Sau 6 năm đạt danh hiệu xã nông thôn mới, làng quê Đại Cường (Đại Lộc) ngày càng khởi khắc. Địa phương đang nỗ lực đạt tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao vào năm 2023.
Làng kiểu mẫu Quảng Đại
Về thôn Quảng Đại (xã Đại Cường) hôm nay, dễ nhận thấy sự đổi thay của ngôi làng bên dòng Vu Gia, Thu Bồn với những ngôi nhà kiên cố; những cánh đồng trù phú; giao thông nông thôn đã được bê tông hóa rộng rãi. Làng quê khởi sắc với đường hoa, đường làng, cổng ngõ tư gia khang trang.
Quảng Đại đặt mục tiêu trở thành làng quê kiểu mẫu. Toàn thôn có 662 hộ dân với 2.027 nhân khẩu, bình quân thu nhập đầu người đạt 47 triệu đồng/năm, không còn hộ nghèo trong độ tuổi lao động.
Người dân đồng thuận, hiến đất vườn, đất sản xuất, cây cối, hoa màu… góp sức xây dựng nông thôn mới (NTM). Ví như ông Phan Công Nhỏ đã tự nguyện hiến hơn 60m2 đất, phá dỡ tường rào kiên cố hơn 40 triệu đồng để mở rộng đường bê tông.
Ông Phạm Quang - Phó Bí thư chi bộ, Trưởng ban công tác mặt trận thôn Quảng Đại cho biết, địa phương xác định việc nâng cao đời sống kinh tế, tăng thu nhập cho người dân là yếu tố quan trọng trong công cuộc xây dựng xã NTM, NTM nâng cao, đặc biệt là đưa Quảng Đại trở thành làng kiểu mẫu.
Ngoài sự hỗ trợ từ các cấp, địa phương luôn nỗ lực tạo điều kiện để người dân đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, tạo động lực giảm nghèo bền vững.
Tích cực dồn điền đổi thửa, quy hoạch 4 cánh đồng mẫu, cánh đồng sản xuất giống tập trung với 150ha đất lúa và 70ha đất màu theo hướng hàng hóa liên kết bao tiêu sản phẩm, tạo thu nhập 150 - 200 triệu đồng/ha/năm.
Chú trọng phát triển sản xuất tiểu thủ công nghiệp, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư xưởng may, chế biến thủy hải sản, giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi. Nhân rộng mô hình chăn nuôi gia trại như nuôi bò lấy thịt, nuôi bò lai, nuôi dúi… cho hiệu quả kinh tế cao.
Hướng tới xã NTM nâng cao
Từ năm 2016, thời điểm đạt chuẩn xã NTM đến nay, Đại Cường tiếp tục chú trọng giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, đời sống cho người lao động. Ngoài các cơ sở gia công xuất khẩu như Công ty Chế biến thủy sản Phước Hiệp, Công ty May mặc Đại Cường và các cơ sở sản xuất hàng mộc dân dụng, cơ khí, gò hàn, xây dựng, Đại Cường phát triển thêm cơ sở sản xuất bánh tráng, điêu khắc gỗ, đá mỹ nghệ, dịch vụ vận tải… nhằm giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động với mức thu nhập 6 - 9 triệu đồng/người/tháng.
Địa phương hình thành hơn 100 hộ buôn bán, dịch vụ thương mại. Nông dân Quảng Đại xây dựng 20 vườn mẫu, chuyên canh trồng rau gia vị theo hướng hữu cơ, nhân rộng vùng sản xuất.
Một số cá nhân đầu tư mô hình nuôi dúi hiệu quả như cựu chiến binh Lê Văn Sáng (thôn Quảng Đại), Nguyễn Thành Dũng (thôn Thanh Vân); mô hình nuôi gà gia trại của ông Nguyễn Thành Tài (thôn Trang Điền)...
Ông Lê Văn Sáng là cán bộ về hưu đã nỗ lực tìm hiểu, học hỏi kỹ thuật nuôi dúi, có thời điểm đàn dúi của ông phát triển lên đến hàng trăm con, trong đó có 50 con giống sinh sản và đã xuất bán nhiều lứa, thu lợi hàng chục triệu đồng.
Hay như anh Lê Văn Thuyển lâu nay gắn bó với nghề chăn nuôi bò thịt thâm canh, thường xuyên duy trì số lượng đàn bò từ 10 - 15 con, giúp gia đình thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm, có điều kiện xây dựng nhà ở khang trang.
Ông Phan Phước Mơ - Chủ tịch UBND xã Đại Cường cho biết, năm 2016, Đại Cường về đích NTM và phấn đấu trở thành xã NTM nâng cao vào năm 2023. Các nhiệm vụ còn lại hết sức nặng nề, ngoài giữ vững 19 tiêu chí NTM, địa phương còn phát triển thêm 10 tiêu chí xã NTM nâng cao. Xã tập trung kiện toàn cơ sở hạ tầng, giao thông, xây dựng và hoàn thiện các thiết chế văn hóa ở cơ sở.
Nhiều dịch vụ mới như cơ sở lưu trú, khu vui chơi trẻ em, các dịch vụ spa, hàng mỹ nghệ chạm trổ, điêu khắc, tiểu thủ công nghiệp ra đời, thu hút nhiều lao động. Xã tiếp tục tranh thủ nguồn vốn của Nhà nước và huy động vốn nhân dân xây dựng cơ sở hạ tầng; tiếp tục giữ vững và nâng chuẩn các tiêu chí NTM. Ngoài Quảng Đại, địa phương tiếp tục triển khai thêm 2 khu dân cư NTM kiểu mẫu là Thanh Vân, Ô Gia.
“Để xóa hộ nghèo, nâng cao tiêu chí thu nhập, Đại Cường chú trọng khâu giải quyết việc làm, phối hợp tổ chức các lớp dạy nghề cho thanh niên, đào tạo nghề cho người lao động địa phương, góp phần giảm nghèo bền vững.
Nỗ lực xây dựng mô hình chăn nuôi chuyển từ thả rông sang kết hợp trồng trọt theo hướng nhốt chuồng, khép kín, phát triển đàn bò lai Sind, 3B, xây dựng và hình thành cánh đồng liên kết cây màu tập trung trên địa bàn...” - ông Phan Phước Mơ nói.