Đãi cát tìm vàng

ĐỒ BÌ 30/06/2019 17:06

“Đãi cát tìm vàng” là một câu thành ngữ quen thuộc mà các ban biên tập, ban thư ký của những cơ quan báo viết thường mong mỏi, dặn dò các trưởng ban, trưởng trang, biên tập viên trong tòa soạn báo mình khi xử lý những thông tin mà cộng tác viên hay bạn đọc bình thường gởi đến.

Biên tập viên Báo Quảng Nam. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Biên tập viên Báo Quảng Nam. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Tờ báo nào cũng luôn luôn quý trọng từng câu, từng chữ trong tin bài của cộng tác viên và bạn đọc gởi đến. Nhiệm vụ của những người biên tập là phải xử lý những thông tin ấy cho nó ra bản sắc của ngôn ngữ thông tin báo chí, bảo đảm cho nó có một nội hàm rõ rệt, truyền đạt một ý tưởng rõ ràng đến bạn đọc.

Trong báo chí, công tác biên tập rất nghiêm túc. Nếu công tác biên tập của văn chương văn học là sửa câu, sửa chữ, sửa ý tưởng sao cho tác phẩm đẹp lên thì công tác biên tập trong văn chương báo chí là làm sao cho thông tin mà cộng tác viên và bạn đọc gởi đến phải bảo đảm được đặc trưng của văn chương báo chí. Thông tin được đưa lên báo phải trả lời được các câu hỏi: Ai, Ở đâu, Làm gì, Lúc nào, Tại sao và Bao nhiêu (số liệu). Văn chương của nó phải trong sáng, gọn gàng, dễ đọc, dễ hiểu; không có chỗ nào cần phải chú thích, giải thích.

Biên tập viên trao đổi với bộ phận trình bày để đảm bảo tính ổn định về mặt hình thức của tờ báo. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Biên tập viên trao đổi với bộ phận trình bày để đảm bảo tính ổn định về mặt hình thức của tờ báo. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Cũng về mặt hình thức, một sản phẩm trên báo viết luôn luôn có dung lượng chữ nhất định. Hễ nói đến tin thì khoảng trên dưới 200 chữ; hễ nói đến dở tin dở bài thì khoảng 400 chữ; hễ nói đến bài thì khoảng 600 chữ trở lên. Sở dĩ có những hạn mức ấy bởi vì báo chí luôn luôn cần ảnh; nhiều khi một tấm ảnh đắc địa tự nó lại có lượng thông tin rất cao mà không cần chữ nghĩa dài dòng. Quan điểm báo chí Thụy Điển coi trọng ảnh hơn chữ: diện tích ảnh chiếm 70%; diện tích chữ chỉ 30%.

Ban biên tập và ban thư ký các tờ báo tin rằng những thông tin mà cộng tác viên và bạn đọc gởi đến là những thông tin đúng đắn và hữu ích cho cuộc sống. Tuy nhiên, có những thông tin bạn viết quá dài hoặc có những thông tin rất thú vị, rất hấp dẫn mà bạn lại gởi vào phút chót, khi trang báo sau cùng chỉ còn một “khoảnh đất” nhỏ. Trong trường hợp đó, người biên tập phải tích cực “đãi cát tìm vàng”; nghĩa là cắt bỏ những câu chữ không cần thiết, giữ lại cái cốt lõi hay nhất, hấp dẫn nhất của thông tin để đi ngay.

Không một tờ báo nào dám đi một bài dài khoảng hơn 3.000 từ, dù bài ấy có những đoạn, những ý rất hay khi trang báo chỉ còn diện tích khoảng 600 từ cộng một ảnh (khoảng 200 từ). Trong trường hợp đó, người biên tập phải cắt bỏ khoảng 2.400 từ - một con số quá lớn, quá đau lòng. Có “tiếc ngọc thương hương” chăng nữa thì người biên tập cũng phải cắt 2.400 từ và đặt một cái tựa mới cho bài. Cộng tác viên hay bạn đọc cầm tờ báo đọc, có thể nổi nóng vì thấy bài của mình còn một chút xíu, thậm chí có thể điện thoại ngay cự nự ban biên tập hay ban thư ký.

Vâng, xin bạn cứ cự nự nhưng mong bạn thông cảm, ngàn lần thông cảm. Xử lý những bài 3.000 từ còn lại 600 từ rất mệt; mệt còn hơn viết một bài mới. Tòa soạn và người biên tập yêu quý thiện chí cộng tác của bạn nên phải gia công xử lý như vậy, bởi nếu không xử lý thì có thể “phút cuối không nghe được em nói, không nhìn được một lần, dù một lần đơn sơ”! Luật chơi của nghề báo viết có những điều nghiệt ngã như vậy.

Một thông tin lên trang rồi, in ra bông đàng hoàng luôn luôn được tòa soạn duyệt lại. Lại có tình trạng này xảy ra: Thông tin ấy chật quá hoặc dư khoảng trên 100 chữ mà file chế bản lại phải đi nhà in ngay. Làm sao bây giờ? Tòa soạn phải cắt cơ học. Cắt cơ học là coi câu nào, ý nào không cần thiết thì... nghiến răng mà cắt bỏ, chủ yếu làm cho trang báo rộng ra, chữ nghĩa dễ đọc. Con dao cơ học ấy cắt nhằm ai thì cũng đành chịu vậy thôi. Cho nên từ 3.000 từ mà chỉ còn lại 500 từ thì cũng đành chịu cảnh “trời kêu ai nấy dạ”.

Công việc đãi cát tìm vàng của đời làm báo viết đại để là như vậy; có lẽ những bạn đọc và cộng tác viên chưa hình dung ra hết. Quyển sách có thể hôm nay chưa in được thì... tháng sau sẽ in nhưng một tờ báo như Báo Quảng Nam chẳng hạn thì hôm nay làm, sáng mai phải có để phát hành. Không một ai, không một cái gì được phép làm chậm trễ quy trình đó. Cả một bộ máy phải vận hành đồng bộ; trễ nãi một khâu nhỏ thôi là có thể ảnh hưởng đến cả quy trình. “Đãi cát tìm vàng” nằm trong quy trình ấy.

Ban biên tập, ban thư ký của tờ báo nào cũng trân trọng thông tin của cộng tác viên, bạn đọc. Khoản tiền nhuận bút gởi cho cộng tác viên, bạn đọc cũng ngang bằng tiền nhuận bút của phóng viên, biên tập viên cơ hữu của tòa soạn. Một tiêu chí mà các báo tôn trọng là thông tin càng hay, càng lạ thì nhuận bút càng cao. Cho nên, nhiều khi viết ngắn mà tiền dài; ngược lại viết dài thì tiền lại ngắn.

Nhà báo không khá khẳm hơn ai nhưng thật sự là sống được. Muốn sống được thì phải viết báo và thuộc lòng câu: “Viết ngắn, tiền dài”. Và lỡ người biên tập nào có cái dao cái kéo bén quá, cắt tin bài của bạn còn... ngắn ngủn thì bạn cũng nên đừng trách họ. Hãy thương họ, hãy hun hít họ nếu bạn có thể. Công việc biên tập một số báo mệt gấp nhiều lần công việc đưa một thông tin lên báo.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đãi cát tìm vàng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO