Đặc sắc lễ hội Tết Nguyên tiêu ở Hội An

LỆ XUÂN – HỒNG VIỆT 04/02/2023 17:42

(QNO) - Tết Nguyên tiêu (tết Thượng nguyên) là một trong những lễ hội quan trọng có từ lâu đời của cộng đồng cư dân Hội An. Lễ tết này mang những giá trị văn hóa và có những nét đặc trưng riêng so với nhiều nơi ở Việt Nam và châu Á. Ngày 2/2/2023, Bộ VH-TT-DL  đã công nhận Tết Nguyên tiêu ở Hội An là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Tết Nguyên tiêu ở hội quán Phước Kiến. Ảnh:: HỒNG VIỆT
Tết Nguyên tiêu ở hội quán Phước Kiến. Ảnh:: HỒNG VIỆT

Lễ hội có bề dày lịch sử lâu đời

Nguyên tiêu có nghĩa là đêm rằm đầu tiên của năm mới, “Nguyên” là thứ nhất, “Tiêu” là đêm. Tết Nguyên tiêu còn gọi là tết Thượng nguyên.

Theo quan niệm dân gian, tết Nguyên tiêu/Thượng nguyên là ngày “Thiên quan Tứ phước”, ngày các quan trời ban bố phước lành cho khắp cả nhân gian, vì vậy từ xa xưa, ngay sau ngày Khai hạ mồng 7 tháng Giêng, người Việt lại chuẩn bị tổ chức cúng tế cầu an, cầu may mắn, phước lành trong cả một năm, đồng thời mở hội vui chơi trước khi bước vào công việc của năm mới với ước vọng mọi việc hanh thông, như ý.

Dưới triều Nguyễn, các vua nhà Nguyễn rất coi trọng tết Thượng nguyên và xếp vào những lễ tiết quan trọng trong năm, được quy định tổ chức cúng tế theo định kỳ và có lễ phẩm cụ thể trong triều đình. Năm Minh Mệnh thứ 16 (1835), sau khi các quan bàn định thể lệ các lễ tiết hàng năm, vua chuẩn định vào những tiết Đông chí, Thượng nguyên, Trung nguyên và Hạ nguyên đều làm cỗ bàn dâng cúng các miếu và điện Phụng Tiên, lễ nghi như lễ tiết Đoan dương. Riêng lễ tiết Thượng nguyên và Trung thu thì treo đèn suốt đêm để nêu bật ngày tết nhằm thời tiết đẹp[1].

Ở Hội An, cứ sau ngày Khai hạ (mồng 7 tháng Giêng), người dân lại nô nức chuẩn bị Tết Nguyên tiêu. Lễ tết này ở Hội An mang những giá trị văn hóa tiêu biểu và có những nét đặc trưng riêng so với nhiều nơi ở Việt Nam và châu Á do được hình thành trên cơ sở truyền thống văn hóa bản địa của Việt Nam và có sự giao lưu tiếp biến văn hóa với các nước Trung Hoa, Nhật Bản trong suốt thời kỳ hoàng kim của thương cảng quốc tế Hội An.

Trong ký ức của lớp người cao tuổi cũng như qua các tư liệu cho thấy vào nhiều thế kỷ về trước, Tết Nguyên tiêu ở Hội An được tổ chức khá long trọng, nhộn nhịp, với nhiều hoạt động phong phú, đặc sắc, đặc biệt trong đó có sự đóng góp của cộng đồng người Hoa.

Theo bảng kê các ngày lễ, lệ của xã Minh Hương ở Hội An năm 1765, có 16 lễ tục được tổ chức trong năm, trong đó Tết Nguyên tiêu được tổ chức vào ngày 15/1 âm lịch tại các địa điểm chính như cung Cẩm Hà, cung Trừng Hán và cung Hải Bình. Hình thức tổ chức chủ yếu là lễ cúng, ngoài ra có hoa đăng (thả đèn hoặc treo lồng đèn), làm đám rước kiệu ngoài phố…

Theo bảng kê các khoản chi của Lý Tam Bửu Vụ xã Minh Hương năm 1787 cho biết có mua giấy liễn chuẩn bị Tết Nguyên Tiêu ở đình Vạn Thọ, cầu Lai Viễn; chuẩn bị cho lễ Hoa đăng, Nguyên tiêu ở cung Trừng Hán, cung Cẩm Hà, cung Hải Bình[2].

Những giá trị văn hóa đặc sắc

Tết Nguyên tiêu ở Hội An có nguồn gốc từ nhiều quan niệm khác nhau, ở mỗi cộng đồng địa phương có tục lệ cúng tế riêng nhưng có cùng một đặc điểm chung đó là nhân ngày rằm đầu tiên của một năm, người dân bày tỏ tấm lòng tôn kính đối với các chư vị Phật, các vị thần, tiền nhân... cầu mong cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Đây vừa là dịp lễ hội, vừa là ngày cúng tế cầu an, tế tự, cầu tài xin lộc đầu năm ở nhiều di tích tín ngưỡng trên địa bàn thành phố và hội quán trong Khu phố cổ Hội An.

Nhân dân và du khách xếp hàng vào viếng hương, dâng lễ tại Chùa Ông. Ảnh: HỒNG VIỆT
Nhân dân và du khách xếp hàng vào viếng hương, dâng lễ tại Chùa Ông. Ảnh: HỒNG VIỆT

Sinh hoạt tín ngưỡng chính là lễ cúng Nguyên Tiêu, giỗ Tiền hiền tại các hội quán, đình, miếu, gắn liền với một số tập tục như cầu phước, cầu tài lộc, công việc hanh thông phát triển…

Ở các chùa, ngoài việc cúng các chư vị Phật, còn cúng vong hồn vô chủ, các vị tinh tú để giải trừ các sao hạn nặng. Ngoài ra, còn có một số hoạt động phụ trợ như đêm phố cổ, đêm thơ Nguyên Tiêu, hô hát Bài chòi, trò chơi dân gian.., thu hút sự tham gia đông đảo của cộng đồng cư dân.

Ở Hội An, hầu như gia đình nào cũng cúng vào dịp Tết Nguyên tiêu để thực nguyện những điều phước thiện, cầu cho một năm mới mưa thuận gió hòa, an lành, may mắn đến với gia đình. Khác với nhiều nơi, Tết Nguyên tiêu ở Hội An diễn ra trong một không gian rộng lớn bao gồm cả nội thị và các vùng nông thôn phụ cận. Đặc biệt, trong khu vực phố cổ, vào ngày 16 tháng Giêng, từ tờ mờ sáng, đường phố Hội An đã đông người hơn hẳn ngày thường. Đối với những người ở xa như Quảng Ngãi, Huế, Đà Nẵng, nhất là những người buôn bán đến Hội An từ đêm rằm Nguyên tiêu để đi dạo phố cổ và chuẩn bị cho buổi lễ cầu tài, xin lộc đầu năm vào sáng sớm ngày mai.

Đặc trưng lễ hội Nguyên Tiêu ở Hội An là những tập tục, nghi thức tín ngưỡng của cộng đồng trong việc cúng tế các vị Thần, Tiền hiền, các đối tượng được thờ tự tại di tích tín ngưỡng liên quan. Cách bày trí, trang hoàng bàn thờ trong lễ tế, cờ hội, nhạc khí, lễ phục, ẩm thực…

Cùng với những nghi thức cúng tế truyền thống của từng địa phương, từng bang hội có sự khác nhau, ngoài ra có những tập tục đặc trưng như xô cộ, xin lộc, vay lộc làm ăn đầu năm, cầu may mắn, cầu tài lộc, dán giấy cầu an…

Ngoài những phần lễ tục, trong Tết Nguyên tiêu ở Hội An có đặc trưng về sự đa dạng các hình thức sinh hoạt văn hóa văn nghệ khác như diễn xướng múa Thiên cẩu, múa lân, hát, múa nhạc Trung Hoa, nghệ thuật sắp đặt - trang trí lồng đèn, thả hoa đăng, tống long chu… Đây là những tục lệ có từ lâu đời của cộng đồng cư dân Hội An trong lịch sử và được duy trì cho đến hiện nay.

Điều đặc sắc trong Tết Nguyên Tiêu ở Hội An là dịp này cộng đồng người Hoa phô diễn những món ăn mang đậm bản sắc văn hóa riêng có của từng bang. Phần hội trong Tết Nguyên tiêu có tính cộng đồng rộng lớn, gắn với các hoạt động du xuân đầu năm.

Trong không khí mát mẻ, thanh tân của mùa xuân, dòng người đi cầu tài, xin lộc, đi chùa lễ Phật, trong đó có những người đi du xuân, thưởng lãm… tạo nên không khí vui tươi, sôi động không những trong phố cổ mà trên cả địa bàn thành phố, như là ngày hội đặc trưng của cộng đồng cư dân Hội An nói riêng, cư dân trong tỉnh Quảng Nam và các vùng phụ cận như Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi nói chung cùng tề tựu về Hội An nhân ngày Tết Nguyên tiêu.

Gìn giữ cho mai sau

Tết Nguyên tiêu ở Hội An là lễ hội truyền thống, là tập quán xã hội mang ý nghĩa uống nước nhớ nguồn, ghi nhớ công ơn người khai sáng, lập dựng làng xóm, những người đã hy sinh bản thân mình để bảo vệ quê hương, đồng thời cầu cho mưa thuận gió hòa, xóm phố yên vui, cầu may mắn, phát tài, phát lộc… Từ đó, lễ hội này tập hợp mọi người có chung một khát vọng sống, một niềm tin gắn bó thành một khối đoàn kết và mỗi thành viên bằng thái độ hưởng ứng và tinh thần tham dự đã bày tỏ tình cảm và trách nhiệm của mình với cộng đồng.

Vì vậy, Tết Nguyên tiêu có vai trò rất lớn trong đời sống văn hóa của cộng đồng cư dân Hội An từ trong lịch sử cho đến hiện nay trên nhiều phương diện, vừa thỏa mãn nhu cầu tâm linh, cố kết cộng đồng, vừa vui chơi giải trí và tạo môi trường để cá nhân và cộng đồng sáng tạo nên những giá trị về văn hóa, nghệ thuật và bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của quê hương.

Trải qua quá trình hình thành, nuôi dưỡng và phát triển, hiện nay Tết Nguyên tiêu ở Hội An được duy trì tổ chức định kỳ hàng năm và vẫn giữ được những giá trị đặc sắc riêng có. Đây là một trong những lễ hội lớn đầu năm của cộng đồng cư dân Hội An có tác động lớn và sâu sắc đến đời sống văn hóa của cộng đồng và được cả cộng đồng trân trọng gìn giữ, bảo tồn và phát huy tích cực. Qua đó, góp phần làm giàu thêm bản sắc văn hóa của dân tộc nói chung, của Hội An, Quảng Nam nói riêng.

Nhằm tôn vinh những giá trị lễ hội Tết Nguyên tiêu ở Hội An, qua đó góp phần bảo tồn và phát huy nét đẹp, bản sắc văn hóa của dân tộc, ngày 2/2/2023, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành quyết định ghi danh Tết Nguyên tiêu ở Hội An, Quảng Nam vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, thuộc loại hình Lễ hội truyền thống và Tập quán xã hội và tín ngưỡng.

Sự ghi nhận của Nhà nước đối với di sản này là niềm vui, niềm tự hào và vinh dự to lớn của nhân dân thành phố Hội An vào những ngày đầu năm mới Quý Mão - 2023.

Trong niềm hân hoan ấy, vào dịp Tết Nguyên tiêu năm nay, thành phố Hội An sẽ long trọng tổ chức đoàn rước diễu hành trong Khu phố cổ và lễ đón nhận danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Tết Nguyên tiêu ở Hội An vào ngày 5/2/2023 (nhằm ngày 15 tháng Giêng).

Đây là hoạt động không chỉ nhằm bày tỏ lòng thành kính với các bậc tiền hiền, cầu mong sự thịnh vượng trong năm mới mà còn tôn vinh giá trị nổi bật của di sản, ghi nhận sự nỗ lực của các chủ thể trong việc bảo tồn cũng như các bên liên quan trong việc xây dựng hồ sơ khoa học đệ trình công nhận di sản.

 ----------------------

[1] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, bản dịch của Viện Sử học, tập 4, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2007, trang 747.

[2] Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An (2017), Di sản Hán Nôm Hội An - tập 3 - Tư liệu xã Minh Hương (Quyển 1: Tờ truyền, trát văn và trình, bẩm), Nxb Đà Nẵng.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đặc sắc lễ hội Tết Nguyên tiêu ở Hội An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO