Hôm qua 25.6, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh gồm các ông Nguyễn Đức Hải - Ủy viên Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách của Quốc hội; Phan Thái Bình - Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh có buổi tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV với cán bộ, nhân dân các huyện Đông Giang, Tây Giang.
Quốc lộ 14G xuống cấp
Tại buổi tiếp xúc, nhiều cử tri cho rằng, sau gần 8 năm kể từ khi được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt nâng cấp thành quốc lộ, tuyến ĐT604 (nay là quốc lộ 14G) đi qua địa phận huyện Đông Giang vẫn chưa được đầu tư nâng cấp. Nhiều đoạn đường bị hư hỏng nghiêm trọng, vừa tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông, vừa kìm hãm đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Liên quan đến những kiến nghị của cử tri về quốc lộ 14G, ông Phan Thái Bình - Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh cho hay, xét thấy nhu cầu chính đáng của người dân, nhiều năm qua, tỉnh đã có kiến nghị với Trung ương. Mới đây nhất, tại hành lang của Kỳ họp lần thứ 9 (Quốc hội khóa XIV), ông có trao đổi riêng với các Bộ trưởng GTVT, Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch - đầu tư liên quan đến việc đầu tư nâng cấp các tuyến quốc lộ này. Tuy nhiên, hiện nay toàn tỉnh có đến 6 tuyến quốc lộ, trên cơ sở nâng cấp từ các tuyến tỉnh lộ. Do vậy, việc đầu tư sẽ được tính toán một cách phù hợp với nguồn lực phân bổ của Nhà nước theo lộ trình cụ thể. Riêng quốc lộ 14G đã được đưa vào kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2015 - 2020, nhằm đảm bảo cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Ông Bùi Đức Ngọc - Phó Bí thư Đảng ủy thị trấn Prao (Đông Giang) cho biết, đây không phải là lần đầu tiên cử tri địa phương kiến nghị liên quan đến quốc lộ 14G. Nhiều năm qua, khi tuyến đường này xuống cấp nghiêm trọng, chính quyền địa phương cũng đã nhiều lần kiến nghị với cấp có thẩm quyền, song đến nay, việc giải quyết vẫn khá chậm chạp. Bên cạnh kiến nghị Nhà nước cần sớm bố trí nguồn vốn để triển khai nâng cấp quốc lộ 14G, ông Ngọc mong muốn cần tiếp tục hỗ trợ chính sách đầu tư các tuyến đường sản xuất, dân sinh tạo điều kiện để người dân đẩy mạnh sản xuất, từng bước giảm nghèo bền vững.
"Tuyến đường này đã xuống cấp nghiêm trọng, trong khi đó, các ngành chức năng chỉ khắc phục theo kiểu chắp vá, chất lượng mỗi lần sửa chữa rất thấp và nhanh chóng bị hư hỏng lại. Vì thế, Nhà nước cần có sự đầu tư sớm, giúp người dân và chính quyền địa phương có cơ hội phát triển mạnh trong tương lai" - ông Ngọc chia sẻ.
Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang - Hồ Quang Minh ví von rằng, quốc lộ 14G như trục xương sống huyết mạch nối dài. Vì thế, chỉ khi nào tuyến đường này được nâng cấp, đảm bảo hoạt động thông thương đi lại, lúc đó địa phương mới có thể phát triển đồng bộ. Bởi sau hàng chục năm, nhiều tuyến đường đã xuống cấp nghiêm trọng, không còn phù hợp với tốc độ và nhu cầu phát triển hiện nay. Chưa kể, chất lượng đường không đảm bảo khiến việc kêu gọi, thu hút đầu tư cũng gặp rất nhiều khó khăn, trở thành "rào cản" trong phát triển kinh tế - xã hội của Đông Giang trong suốt thời gian qua.
"Ngoài ra, cũng cần quan tâm đầu tư tuyến đường từ huyện Đại Lộc lên Đông Giang nay đã xuống cấp, bởi trong tương lai, đây sẽ là tuyến đường chính phục vụ tham quan du lịch Cổng Trời, tạo điều kiện phát triển cho Đông Giang và các vùng lân cận" - ông Minh nói.
Quan tâm đến cán bộ miền núi
Ông Pơloong Nấp - Chủ tịch Hội Người cao tuổi huyện Tây Giang cho rằng, bên cạnh đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội, Nhà nước cũng cần quan tâm đến việc đào tạo, quy hoạch, bồi dưỡng và bố trí cán bộ người dân tộc thiểu số làm việc tại các cơ quan, ban ngành của tỉnh. Bởi lâu nay, số lượng cán bộ miền núi công tác tại tỉnh rất ít, vì thế tiếng nói của đồng bào chưa được truyền đạt một cách sâu rộng. Bên cạnh đó, cần có những chính sách ưu đãi đối với cán bộ người miền xuôi có năng lực, trình độ chuyên môn tình nguyện đến công tác tại các vùng miền núi, biên giới.
"Ngoài ra, cần ưu tiên biên chế, bố trí việc làm cho con em đồng bào dân tộc thiểu số tốt nghiệp đại học chính quy, sinh viên cử tuyển, tạo cơ hội bổ sung nhân lực tại chỗ cho các địa phương miền núi" - ông Nấp nhấn mạnh.
Ông Zơrâm Ka Gió - Trưởng ban Dân tộc HĐND huyện Tây Giang kiến nghị, Quốc hội cần nghiên cứu tăng số lượng cán bộ chuyên trách tại các ban của HĐND cấp huyện, xã nhằm đảm bảo hoạt động giám sát, thực hiện hiệu quả công việc đặc thù ở miền núi. Bởi thực tế hiện nay, ở mỗi ban chỉ có 1 cán bộ vừa làm công tác lãnh đạo, vừa hoạt động chuyên trách. Trong khi đó, khối lượng công việc rất nhiều nên ảnh hưởng đến chất lượng chuyên môn. Cũng tại buổi tiếp xúc, nhiều cử tri bày tỏ, kể từ sau việc tinh giản biên chế theo Nghị định 34 của Chính phủ đã gây nhiều khó khăn cho địa phương miền núi, do đặc thù công việc tại cơ sở, cũng như địa bàn hiểm trở, xa khu dân cư...