Dịp Giỗ tổ Hùng Vương, người dân và du khách được tham gia, trải nghiệm nét văn hóa đặc sắc thông qua Lễ hội Kỳ yên năm 2024 được tổ chức tại đình làng Hội An (xã Tiên Châu, Tiên Phước).
Độc đáo rước sắc phong
Đường làng Hội An (xã Tiên Châu) những ngày qua nhộn nhịp bởi dòng người nô nức trẩy hội. Lễ hội Kỳ yên ở làng Hội An lần đầu tiên được tổ chức quy mô, phục dựng lại các nghi thức rước Sắc phong, lễ chánh tế.
Từ sáng sớm 18/4 (ngày Giỗ tổ Hùng Vương 10/3 âm lịch), đoàn rước Sắc phong tập kết ở đình làng Hội An, đi đến nhà ông Nguyễn Đình Tuấn (thủ sắc) để rước sắc về đình làng Hội An. Sắc phong được phục chế, đựng trong một hộp gỗ sơn son thếp vàng, đặt trên kiệu Long Đình do 4 trai đinh khiêng.
Sau khi Sắc phong được rước về đình làng, lễ chánh tế kỳ yên được tổ chức tại đình chính và ngoài sân đình làng, trước sự chứng kiến của đông đảo người dân địa phương và du khách.
Ông Nguyễn Văn Cường - Chủ tịch UBND xã Tiên Châu, cho biết: “Lễ Kỳ yên được phục dựng để gìn giữ nét văn hóa đặc sắc vùng trung du xứ Quảng nhằm tri ân công lao của Thành hoàng; cầu mong “mưa thuận gió hòa”, mùa màng bội thu, quốc thái dân an, làng xóm yên vui, dân giàu nước mạnh.
Ngày kỳ yên cũng là ngày ghi nhớ công ơn của các bậc tiền nhân đã có công khai phá, xây dựng làng xã thông qua lễ tế tiền hiền - hậu hiền, tiền bối - hậu bối …
Đây là nghi lễ bắt nguồn từ nếp nghĩ quý trọng công lao của các bậc tiên tổ có công, thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn; một hình thức tri ân các bậc tiền nhân có công khai sáng bồi đắp cho địa phương”.
Gìn giữ giá trị xưa
Chứng kiến nghi lễ rước Sắc phong quy mô khoảng 200 người tham gia, bà Hồ Thị Thanh Mỹ (thôn Thanh Tân, xã Tiên Châu) nói: “Hội làng năm nào cũng có tổ chức lễ cúng tế, nhưng đây là lần đầu tiên có lễ rước Sắc phong rất hoành tráng.
Tôi sống hơn 60 năm rồi, lần đầu được chứng kiến một lễ hội được phục dựng tại quê hương rất bề thế, trang trọng. Hoạt động này giúp người dân được chứng kiến nét đẹp văn hóa của người xưa để lại, gìn giữ và phát huy.
Bản thân tôi tham gia lễ hội cũng đóng góp từ tâm những mặt hàng nông sản quê hương, kết mâm ngũ quả, làm mâm bánh trái dâng lên cúng Thành hoàng làng. Người trong thôn cũng rất nhiệt tình tham gia các hoạt động, góp thêm chút công sức cho ngày hội quê mình”.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Nguyệt - một người con quê hương Tiên Phước định cư ở TP.Tam Kỳ cũng tranh thủ về tham gia lễ hội.
Bà Nguyệt nói: “Được tin ở quê có Lễ hội Kỳ yên lần đầu được tổ chức quy mô, tôi cùng bạn bè tranh thủ về để vừa xem lễ hội vừa mua sắm quà quê. Tôi thấy đây là một lễ hội rất ý nghĩa với người dân và cả khách tham quan.
Với thế hệ trẻ, đây là điều mới lạ vì họ chưa từng được chứng kiến hoặc chưa từng tìm hiểu về câu chuyện lập làng giữ làng ngày xưa. Tôi nghĩ các bạn trẻ cần được giáo dục về truyền thống quê hương qua những lễ hội như thế này, để nét văn hóa làng còn được lưu giữ cho đời sau”.
Lễ hội Kỳ yên được tổ chức vào dịp Giỗ tổ Hùng Vương, lại càng thêm ý nghĩa hơn khi người dân hướng về tổ tiên, nhớ về nguồn cội. Những người xa xứ không thể trực tiếp tham gia lễ hội, nhưng vẫn hướng về bằng tấm lòng cùng những góp đóng vật chất để xã Tiên Châu tổ chức thành công lễ hội.
Lần đầu được tổ chức, lễ hội đã để lại ấn tượng đẹp trong lòng người dân và du khách thập phương. Đến Tiên Châu, kết hợp tham gia lễ hội, khách tham quan còn có dịp thăm những ngôi nhà cổ hơn 100 năm tuổi đang được gìn giữ ở xã Tiên Châu, gắn với những khu vườn rợp bóng cây trái do người dân ra công chăm bón.