(QNO) - Chiều ngày 6.6.2013, Quốc hội tiếp tục tiến hành thảo luận tại tổ góp ý vào Dự thảo sửa đổi Luật Đấu thầu và Dự án sửa đổi Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Theo Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Trần Xuân Vinh, Luật đấu thầu và Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có mối quan hệ mật thiết với nhau, việc sửa đổi hai Dự án luật này trong tình hình kinh tế - xã hội ngân sách nhà nước đang có những diễn biến bất lợi và tiếp tục đối mặt với những khó khăn, vấn đề sửa đổi, bổ sung hai Dự án luật này là một việc làm hết sức quan trọng và cần thiết nhằm tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác đấu thầu, hạn chế thấp nhất những tiêu cực, lãng phí trong công tác đấu thầu cũng như nâng cao tinh thần, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức đơn vị và cá nhân trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả sử dụng vốn, tài sản và ngân sách nhà nước, xử lý nghiêm minh những hành vi tiêu cực, lãng phí.
Góp ý vào Dự thảo Luật Đấu thầu sửa đổi, đại biểu Trần Xuân Vinh cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được trong quá trình thực hiện Luật Đấu thầu trong thời gian qua, việc thực thi pháp luật về đấu thầu vẫn còn rất nhiều vấn đề cần phải khắc phục như: tình trạng nhiều nhà thầu, nhiều chủ đầu tư lợi dụng những kẽ hở, quy định thiếu chặt chẽ của luật để thông thầu, chuyển nhượng gói thầu thu lợi… Nhiều quy định của luật hiện hành còn rườm rà về thủ tục hành chính, song lại thiếu chặt chẽ, không đủ chế tài để ngăn ngừa, xử lý những hành vi vi phạm. Những quy định về chỉ định thầu còn quá đơn giản, chung chung, chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm của chủ đầu tư, cũng như năng lực thực tế của các nhà thầu (như năng lực tài chính, năng lực thi công, giải pháp kỹ thuật…); thiếu những quy định cụ thể, rõ ràng trong việc quy định những trường hợp đấu thầu cụ thể (trong các dự án có sử dụng đất, dự án khai thác tài nguyên, khoáng sản, tài nguyên nước, tài nguyên rừng), ngoài ra, nhiều nội dung cụ thể khác như: đấu thầu trong việc xử dụng vốn ODA, vốn ngân sách., kỹ thuật lập pháp như kết cấu, thiết kế bố cục khoản, mục trong một số điều luật cụ thể cũng được đại biểu Trần Xuân Vinh đề nghị ban soạn thảo cần xem xét trong quá trình tiếp thu, giải trình Dự án.
Góp ý vào Dự án Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí sửa đổi, đại biểu Ngô Văn Minh và đại biểu Phạm Trường Dân cơ bản thống nhất với phạm vi sửa đổi, bổ sung, song cách viết còn dài dòng, diễn giải rườm rà, chưa mang tính quy phạm, nhiều nội dung chưa được quy định cụ thể, một số nội dung giải thích từ ngũ chưa rõ ý. Những quy định về các nội dung cụ thể như: đăng ký thực hành tiết kiệm của doanh nghiệp không đảm bảo khả thi, việc thất thoát tài sản, ngân sách nhà nước rất lớn tại các tập đoàn, tổng công ty trong những năm qua là một minh chứng cụ thể. Thất thoát, lãng phí trong tổng công ty, đấu thầu, quản lý xử dụng đất đai, vốn, tài sản, ngân sách nhà nước trên mọi lĩnh vực vẫn xảy ra nghiêm trọng, do thiếu những quy định và thiếu chế tài xử phạt cụ thể. Đại biểu Phạm Trường Dân đề nghị sửa tên gọi Dự án Luật thành “Luật thực hành tiết kiệm và phòng chống lãng phí” nhằm bổ sung thêm tiêu chí “phòng ngừa” là rất quan trọng. đồng thời, đại biểu Phạm Trường Dân đề nghị bổ sung vào Dự án sửa đổi các quy định về phòng, chống lãng phí trong quy định về tiếp khách, khánh tiết, khai trương, khởi công, khánh thành, khánh tiết, lễ hội… đang là những lĩnh vực xảy ra lãng phí rất lớn…
Phương Hiền