Đặc sản sâu muồng

ALĂNG NGƯỚC 08/05/2016 08:15

Một loại sâu ăn lá cây được đồng bào Cơ Tu chế biến thành món ăn đặc sản, đậm chất truyền thống của người dân miền núi.

Căn nhà của ông Bh’riu Truân ở thôn Đào (xã Sông Kôn, huyện Đông Giang) đông vui đón những bước chân của lũ làng tìm về sau thời gian công việc gia đình được hoàn tất. Trên mâm đãi khách, ngoài các món ẩm thực truyền thống, một dĩa sâu rang được dọn mời khiến nhiều người thích thú. Ông Truân cho biết, món ăn được chế biến từ những con sâu muồng - một loại sâu thường xuất hiện vào mùa hè và bám ăn trên thân, lá của các loại gỗ cây muồng ở vùng cao. Người Cơ Tu gọi sâu muồng là a’đhoọp, chúng chỉ xuất hiện vào khoảng tháng 3, 4 hàng năm, khi những cơn mưa đầu mùa hạ kéo về.

Ông Palăng Bưng - Phó trưởng Phòng VH-TT huyện Tây Giang cho biết, ngày xưa món z’rúa được làm từ sâu muồng rất có giá trị và thường được đồng bào Cơ Tu làm quà biếu nhau, nhất là trong mối quan hệ sui gia, bạn bè thân thiết. “Cùng với một số món ẩm thực truyền thống khác, z’rúa sâu muồng cũng trở thành tặng phẩm rất có giá trị của nhà gái dành cho nhà trai, nhằm gắn kết tình cảm hai bên gia đình. Đây là một trong những nét văn hóa độc đáo của người vùng cao” - ông Bưng nói.

Dọc theo các tuyến đường từ xã Ba đi lên thị trấn P’rao (Đông Giang), không khó để bắt gặp những con sâu muồng đang bám trên cây muồng để ăn lá, bởi loại cây gỗ muồng này thường được trồng rất nhiều ở Đông Giang để lấy gỗ và tạo bóng mát. Sâu muồng thường có màu xanh đậm, mình nhỏ, trên lưng có màu nâu vàng, hai bên mình có sọc màu nâu thẫm, da trơn. Điều đặc biệt, sâu muồng không phủ trên mình lớp lông như các loài sâu khác nên không gây ngứa. Đây là một trong những lý do giải thích vì sao loài sâu này ăn được, trở thành đặc sản của đồng bào vùng cao. “Để chế biến thành công món ăn đặc sản từ sâu muồng, đồng bào Cơ Tu thường phải trải qua nhiều công đoạn khá phức tạp, đảm bảo nguyên tắc truyền thống. Thông thường sau khi bắt về sâu muồng được phân ra thành hai nhóm sâu và nhộng. Những con sâu sau khi lọc sạch kỹ lá cây, bụi bẩn được luộc chín bằng nước sôi, sau đó mới mang ra chế biến thành các món ăn phù hợp khẩu vị” - ông Truân cho biết thêm.

Đồng bào Cơ Tu thường chế biến sâu muồng thành các món rang, xào hoặc làm món z’rúa (ủ chua trong thân cây tre, nứa) rất đặc trưng và bổ dưỡng. Bởi loài sâu này sau khi chín có mùi vị thơm ngon, ăn hơi giòn, béo nhưng không ngấy, được xem như liều thuốc quý chống lại các loại bệnh sốt rét của người vùng cao. Tuy nhiên, do thời tiết bất thường nên những năm gần đây sâu muồng xuất hiện ít dần, món ăn đặc sản này cũng ngày càng khan hiếm.

Tháng 4, trở về thăm buôn làng, món ăn truyền thống từ sâu muồng lại được dọn lên mời “đứa con xa quê” thưởng thức. Mùi khói bếp thơm lừng, câu chuyện về những ngày xưa cũ được ôn lại với bao kỷ niệm và nỗi nhớ đong đầy…

ALĂNG NGƯỚC

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đặc sản sâu muồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO