Đại biểu Phan Thái Bình tham gia góp ý Luật Giáo dục (sửa đổi)

KỲ DUYÊN - VĂN HIẾU 15/11/2018 04:31

(QNO) - Tại ngày làm việc 15.11, Quốc hội dành cả ngày để tập trung thảo luận dự thảo dự án Luật Giáo dục (sửa đổi). Đại biểu Phan Thái Bình - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam tham gia góp ý về luật này.

Đại biểu Phan Thái Bình phát biểu tại hội trường. Ảnh: V.H
Đại biểu Phan Thái Bình trong một lần phát biểu tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV. Ảnh: quochoi.vn

Về nội dung giáo dục tại Điều 6, đại biểu Phan Thái Bình cho rằng một trong những mặt yếu của học sinh hiện nay là thiếu kỹ năng sống và kiến thức xã hội, kiến thức phổ thông mới, nhất là trong thời đại Công nghiệp 4.0 hiện nay. Do vậy, đại biểu Phan Thái Bình đề nghị bổ sung yêu cầu về nội dung giáo dục là “được cập nhật kiến thức thường xuyên” và “kỹ năng sống”.

Về Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục, sách giáo khoa tại khoản 3, Điều 30, đại biểu Phan Thái Bình đề nghị quy định “phải có ít nhất một phần hai tổng số thành viên Hội đồng là các nhà giáo đang giảng dạy ở cấp học tương ứng” thay vì một phần ba như dự thảo, nhằm đảm bảo việc thẩm định sát với yêu cầu thực tiễn.

Nên giao việc tuyển dụng giáo viên về trường

Về nhiệm vụ quyền hạn của nhà trường, đại biểu Phan Thái Bình đề nghị xem xét lại nhiệm vụ quyền hạn của nhà trường là được tổ chức tuyển dụng nhà giáo, giáo viên. Quy định như thế sẽ phù hợp với chủ trương giao quyền tự chủ, giải trình cho nhà trường. Tuy nhiên mặt trái của quy định này, theo ông Bình là tạo nguy cơ dư thừa giáo viên, thiếu kiểm soát, làm trái sẽ rất lớn. Do vậy ông Bình đề nghị cần quy định chặt chẽ hơn trong luật.

Liên quan đến thẩm quyền tổ chức tuyển dụng trong thời gian vừa qua, ông Bình cho rằng tình trạng thiếu giáo viên cục bộ, cơ cấu giáo viên giữa các bộ môn không cân bằng là rất phức tạp. Nhưng không thể điều chỉnh giữa diện thừa với thiếu do việc phân cấp quản lý giáo viên bậc học mầm non, tiểu học, THCS...

Bên cạnh đó, việc thừa thiếu giáo viên không cùng bộ môn, không cùng cấp học đã gây khó khăn trong công tác bố trí phân công giảng dạy. Nguyên nhân theo ông Bình là do sự phân công, phân cấp trong quản lý giáo dục hiện nay còn thiếu thống nhất, chưa phù hợp với thực tiễn, đặc biệt là trong việc tuyển dụng giáo viên.

“Từ thực tiễn này, tôi đề nghị việc tuyển dụng biên chế giáo viên các trường công lập thuộc thẩm quyền của ngành GD-ĐT nhằm quản lý, điều tiết điều hòa giáo viên phù hợp với yêu cầu thực tế” - ông Bình nói.

Huy động nhiều nguồn để đầu tư cho giáo dục

Về vấn đề đầu tư cho giáo dục, đại biểu Phan Thái Bình nhận thấy hiện nay, nguồn lực đầu tư của nhà nước nói chung và đầu tư cho giáo dục nói riêng còn nhiều khó khăn, hạn chế. Trong khi đó, một số nơi có điều kiện nhưng các trường công lập gặp nhiều vướng mắt trong việc xã hội hóa, huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục. Do vậy, đại biểu Phan Thái Bình đề nghị dự thảo luật cần quy định cơ chế để các trường công lập thực hiện xã hội hóa, huy động nguồn lực hợp pháp để đầu tư phát triển các cơ sở giáo dục.

Theo Chương trình kỳ họp, chiều nay Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Bảo vệ bí mật nhà nước và thảo luận dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi).

KỲ DUYÊN - VĂN HIẾU

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đại biểu Phan Thái Bình tham gia góp ý Luật Giáo dục (sửa đổi)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO