Đại biểu Quốc hội đơn vị Quảng Nam góp ý xây dựng luật thủy lợi, du lịch

VĂN PHƯỚC 09/11/2016 08:58

Tiếp tục phiên thảo luận tại tổ vào sáng qua 8.11 tại Kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XIV, Đoàn Đại biểu Quốc hội Quảng Nam đã có những góp ý vào dự thảo Luật Thủy lợi và Luật Du lịch.

  • Cần tháo gỡ vướng mắc để kinh tế - xã hội phát triển
  • Xây dựng chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động vì sự phát triển

Theo đó, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam Phan Việt Cường thống nhất với quan điểm xây dựng luật theo Tờ trình của Chính phủ, đặc biệt là chuyển từ “thủy lợi phí” sang “giá dịch vụ thủy lợi”, thủy lợi phục vụ đa ngành, đa mục tiêu, ứng phó với biến đổi khí hậu... Từ quan điểm này, đề nghị dự thảo luật xem xét bổ sung một số quy định theo hướng mở rộng xã hội hóa, giao cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp quyền đầu tư, kinh doanh cung cấp dịch vụ thủy lợi theo hình thức đấu thầu khai thác, nhất là thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng (dự thảo luật tại chương VI chỉ mới đề cập đến tổ chức thủy lợi cơ sở). Đề nghị bổ sung điểm a, Khoản 1 Điều 5 Nhà nước ưu tiên đầu tư các công trình có tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, các công trình ứng phó với biến đổi khí hậu và bổ sung thêm khoản 1 Điều 16 Nhà nước đầu tư các công trình có quy mô nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu. Theo đại biểu Phan Việt Cường, thực tiễn trong những năm qua, nhiều vùng bị hạn hán kéo dài nhưng chưa được quan tâm đầu tư các công trình thủy lợi có khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu. Đại biểu Phan Thái Bình cho rằng, dự thảo luật có đến 10 điều có quy định giao “Chính phủ quy định chi tiết”; trong khi đó một số điều lại quy định quá chi tiết dẫn đến không đầy đủ, ví dụ như Điều 26 tách riêng tưới tiêu cho lúa và cây trồng cạn thành 2 khoản riêng, không có nhiều ý nghĩa điều chỉnh của luật; các điểm a, e, i khoản 1 Điều 49 thực chất là một nội dung “xây dựng các công trình trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi”; việc liệt kê các công trình ngầm tại điểm i, khoản 1, Điều 49 sẽ dẫn đến không đầy đủ... Do vậy, đề nghị rà soát, thiết kế các điều luật đảm bảo tính bao quát, nhưng không quá chung chung...

Góp ý dự thảo Luật Du lịch, đại biểu Phan Thái Bình cho rằng, chính sách phát triển du lịch cần bổ sung thêm nội dung: bảo đảm lợi ích quốc gia, lợi ích cộng đồng, lợi ích chính đáng và an ninh, an toàn cho khách du lịch, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch vào khoản 6 Điều 5 để đảm bảo tính an ninh, an toàn và công bằng trong hoạt động du lịch. Dự thảo luật quy định về sự tham gia của cộng đồng dân cư trong phát triển du lịch; tuy nhiên, chưa quy định cụ thể về cơ chế hoạt động của cộng đồng dân cư. Vì vậy, nên quy định chính quyền cơ sở hướng dẫn cộng đồng dân cư xây dựng những hương ước, quy ước về du lịch, bảo vệ tài nguyên du lịch. Chính quyền các cấp xem xét công nhận những hương ước, quy ước về du lịch và công nhận người đại diện do cộng đồng dân cư ủy quyền bằng văn bản...

VĂN PHƯỚC

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đại biểu Quốc hội đơn vị Quảng Nam góp ý xây dựng luật thủy lợi, du lịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO