Vì bị “ma men” đưa đường dẫn lối, người điều khiển phương tiện đã phóng nhanh vượt ẩu, đi sai phần đường quy định gây nên nhiều cảnh tai nạn thương tâm. Thực tế chứng minh, sử dụng rượu, bia quá nồng độ rồi lái xe luôn tiềm ẩn những nguy cơ khôn lường cho tính mạng người tham gia giao thông. Các nhà chuyên môn đã nghiên cứu và có đáp án: Người điều khiển phương tiện uống rượu, bia vượt quá giới hạn cho phép sẽ giảm tốc độ phản ứng 10 - 30% khi có tình huống xảy ra trên đường. Chất kích thích vừa nêu còn giảm khả năng điều khiển tự chủ, phản xạ và thị lực của người sử dụng nó. “Ma men” ảnh hưởng trực tiếp đến thị giác và quá trình xử lý, truyền tải hình ảnh tới não bộ, gây ước tính sai về khoảng cách. Do vậy, người say rượu, bia dễ gây ra lỗi rất nguy hiểm như chạy quá tốc độ, vượt ẩu, đi sai phần đường quy định làm tổn thương bạn đồng hành và tự hại cho bản thân mình.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ở các nước có thu nhập thấp, người chết vì tai nạn giao thông đường bộ do sử dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện cơ giới chiếm tỷ lệ 33 - 69%. Ở tỉnh ta, nhiều vụ tai nạn giao thông thảm khốc xảy ra cũng do người lái dùng nồng độ cồn quá đà. Bước vào thời điểm cuối năm (đặc biệt là Tết Nguyên đán 2015), mọi người sẽ có nhiều dịp liên hoan, tiệc tùng. Chính vì vậy, Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh đã triển khai kế hoạch kiểm soát, xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ cuối năm 2014 và Tết Nguyên đán Ất Mùi. Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh - ông Trương Khuê khuyến cáo: “Người tham gia giao thông hãy nhớ uống rượu, bia có mức độ. Ngoài chuyện vi phạm pháp luật, bà con nào dùng nồng độ cồn vượt mức cho phép sẽ có nguy cơ cao để lại hậu quả không gì bù đắp nổi cho gia đình, người thân và cộng đồng. “Đã uống rượu, bia - không lái xe”; “Tính mạng con người là trên hết”.
Để đạt hiệu quả thiết thực, Ban ATGT tỉnh đặt mục tiêu cần phải tạo được sự đồng thuận cao của toàn xã hội trong việc chấp hành các quy định pháp luật về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ. Bằng cách nào đó, các cấp, các ngành phải làm cho người dân nhận thức rõ lạm dụng rượu, bia vô cùng nguy hiểm. “Ma men” không chỉ gây tổn hại cho sức khỏe mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn, cướp đi tính mạng hoặc để lại thương tật suốt đời. Ngược lại, lực lượng chức năng cần tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm mới hy vọng ngăn chặn hiệu quả tình trạng người say rượu, bia lái xe. “Công an các địa phương phối hợp chặt chẽ với các hội, đoàn thể để thường xuyên tuyên truyền đến mọi tầng lớp nhân dân, nhất là đối tượng thanh thiếu niên. Từng bước hình thành thói quen, ý thức tự giác chấp hành quy định về nồng độ cồn; góp phần hạn chế tai nạn giao thông. Làm sao đó để người dân bày tỏ sự đồng thuận với lực lượng chức năng, hợp tác lên án các hành vi vi phạm” - ông Trương Văn Cận, Phó Trưởng ban Thường trực Ban ATGT tỉnh nói.
SÁU CÒI