(QNO) - Các đại biểu thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội Quảng Nam tham gia chất vấn nhiều vấn đề ở lĩnh vực y tế và LĐ-TB&XH tại hội trường Quốc hội vào hôm qua 10.11.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long là người đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn. Đại biểu Quốc hội đã đặt câu hỏi xoay quanh các nội dung: công tác phòng chống dịch Covid-19 thời gian qua và chiến lược phòng chống dịch, chiến lược vắc xin trong thời gian tới; việc bảo đảm nguồn cung và quản lý giá xét nghiệm Covid-19; thuốc chữa bệnh, trang thiết bị y tế và sinh phẩm xét nghiệm; giải pháp giảm thiểu sự chênh lệch chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh giữa các tuyến, vùng miền...
Một trong những bất cập gây nhiều bức xúc trong cử tri và nhân dân được đại biểu Quốc hội dành nhiều sự quan tâm là tình trạng loạn giá xét nghiệm Covid-19. Có ý kiến cho rằng Bộ Y tế đã buông lỏng giá xét nghiệm nên mỗi nơi một kiểu và có giá khác nhau.
Đại biểu Phan Thái Bình (đoàn Quảng Nam) chất vấn: “Tại Thông tư 13 ngày 5.7.2019 của Bộ Y tế quy định mức giá là 238.000 đồng/1 lần đối với test nhanh Covid-19, nhưng tại Thông tư 16 ngày 8.11.2021 thì lại quy định mức giá chỉ còn là 109.700 đồng, tức là giảm hơn một nửa. Vậy việc ban hành mức giá trên dựa trên cơ sở nào và tại sao lại có sự chênh lệch lớn đến như vậy?”.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long giải trình: Hiện nay trang thiết bị y tế và sinh phẩm chẩn đoán không thuộc mặt hàng quản lý theo Luật Giá. Giá cả các mặt hàng này cũng khác nhau giữa các hãng, các nước. Giá sinh phẩm cũng khác nhau qua từng thời điểm, nếu cung ít - cầu nhiều thì giá thành cao hơn. Điều này dẫn đến sự chênh lệch giá xét nghiệm giữa các nơi, và tại mỗi thời điểm khác nhau.
Đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) cũng đặt vấn đề về sự khác nhau trong quy định thời gian xét nghiệm giữa các địa phương. Đại biểu chỉ ra bất cập: “Thời gian qua có nhiều địa phương quy định phải xét nghiệm lại trong thời gian 72 tiếng, có nơi quy định 48 tiếng, thậm chí có nơi 24 tiếng, một anh lái xe trong một tuần lễ phải xét nghiệm 3 lần và đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế giải thích tại sao có sự khác nhau này, có hướng dẫn chung thống nhất nào không? Chuẩn là bao nhiêu ngày phải xét nghiệm lại?”.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Tạ Văn Hạ, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết: Khẳng định đối với Covid-19 và các bệnh truyền nhiễm thì chỉ có xét nghiệm mới phát hiện được có nhiễm hay không. Riêng với Covid-19, có tới 80% người nhiễm không có triệu chứng. Vì vậy, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) liên tục khuyến cáo các nước là phải xét nghiệm.
Về thời gian có giá trị trong xét nghiệm, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho hay, hầu hết các nước đều lấy mốc 72 giờ đối với người nhập cảnh, hoặc xuất cảnh. Tại Việt Nam có giai đoạn cũng lấy mốc 72 giờ đối với một số trường hợp.
Đối với nhóm vấn đề xã hội, đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, đại biểu Dương Văn Phước - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Quảng Nam bày tỏ băn khoăn về công tác thiện nguyện.
Theo đại biểu Dương Văn Phước, cứ mỗi đợt thiên tai, bão lũ cũng như dịch bệnh thì nhiều tổ chức, cá nhân đứng ra quyên góp làm từ thiện. Đây là hoạt động bình thường, rất nhân văn, thể hiện đạo lý “thương người như thể thương thân”, “tương thân tương ái” của dân tộc ta cần được phát huy, khuyến khích. Tuy nhiên, hệ lụy từ sự tùy tiện trong việc quyên góp cũng như trong công tác quản lý chưa được chặt chẽ, dẫn đến việc sử dụng tiền quyên góp đôi khi chưa đúng mục đích. Sự lùm xùm trên mạng về tiền từ thiện làm mất đi ý nghĩa nhân văn của những tấm lòng thơm thảo, mất đi niềm tin của các nhà hảo tâm và của người dân.
Đại biểu Dương Văn Phước đề nghị Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu quan điểm về vấn đề trên như thế nào? Với trách nhiệm của mình thì Bộ trưởng sẽ làm gì để góp phần quản lý, điều chỉnh các hoạt động thiện nguyện, quyên góp, cứu trợ trong thời gian tới, đáp ứng lòng mong đợi của cử tri và nhân dân cả nước?
Giải trình trước Quốc hội và trả lời đại biểu Dương Văn Phước, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: Cá nhân Bộ trưởng khuyến khích các tổ chức, cá nhân làm từ thiện trên cơ sở có nguyên tắc, phải được quy định bằng pháp luật. Chính vì vậy, trước những khó khăn và lùm xùm vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi Nghị định 64 và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định 93 ngày 27.10.2021, trong đó quy định rất rõ nguyên tắc, tiêu chí, cách làm từ việc vận động.
“Nếu quyên góp bằng tiền thì qua ngân hàng như thế nào, nếu quyên góp bằng hiện vật thì ai là người tiếp nhận và khi triển khai ở cơ sở thì ai là người phải đứng ra cùng với cá nhân, tổ chức này. Do đó, sau khi Nghị định 93 có hiệu lực thì chắc chắn việc tổ chức thiện nguyện sẽ đi vào nền nếp. Còn trong quá trình vừa qua, tôi nghĩ rằng cá nhân nào, tổ chức nào sai thì chúng ta phải xử lý theo pháp luật, dù chúng ta không muốn” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.