải tỏa tứ thạch trấn này không? Đàm định hỏi tứ thạch trấn là cái gì thì thấy ông Huệ khoát tay về phía bốn mỏm đá, nên thôi không hỏi nữa.

Hóa ra, theo lời kể của ông Huệ, bốn mỏm đá nằm rải rác quanh cái nền miếu cũ và mấy cây xà cừ cổ thụ không giống như hàng trăm hàng nghìn mỏm đá nằm nhấp nhô rải rác khắp cái làng bán sơn địa mang tên Sơn Thạch này. Ngày xưa, chỉ biết là xưa lắm, ông khai canh làng này đưa dân về đây khai đất lập làng, trồng lúa lúa tốt, trồng rau rau xanh, no ấm thấy rõ nhưng bình yên thì không. Tháng nào cũng một hai lần, có khi năm bảy lần, từ cánh núi phía bắc của làng, cứ vào nửa đêm lại có một bầy heo rừng thành tinh tràn xuống phá hết hoa màu, lương thực. Con suối Thạch Khê chạy xuyên qua làng nhỏ xíu là vậy, hiền hòa là vậy nhưng hễ đến mùa mưa là trở nên dữ dằn, không nhấn chìm vài ba người cũng cuốn trôi nhà cửa, heo gà... Ở mé đông của làng, nơi có mỏm đá lớn nhô ra, tưởng khoáng đạt mà hóa ra đầy âm khí, ai vô ý tới gần thì thế nào cũng ốm nặng... Thấy cuộc đất dữ quá, ông khai canh tập hợp thanh niên trai tráng trong làng cùng ông đi thám sát chung quanh suốt bảy ngày bảy đêm liền. Sau đó, đích thân ông leo lên tận đỉnh núi phía bắc điểm chỉ bốn hòn đá lớn, đen bóng, kêu dân làng xeo lên rồi đánh trâu bò kéo về. Bốn hòn đá được đặt ở bốn hướng trên một khu đất rộng giữa làng, gọi là để trấn tà khí. Từ đó Sơn Thạch trở nên yên bình, thịnh vượng.

Những năm chiến tranh, có lần một đơn vị bộ đội hành quân qua làng, nghỉ chân bên bốn hòn đá trấn. Chẳng may bị địch phát hiện, dội bom. Bốn mỏm đá còn nguyên nhưng người thì chết sạch, xương thịt trộn lẫn hết vào trong đất. Một ngôi miếu thờ được dựng lên, ai đi ngang qua cũng ghé vào thắp hương... Sau ngày hòa bình lập lại, ngôi miếu bị đập bỏ để bài trừ mê tín dị đoan, chỉ còn lại cái nền. Miếu mất nhưng bát nhang trên nền miếu vẫn còn, không ngày nào thiếu nhang khói...

Nghe xong câu chuyện, trước khi quay về cơ quan, Đàm nắm chặt đôi bàn tay ông Huệ, nói bác và bà con cứ yên tâm, bằng mọi giá con sẽ thuyết phục cấp trên đề nghị nhà đầu tư giữ lại bốn hòn đá trấn.

Sáu tháng sau cái lần cuối cùng - lần thứ mười hai xuống làng Sơn Thạch gặp ông Huệ nói chuyện về bốn mỏm đá giữa làng, Đàm bị khởi tố rồi bị bắt tạm giam. Sự mủi lòng của Đàm khi kiểm kê áp giá đền bù cho gia đình ông Hiền, ông Hoạch, bà Hai Mạch và mấy hộ khác nữa đủ để cấu thành tội lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ, gây thiệt hại cho Nhà nước. Trong thời gian bị tạm giam, ngày nào Đàm cũng nghĩ về bốn mỏm đá ở giữa làng Sơn Thạch, tự hỏi không biết người ta có phá bỏ chúng đi không, rồi tự trách mình suốt mấy tháng liền không thêm một lần ghé xuống đó xem sự thể ra sao... Ra tòa, nhờ có nhân thân tốt, có thành tích xuất sắc trong công tác nhiều năm liền nên Đàm chỉ phải chịu mức án hai năm tù giam.

Lần này, Đàm lại tìm về làng Sơn Thạch. Là nói theo tên cũ, chứ thực ra Sơn Thạch không còn là làng nữa mà đã mang một cái tên mới: Đá Resort. Để vào được và lưu lại nơi này trong vòng một ngày một đêm, Đàm phải trả tới tám triệu đồng. Ấy là do Đàm chọn phòng hạng trung, nếu chọn phòng cao cấp để ở, số tiền phải trả sẽ là mười lăm triệu cho một ngày một đêm.

Mắc chiếc áo vest lên cái giá gỗ giả cổ, Đàm nằm dài ra chiếc giường nệm trắng muốt, định ngủ lấy sức sau chặng bay dài từ Nhật Bản về Việt Nam, cộng thêm việc phải ngồi taxi ngót trăm rưỡi cây số từ sân bay về khu nghỉ dưỡng này. Đèn phòng vàng ấm, thoảng trong làn hơi lạnh nhẹ bâng là mùi oải hương dìu dịu, quyến rũ, quý phái... những tưởng sẽ dễ dàng đưa người ta vào giấc ngủ. Vậy mà nằm hơn nửa giờ Đàm vẫn không chợp mắt được. Nhổm dậy kéo cửa tủ lạnh lấy chai nước lọc, Đàm đi ra khỏi phòng.

Giống như nhiều khu nghỉ dưỡng cao cấp khác mà Đàm từng đến, không gian của Đá Resort rất thoáng rộng, hiện đại và sang trọng. Lối đi được trải sỏi trắng tinh, cứ như được lau chùi hàng ngày. Cây cối được cắt tỉa, tạo hình công phu, đẹp mắt. Hoa thì bạt ngàn, cả dâm bụt quê kiểng tới những loài hoa ngoại nhập điệu đà, lạ mắt... Không có dấu hiệu nào cho thấy nơi đây từng là một ngôi làng trù phú. Có chăng, sau những lùm cây được cắt tỉa công phu, bên những bãi cỏ Nhật xanh um mềm mại, thi thoảng lại nhô ra một mỏm đá. Làng Sơn Thạch ngày trước đầy những đá ngồi đá nằm. Có lẽ khi san ủi mặt bằng để xây dựng khu nghỉ dưỡng này, chủ nhân của nó đã giữ lại một ít để tạo cảnh… Mọi thứ biến đổi nhanh thật. Mới đó mà cả ngôi làng gần năm chục nóc nhà nằm chen với đá đã biến thành khu nghỉ dưỡng cao cấp. Nhanh như hai năm Đàm ở tù, kịp làm quen và kết thân với một người bạn tù vốn là doanh nhân. Nhanh như sau khi ra tù, chỉ hơn ba năm Đàm đã trở thành ông chủ của một doanh nghiệp chuyên sản xuất các mặt hàng may mặc cao cấp xuất trực tiếp vào thị trường Nhật Bản...

Vừa khi có cảm giác hơi mỏi chân, muốn tìm chỗ nghỉ tạm thì Đàm thấy trước mắt mình hiện ra một hoa viên nhỏ, lố nhố người. Bước thêm một bước nữa, Đàm nhìn thấy mấy cây xà cừ cổ thụ tán lá rậm rì. Thêm một bước nữa, Đàm nhìn thấy bốn mỏm đá đen nằm ở bốn phía. Thêm một bước nữa, Đàm nhìn thấy một ông già dáng vẻ rắn rỏi, ngồi trên cái đôn bằng đá, vừa nói gì đó với những người có vẻ là khách du lịch đang đứng lố nhố chung quanh, vừa chỉ trỏ mấy cây xà cừ cổ thụ và bốn mỏm đá. Ông già mặc bộ đồ đen, ngồi trên cái đôn bằng đá đen gần bên một trong bốn mỏm đá đen. Trong ánh chiều tà, bóng ông trở nên đen chắc, vững chãi, như đá.

Bước thêm một bước nữa, Đàm buột miệng thốt lên: “Ông Huệ!”.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đá trấn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO