“Đã uống rượu bia, không lái xe”

CHÂU NỮ 03/01/2020 09:24

Nghị định 100/2019/NĐ-CP (Nghị định 100) của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, có hiệu lực từ ngày 1.1.2020 có nhiều điểm mới đáng chú ý so với quy định tại nghị định trước đây (Nghị định 46/2016/NĐ-CP). Theo Nghị định 100, người điều khiển phương tiện giao thông (kể cả điều khiển xe đạp) mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn đều bị nghiêm cấm. Mức phạt đối với người điều khiển ô tô vi phạm nồng độ cồn ở mức cao nhất lên đến 40 triệu đồng; đồng thời tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 22 - 24 tháng (nghị định trước đây quy định xử phạt mức cao nhất từ 16 - 18 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 4 - 6 tháng). 

Các quy định mới tại Nghị định 100 nhằm hiện thực hóa Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia. Với chế tài khá nặng theo quy định mới, cơ quan chức năng hy vọng đủ sức răn đe những đối tượng đã uống rượu bia mà còn điều khiển các phương tiện tham gia giao thông. Dù luật quy định rất khắt khe nhưng đa số người dân ủng hộ quy định được xem là hợp lý này.

Theo khảo sát trên Báo Tuổi trẻ, tính đến ngày 30.12.2019, có gần 8 nghìn người ủng hộ cấm tuyệt đối người lái xe uống rượu bia, trong khi đó chỉ có khoảng 1.200 người cho rằng cần điều chỉnh quy định. Có người cho rằng quy định này rất “căng”, nhất là trong những ngày tết sắp tới, số người sử dụng rượu bia khá nhiều. Nhưng lưu ý là luật chỉ quy định “đã uống rượu bia, thì không lái xe”. Những người đã uống rượu bia, vẫn có thể tham gia giao thông, chỉ có điều, không được phép điều khiển phương tiện. Có đặt mình vào trường hợp những người từng là nạn nhân của tệ uống rượu bia rồi lái xe mới thấy hết tính nhân văn và sự cần thiết của quy định này.

Nhưng liệu quy định này có thực thi triệt để, nghiêm túc trong thực tế? Báo Pháp luật TP.Hồ Chí Minh ghi nhận số ca cấp cứu do tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia tại TP.Hồ Chí Minh trong ngày đầu thực thi Luật Phòng chống tác hại rượu bia vẫn còn nhiều và có xu hướng gia tăng. Tình trạng tai nạn giao thông ngày càng gia tăng do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do người đã uống rượu bia vẫn điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Lực lượng chức năng cũng ra quân đợt cao điểm xử lý vi phạm từ trước Tết Dương lịch, trong đó tập trung xử lý vi phạm về nồng độ cồn... Thế nhưng, không ít người vẫn hồ nghi vào tính nghiêm minh và sự kiên quyết trong việc thực thi pháp luật: liệu rồi luật này cũng không thể thực hiện nghiêm túc như Luật Phòng chống tác hại thuốc lá đã ban hành trước đó? Bởi, hút thuốc lá nơi công cộng dễ nhìn thấy, dễ phát hiện hơn so với việc phát hiện người điều khiển phương tiện giao thông có nồng độ cồn, nhưng trên thực tế đã có trường hợp vi phạm nào bị xử lý? Trong khi đó, với việc xử lý người đã sử dụng rượu bia nhưng vẫn lái xe, chỉ cần lực lượng chức năng chốt chặn ở các nhà hàng, quán nhậu, tiệc cưới…, là đã có thể phát hiện; song để làm được như vậy là không dễ...

Đồng ý rằng, đề ra luật, không phải chủ yếu để xử phạt người vi phạm, mà đích hướng đến là nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân. Tuy nhiên, nếu không hoặc không thể xử lý ráo riết, nghiêm túc, kiên quyết... như yêu cầu của luật thì cái đích ấy cũng sẽ trở nên xa vời...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
“Đã uống rượu bia, không lái xe”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO