Đại biểu Quốc hội Đoàn Quảng Nam chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính

NHO TUẤN 17/11/2017 10:18

Sáng 16.11, Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn kéo dài 3 ngày tại Kỳ họp thứ 4. Theo chương trình, Quốc hội sẽ chất vấn lãnh đạo Chính phủ và 4 Bộ trưởng, thủ trưởng các bộ, ngành: Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Thông tin - truyền thông và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

Trước khi bước vào phiên chất vấn, bà Nguyễn Thanh Hải - Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng là thành viên Chính phủ đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn. Nhiều vấn đề liên quan trực tiếp đến ngành tài chính và trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Tài chính được các đại biểu Quốc hội đặt ra như: nợ công tăng cao nhưng hiệu quả đầu tư công thấp; thủ tục hành chính, đặc biệt là thủ tục hải quan còn rườm rà; công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, quản lý hóa đơn, “lãi thật, lỗ giả” để trốn thuế, các giải pháp chống thất thu ngân sách... Tham gia giải trình trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính còn có Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Nguyễn Chí Dũng.

Tham gia chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam có 2 đại biểu tham gia chất vấn và tranh luận.

Đại biểu Nguyễn Quang Dũng bày tỏ quan tâm đến các nguồn thu ngân sách quốc gia và đặt 3 câu hỏi: (1)  Theo báo cáo của Bộ Tài chính, qua 67.000 cuộc thanh tra, kiểm tra 354.000 hồ sơ khai thuế, đã kiến nghị xử lý tài chính 13.608 tỷ đồng, xử phạt hành chính 1.126 tỷ đồng; kết quả kiểm tra, thanh tra này cho thấy nguồn thuế còn bị thất thu, cử tri cho rằng sự lạm dụng phương pháp khoán thuế tiềm ẩn thất thu thuế, chính Bộ trưởng cũng thừa nhận có tiêu cực. Vậy đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp chấn chỉnh việc này? (2) Qua xử lý các vụ án lừa đảo thông qua hoàn thuế cho thấy sự thiếu chặt chẽ từ phía các cơ quan thuế trong hoạt động này, đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp để chấn chỉnh? (3) Theo báo cáo của Bộ Thông tin - truyền thông, hiện nay Việt Nam có 53 triệu người sử dụng Facebook, 35 triệu người sử dụng Youtube, qua đó các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ này thu tiền quảng cáo và dịch vụ nhiều nghìn tỷ đồng. Đề nghị Bộ trưởng cho biết việc quản lý thu thuế đối với hoạt động này như thế nào?

Đại biểu Phan Thái Bình – Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính về vấn đề nợ công khi cho rằng: Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, việc lùi thời điểm triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới 1 năm sẽ không làm phát sinh kinh phí. Tuy nhiên, theo đại biểu Bình, tổng nguồn kinh phí thực hiện chương trình này là 80 triệu USD, trong đó nguồn vốn vay là 77 triệu USD, chiếm 96,25% và vốn vay thì phải trả lãi. Do vậy, đại biểu bày tỏ băn khoăn vì khi lùi thời điểm triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới 1 năm thì phải trả lãi thêm 1 năm, làm phát sinh kinh phí dẫn đến gia tăng nợ công, nhưng Bộ trưởng Bộ GD-ĐT lại cho rằng không làm phát sinh kinh phí. Đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết quan điểm về vấn đề này như thế nào? Theo Bộ trưởng, việc kéo dài thời gian như trên có phát sinh kinh phí, làm tăng nợ công hay không và vì sao?

Theo đại biểu Bình, giải pháp rà soát xóa nợ đối với những khoản nợ không có khả năng thu hồi chưa phải là giải pháp tối ưu; vì hiện nay, theo báo cáo của Bộ trưởng thì trong số 73.900 tỷ đồng nợ đọng thuế có khoản 62,6% là nợ khó thu hồi, nếu xóa nợ thì rõ ràng nợ đọng thuế giảm nhưng ngược lại không tăng thu ngân sách. Thậm chí nếu công tác kiểm tra, rà soát không chặt chẽ, xóa nợ không thật sự đúng đối tượng sẽ dẫn đến thất thu ngân sách. Nên giải pháp này khi thực hiện phải hết sức chặt chẽ, thận trọng.

NHO TUẤN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đại biểu Quốc hội Đoàn Quảng Nam chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO