Một bản sắc văn hóa mà người Nhật mong muốn được chia sẻ đến đông đảo người Việt, chính là tinh hoa ẩm thực của đất nước mình. Đây cũng chính là điều được kỳ vọng sẽ thu hút người tham dự trong các ngày diễn ra sự kiện “Những ngày văn hóa Nhật Bản tại Quảng Nam” vào cuối tuần này…
Đầu bếp Nhật trổ tài với các món ăn phong cách Teppanyaki. Ảnh: LÊ LỘC |
Món ngon Phù Tang
Bao giờ cũng vậy, ẩm thực luôn là điều cuốn hút và để lại ấn tượng sâu đậm trong các kỳ hội. Lần này, các gian hàng ẩm thực Nhật Bản sẽ góp phần làm phong phú thêm “Những ngày văn hóa Nhật Bản tại Quảng Nam và Giao lưu văn hóa Hội An - Nhật Bản”, diễn ra từ ngày 17 đến 19.8. Ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An nói, chính vì sự quan trọng như vậy nên không cuộc giao lưu nào của Hội An thiếu hoạt động quảng bá ẩm thực của Nhật Bản. Cũng như chính người Nhật đang sinh sống tại Hội An, họ ý thức rất cao về nền ẩm thực của đất nước mình. Trong kỳ hội lần này, Genta Miyagawa - một người Nhật rất nhiệt huyết với Hội An - đã kêu gọi một số đầu bếp và doanh nghiệp tổ chức các gian hàng ẩm thực trong suốt những ngày diễn ra các hoạt động giao lưu.
Với những món truyền thống như sushi, shasimi, mì udon, rượu sake…, các đầu bếp xứ Phù Tang lần này “biến hóa” để mỗi món ăn Nhật không chỉ mang dáng dấp của ẩm thực, mà còn mang đặc trưng của hơi thở, văn hóa và tinh thần Nhật Bản. Trong nghệ thuật chế biến món ăn Nhật Bản lúc nào cũng có 5 nguyên tắc, bao gồm: 5 màu, 5 vị, 5 phương pháp nấu, 5 giác quan, 5 quy tắc. Mỗi món ăn như một tác phẩm với nghệ thuật chơi màu độc đáo. Ẩm thực Nhật đơn giản nhưng tinh tế, thức ăn Nhật không chỉ đánh thức vị giác của người thưởng thức mà còn cả thị giác, thính giác, khứu giác. Cũng như món ăn ở các nước khác, món ăn Nhật có lịch sử và văn hóa riêng của nó. Bạn có thể tìm hiểu về lịch sử và văn hóa từ chính những món ăn. Hiện tại, Hội An có khoảng 10 nhà hàng có bán món ăn Nhật Bản với các hướng chuyên biệt theo trường phái ẩm thực Nhật, từ nhà hàng Hoa Anh Đào (đường Nguyễn Thái Học), Hoshigami Sushi (Cửa Đại), Samurai Kitchen, nhà hàng The Wessia (khách sạn Palm Garden)… Mỗi nơi đều mang tính đặc trưng, độc đáo từ cách bài trí không gian đến hương vị các món ăn…
Trải nghiệm cùng Teppanyaki
Phong cách Teppanyaki - một nghệ thuật ẩm thực đặc sắc đem lại trải nghiệm chân thực nhất bằng cách nướng trực tiếp trên bàn gang trước mặt thực khách – đã được nhà hàng The Wessia của khách sạn Palm Garden đưa vào phục vụ thực khách từ tháng 5.2018. Ông Huỳnh Chiến - bếp trưởng nhà hàng cho biết, “teppan” có nghĩa tấm gang, “yaki” là cách chế biến trên chảo như nướng, xào, chiên… “Bằng cách nướng áp trên một tấm gang dày có khả năng chịu nhiệt cao, Teppanyaki có thể nướng miếng bít tết chỉ trong 1 - 2 phút. Tại nhà hàng thực khách không chỉ được thưởng thức miếng thịt bò Kobe thượng hạng mà còn có thể lựa chọn nhiều món ăn Nhật Bản được chế biến từ thực phẩm tươi sống như thịt gà, tôm hùm Alsaka, tôm càng, sò điệp, cá hồi…” - ông Chiến cho biết.
Tiêu chí của mỗi nhà hàng Nhật là luôn luôn giản dị, khiêm tốn với cánh cửa đóng khép kín bên ngoài nhưng bên trong mỗi nhà hàng là thế giới của hương vị, vừa tinh khiết vừa cầu kỳ, chuẩn mực. Trong bữa ăn, người Nhật thường chỉ thưởng thức mỗi món một ít, ăn để cảm nhận hương vị chứ không đơn thuần để no. Khả năng vẽ và sáng tạo của người Nhật ảnh hưởng cả vào quá trình nấu và trình bày món ăn. Mỗi món là một tác phẩm nghệ thuật thực sự, hòa trộn khéo léo giữa hương vị đậm đà, tươi ngon của thực phẩm; cách trang trí tao nhã đẹp mắt của món ăn và sự đơn giản nhưng tinh tế của dụng cụ đựng thức ăn. “Với Teppanyaki, đây là loại hình ẩm thực cao cấp nhưng không phải quá xa lạ với thực khách vì đã có mặt ở Việt Nam vài năm nay, nhưng đối với Hội An, Quảng Nam thì đây là lần đầu tiên nghệ thuật ẩm thực Nhật Bản Teppanyaki xuất hiện. Chúng tôi mở nhà hàng Nhật Bản cũng nhằm định hướng thói quen ẩm thực về đất nước này” - bà Nguyễn Hoàng Cẩm Tú, Giám đốc tiếp thị Palm Garden chia sẻ.
Mang hương vị quê nhà đến với đất khách, cũng là tiêu chí đầu tiên của mỗi người Nhật khi mở nhà hàng tại Hội An. Các đầu bếp Nhật Bản chia sẻ, họ mong muốn sẽ mang đến cho du khách Nhật khi dừng chân tại Hội An những hương vị như khi họ đang thưởng thức ẩm thực ở xứ sở mình. Mặc dù nguyên liệu dùng để chế biến món ăn tại Hội An sẽ khác với Nhật Bản, nhưng họ cho rằng đó không phải là thử thách lớn. “Công nghệ trồng và sản xuất thực phẩm ở Việt Nam khác ở Nhật. Tôi thích sự phong phú đa dạng và cũng rất dân dã của những loại thực phẩm bày bán ở các chợ Việt. Ở Nhật với công nghệ hiện đại, như trồng rau trong nhà kính nên thực phẩm có quanh năm và chất lượng giống nhau. Nhưng ở Hội An, rất nhiều nguyên liệu xuất hiện ở các mùa khác nhau, có thể cảm nhận sự chuyển mùa qua nguyên liệu thực phẩm ở chợ. Và tôi thích thú với điều này!” - một đầu bếp Nhật Bản của nhà hàng Samurai Kitchen ở Hội An chia sẻ.
Và những món ngon của xứ sở Phù Tang đã góp thêm sắc màu để phố Hội thêm lần nữa lưu dấu trong lòng người tìm đến.
XUÂN HIỀN - GIA KHANG