Đặc công xứ Quảng trong xuân 68

VĂN SANH 15/02/2018 17:45

Với cách đánh “xuất quỷ nhập thần”, lấy ít đánh nhiều, luồn sâu đánh hiểm, lực lượng mũi nhọn đặc công Quảng Đà - Quảng Nam đã ghi dấu ấn đậm nét trong cuộc Tổng tiến công xuân 1968.

Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Thành, năm nay tròn 90 tuổi, nguyên Phó ban Đặc công Bộ Tư lệnh Mặt trận 4 bồi hồi nhớ lại: Những ngày giáp Tết Mậu Thân 1968, các đơn vị tổ chức cho bộ đội ăn tết trước. Thời gian nổ súng của chiến dịch là đêm 30 rạng ngày 31.1.1968 (tức đêm giao thừa Tết Mậu Thân), các đơn vị cơ quan chỉ huy phía trước cùng bộ đội đã bí mật hành quân đến vị trí tập kết và chiếm lĩnh trận địa sẵn sàng đợi lệnh.

Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Thành và tác giả tại nhà riêng ở TP.Đà Nẵng tháng 12.2017. Ảnh ĐÌNH QUÂN
Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Thành và tác giả tại nhà riêng ở TP.Đà Nẵng tháng 12.2017. Ảnh ĐÌNH QUÂN

Tập trung đánh vào Đà Nẵng

Lực lượng vũ trang của Quảng Đà lúc này gồm có 2 tiểu đoàn đặc công hậu cứ (D487, D489) và Tiểu đoàn 1 bộ binh (R20), thêm các Trung đoàn 31 bộ binh, Trung đoàn pháo binh 575, 577 từ miền Bắc vào, cùng các phân đội đặc công nước, đội biệt động, dân quân tự vệ quận và 3 khu Hòa Vang. Khi đó, địch ở khu 5 có gần 40 vạn, gồm 22 vạn quân Mỹ và chư hầu, máy bay chiến đấu 1.600 chiếc, pháo binh, xe tăng, hỏa lực tập trung khá lớn. Bộ đội đặc công và biệt động thành, các đơn vị bộ binh tinh nhuệ có nhiệm vụ làm mũi nhọn tiến công, đánh tan rã bộ phận quan trọng quân địch.

Đây là cuộc tiến công có ý nghĩa chiến lược làm thay đổi cục diện của cuộc kháng chiến chống Mỹ, như Đảng đã khẳng định: Có Mùa Xuân 1968, mới có Mùa Xuân 1975.

Đến ngày 30.1, Đặc khu ủy Quảng Đà và Tư lệnh Mặt trận 4 nhận được lệnh hoãn giờ nổ súng sang đêm 31.1. Do chiến trường chia cắt, thông tin liên lạc chậm, nên chỉ số ít đơn vị biết được lệnh hoãn. Đúng 2 giờ 20 phút ngày 31.1, pháo ta đồng loạt nã vào sân bay Đà Nẵng, sân bay Nước mặn, trận địa pháo Thanh Vinh, tổng kho hậu cần Bàu Mạc, kho xăng Liên Chiểu… Các đơn vị đặc công thần tốc xuất kích, san bằng khu ra-đa, thông tin ở điểm cao Phước Tường, đánh sập 6 dàn tên lửa Tomahawk của Mỹ ở đỉnh đèo Hải Vân, đánh vào sở chỉ huy Trung đoàn 51 ngụy ở Miếu Bông, chiếm Cầu Đỏ và nam sông Cẩm Lệ. Các phân đội biệt động, tự vệ thuộc các quận 1, 2 và 3 nhanh chóng đánh chiếm những mục tiêu như đài phát thanh, quân vụ thị trấn, tòa thị chính… Trên vịnh Đà Nẵng, phân đội đặc công nước do đồng chí Huỳnh Thế làm Phân đội trưởng chỉ huy đánh chìm tàu Lo-ri chở hàng quân sự trọng tải 2.500 tấn nằm cách bờ biển Phú Lộc 3km. Theo kế hoạch hợp đồng, sau khi đánh tàu xong, đội hình rút vào bờ biển Phú Lộc, bắt liên lạc với cơ sở và lực lượng bộ binh phối hợp đánh vào khu vực này nhưng bị địch phát hiện, các đồng chí chiến đấu ngoan cường và tất cả đã hy sinh.

Diễn biến chiến đấu trên các hướng cũng diễn ra căng thẳng. Trung đoàn 31 ở phía bắc, Tiểu đoàn 1 ở phía nam đều không vượt qua được các tuyến phòng ngự của địch, do đó phải trụ lại ở các vị trí xuất phát và đánh địch phản kích. Sáng 31.1, một trung đội của Tiểu đoàn 1 và trung đội của khu 3 Hòa Vang, gồm 57 chiến sĩ  thọc sâu đánh chiếm ngã tư Quân đoàn, đánh vào Bộ Tư lệnh Quân đoàn 1 ngụy. Bị 3 tiểu đoàn chủ lực với 4 xe M113 của địch bao vây phản kích, không có lực lượng tiếp ứng, các chiến sĩ đã chiến đấu tiêu diệt hàng trăm tên địch và lần lượt anh dũng hy sinh.

Cắm cờ trên nóc Tỉnh đường Quảng Tín

Hội An, các khu trọng điểm chìm trong biển lửa

Tại Hội An, ngoài Tiểu  đoàn 2 bộ binh - đặc công hóa, còn có Tiểu đoàn 3 bộ binh và các trung đội hỏa lực, trinh sát thuộc Bộ Tư lệnh Mặt trận 4 cùng 3 đại đội thị xã. Tất cả do đồng chí Nguyễn Hoán - Tham mưu phó Mặt trận 4 trực tiếp chỉ huy. Đêm 30.1, Tiểu đoàn 2 cùng các đơn vị bí mật hành quân, chiếm lĩnh trận địa. Đúng 0 giờ 30 phút ngày 31.1, lệnh nổ súng từ sở chỉ huy phát ra, lập tức hỏa lực của ta đồng loạt bắn phá tiêu diệt các lô cốt đầu cầu, trung tâm chỉ huy, thông tin liên lạc của địch. Toàn bộ Tiểu khu hành chính Quảng Nam, Chi khu quận lỵ Hiếu Nhơn, căn cứ Tiểu đoàn 102 công binh địch chìm trong biển lửa… Sau đó, các lực lượng rút về hậu cứ sẵn sàng đánh địch phản kích.

Cuộc tiến công và nổi dậy ở Quảng Nam chậm một ngày so với Quảng Đà. Riêng huyện Thăng Bình không nhận được lệnh hoãn nên vẫn nổ súng đêm 30.1. Trong khi tiến công, cán bộ binh vận ta gọi loa uy hiếp nên sang đêm sau địch ráo riết đề phòng. Quân Mỹ-ngụy rải ra ngăn chặn, phục kích các ngả đường làm cho lực lượng pháo binh của Tỉnh đội trong đêm 31.1 không vào chiếm lĩnh trận địa được. Liên đội đặc công phải đánh địch, mở đường mà đi. Các đơn vị khác cũng khó khăn lắm mới chiếm lĩnh được các vị trí đã định.

Ở phía nam, Tiểu đoàn đặc công 409 và pháo binh Quân khu 5 tiến công căn cứ Chu Lai, đánh thiệt hại 2 sư đoàn bộ binh American, sân bay, bãi xe, trận địa pháo. Tại thị xã Tam Kỳ, liên đội đặc công tiềm nhập qua các lớp rào, đến 3 giờ 55 phút ngày 1.2.1968 nổ súng, mở đầu cuộc tiến công đồng loạt chiếm nhà ga, phá hệ thống phòng thủ thị xã, đánh thẳng vào sở chỉ huy Sư đoàn 2 ngụy, chiếm trận địa pháo, kho xăng, kho đạn. Đồng thời tiến công tiêu diệt bộ chỉ huy Trung đoàn 6 ngụy. Tiểu đoàn 70 Quảng Nam, sau những phút chiến đấu gay go và ác liệt, mũi thọc sâu của Đại đội 2 đã cắm lá cờ “Núi Thành anh dũng diệt Mỹ” trên nóc tòa nhà Tỉnh đường Quảng Tín. Nhưng do không nhận được lệnh rút, các chiến sĩ Đại đội 2 đã tổ chức chiếm giữ gác 2 dinh tỉnh trưởng này đến chiều 1.2, đánh lui nhiều đợt phản kích của địch và anh dũng hy sinh. Hơn 5.000 quần chúng nổi dậy, kéo vào thị xã Tam Kỳ đều bị địch xả súng bắn chặn, gây cho cán bộ và đồng bào ta nhiều tổn thất.

Cũng như toàn miền Nam trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân, các đô thị thuộc Đặc khu Quảng Đà và tỉnh Quảng Nam không nơi nào thành công như mục tiêu đã định. Tuy nhiên, đây là cuộc tiến công có ý nghĩa chiến lược, làm thay đổi cục diện của cuộc kháng chiến chống Mỹ, như Đảng đã khẳng định: Có Mùa Xuân 1968, mới có Mùa Xuân 1975.

VĂN SANH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đặc công xứ Quảng trong xuân 68
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO