Dù từ khi ra đời cho đến lúc hoàn thành sứ mệnh chỉ khoảng 8 năm, nhưng Đặc khu ủy Quảng Đà đã để lại những dấu ấn không thể phai nhòa. Điều này cũng đã được đúc kết tại hội thảo khoa học “Vai trò Đặc khu ủy Quảng Đà đối với phong trào cách mạng Quảng Đà (1967-1975).
|
Các đồng chí nguyên là cán bộ chủ chốt của Đặc khu ủy Quảng Đà chụp hình lưu niệm tại hội thảo. Ảnh: QUỐC TUẤN |
Dấu son để lại
Ra đời trong hoàn cảnh chiến trường miền Nam bước vào giai đoạn mới khi Mỹ liên tục gia tăng quân số, càn quét ác liệt lực lượng cách mạng hòng triệt tiêu sinh lực, ý chí chiến đấu của quân và dân ta. Tháng 10.1967, Khu ủy 5 quyết định sáp nhập tỉnh Quảng Đà và TP.Đà Nẵng thành Đặc khu Quảng Đà. Đồng chí Hồ Nghinh được Thường vụ Khu ủy 5 chỉ định làm Bí thư Đặc khu ủy Quảng Đà. Lúc này, Đặc khu Quảng Đà chia Đà Nẵng thành 3 quận (I, II, III), chia Hòa Vang thành 3 khu (I, II, III) và các địa phương khác, nay là: Hội An, Điện Bàn, Đại Lộc, Duy Xuyên, Đông Giang, Nam Giang, Tây Giang. Từ khi thành lập, Đặc khu ủy Quảng Đà củng cố mọi mặt về tổ chức, điều chuyển nhiều cán bộ, thanh niên từ các huyện vào tăng cường cho TP.Đà Nẵng. Chỉ gần nửa năm sau, Đặc khu ủy Quảng Đà để lại dấu ấn trong việc lãnh đạo nhân dân tham gia Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 với tinh thần tiến công địch ở cả “3 vùng, 3 thứ quân”. Chiến dịch này đã tạo tiếng vang lớn cho lực lượng cách mạng, tạo lợi thế về mặt chính trị trên bàn đàm phán, tuy vậy chưa làm tê liệt hoàn toàn sức kháng cự của địch. Theo nguyên Bí thư Đặc khu ủy Quảng Đà - Trần Thận, sau chiến dịch Mậu Thân 1968 địch điên cuồng càn quét mọi nơi gây tổn thất nặng nề và huênh hoang đại ý rằng bao giờ nước sông Thu Bồn chảy ngược thì Việt Cộng mới đánh thắng được Mỹ.
Trước tình hình đó, Đặc khu ủy Quảng Đà chủ trương phát động công nhân, người lao động, học sinh - sinh viên xây dựng lực lượng chính trị, vũ trang tại đô thị và đẩy mạnh chiến tranh du kích, diệt ác giành quyền làm chủ ở ngoại ô, nông thôn, giúp nối liền vùng ven và nội ô thành phố. Nhờ sự củng cố, khôi phục này, lực lượng cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đặc khu ủy Quảng Đà ngày càng lớn mạnh và góp công lớn vào việc phối hợp giải phóng TP.Đà Nẵng vào tháng 3.1975.
Nguyên Bí thư Đặc khu ủy Quảng Đà - Trần Thận (bên trái) trò chuyện cùng cộng sự một thời tại Đặc khu ủy bên lề hội thảo. |
Trong những ngày đầu quê hương giải phóng, nhận thấy tình hình thiếu đói nghiêm trọng trong nhân dân, Đặc khu ủy Quảng Đà đã chủ trương xuất hơn 640 tấn gạo cứu đói, cứu tế; bán chịu cho dân 1.500 tấn gạo; vận động hồi cư hơn 600.000 người; tích cực vận động nhân dân thực hiện nhiệm vụ giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc.
Linh động trong đấu tranh
Dựa vào nhân dân Đặc khu Quảng Đà với đặc thù có đô thị Đà Nẵng là căn cứ quân sự và đồn trú của hàng trăm nghìn lính Mỹ, lính Việt Nam cộng hòa và một số nước chư hầu, do đó cán bộ cách mạng không thể hoạt động tại đây nếu không có nhân dân che chở. Với sự giúp đỡ của người dân, nhiều căn hầm bí mật được dựng lên trong toàn đặc khu, nhất là tại nội thành Đà Nẵng. Thành công lớn lao của Đặc khu ủy Quảng Đà nằm ở việc đã xây dựng được lực lượng cán bộ cơ sở vừa hồng vừa chuyên được nhân dân tin cậy, quý mến và đùm bọc. Ông Nguyễn Văn Chi - nguyên Đặc khu ủy viên Quảng Đà chia sẻ, hồi đó cán bộ hoạt động cách mạng sợ “mồ côi dân” hơn cả mồ côi cha mẹ, bởi không có nhân dân che chở làm tai mắt để cảnh giác quân thù, cung cấp lương thực thì không tài nào có thể hoạt động được. |
Trong đấu tranh cách mạng, phương thức nào cũng cần tính linh hoạt, uyển chuyển và đòi hỏi khả năng sáng tạo. Theo Th.S Phạm Thị Thanh Thúy - đại biểu dự hội thảo, thực tiễn ở chiến trường Quảng Đà đã cho thấy Đặc khu ủy đã cực kỳ linh hoạt trong việc tấn công bằng nhiều hình thức. Đối với lính Mỹ, có khi tấn công bằng các khẩu hiệu chính trị như: “Anh đứng về phía nhân dân Mỹ hay phía Níchxơn”, “Hãy đòi về nước ngay, đừng chết vô ích trong cuộc chiến tranh xâm lược này”… Với những người lính ngụy, lãnh đạo Đặc khu ủy Quảng Đà chủ trương đấu tranh trực diện, vì phần lớn họ bị bắt buộc đi lính nên lương tâm ít nhiều dằn vặt. Với quần chúng, Đặc khu ủy đưa ra khẩu hiệu đòi dân sinh, dân chủ đánh trúng vào tâm lý bức xúc của nhân dân đối với chính quyền Mỹ-ngụy nên tạo thuận lợi lớn cho phong trào cách mạng khi tranh thủ được sự ủng hộ của nhân dân.
Lãnh đạo Đặc khu ủy Quảng Đà cũng hết sức nhạy bén trong việc kết hợp đấu tranh vũ trang với đấu tranh chính trị, binh vận, bởi chỉ có kết hợp các phương thức đấu tranh này cuộc kháng chiến mới đạt được kết quả cao nhất. Một quyết định linh hoạt khác của Đặc khu ủy Quảng Đà trong đấu tranh vào thời điểm Đà Nẵng chuẩn bị giải phóng được cấp trên đánh giá cao là dù lệnh giải phóng định ngày 30.3.1975, nhưng khi nắm bắt tình hình Tư lệnh Quân đoàn 1 Việt Nam cộng hòa và tùy tùng bỏ chạy ra Hạm đội 7, một số cán bộ chủ chốt của Đặc khu ủy đã nhanh chóng phát lệnh giải phóng trước một ngày (ngày 29.3.1975). Dù có thể gây nên sự xáo trộn nhất định, tuy nhiên do dự lường 3 khả năng từ trước nên Đặc khu ủy đã chủ động chuyển phương án, sử dụng lực lượng vũ trang địa phương với các Trung đoàn 96, 97 (Mặt trận 4 Quảng Đà) và lực lượng quần chúng khởi nghĩa để phối hợp với quân chủ lực giải phóng Đà Nẵng và thực tế đã thành công vang dội.
QUỐC TUẤN