Hôm qua 28.5, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII tiếp tục ngày làm việc thứ 8 với phiên thảo luận tại tổ về các dự án luật. Về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung Điều 170 của Luật Doanh nghiệp 2005, theo Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam Trần Xuân Vinh, việc sửa đổi, bổ sung là hết sức cần thiết, nhằm tiếp tục tìm kiếm các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã hết thời hạn hoạt động theo giấy phép hoạt động nhưng chưa tiến hành đăng ký lại theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo đại biểu Trần Xuân Vinh, Tờ trình của Chính phủ chưa giải trình rõ nguyên nhân vì sao các doanh nghiệp này (gần 3.000) không tiến hành đăng ký lại theo đúng quy định; đồng thời cũng chưa đánh giá dự báo tác động, hiệu quả kinh tế sau khi sửa Điều 170. Đại biểu Trần Xuân Vinh cho rằng, Dự thảo sửa đổi Điều 170 nên bổ sung thêm một khoản quy định chế tài xử lý đối với các doanh nghiệp không chấp hành quy định đăng ký lại giấy phép hoạt động để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật. Còn theo đại biểu Ngô Văn Minh, Quốc hội chưa nên thông qua việc sửa đổi, bổ sung Điều 170, vì như vậy sẽ tạo tâm lý “nuông chiều” doanh nghiệp, là sự hợp pháp hóa những hành vi vi phạm, xem thường pháp luật của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, tạo ra những tiền lệ xấu.
Góp ý vào việc đàm phán, ký thỏa thuận cấp Chính phủ giải quyết vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới Việt Nam - Lào, đại biểu Trần Xuân Vinh cho rằng, điều này hết sức cần thiết, song, đề nghị Chính phủ nên giải trình thêm về mốc thời gian bắt đầu tính để tiến hành ký thỏa thuận. Đồng thời, đại biểu Vinh đặt vấn đề, sự việc này ngoài xảy ra trên phạm vi biên giới Việt Nam - Lào, trên thực tế có xảy ra trên tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia, Việt Nam - Trung Quốc hay không? Nếu có thì sẽ giải quyết như thế nào?
Góp ý vào Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy, chữa cháy, đại biểu Phạm Trường Dân cho rằng việc sửa đổi, bổ sung một số điều như dự thảo là chưa toàn diện, chưa tính đến giải pháp ổn định, lâu dài của luật. Theo ông, có nhiều nội dung cần sửa đổi cho phù hợp như kinh phí đầu tư, trang thiết bị phục vụ cho công tác PCCC; mối quan hệ phối hợp, vai trò của nhân dân, tổ chức dân phòng, các cấp chính quyền trong công tác PCCC. Việc xử lý, PCCC đối với các cơ sở đặc biệt như nhà máy hạt nhân, nhà siêu cao tầng và một số cơ sở mang tính đặc thù... cũng cần phải được quy định cụ thể, rõ ràng hơn nhằm đảm bảo tính khả thi của luật.
Phương Hiền