Dai dẳng chuyện… “thách cưới”!

ĐĂNG NGUYÊN 17/01/2021 06:54

Những tưởng chuyện thách cưới đã dần lùi xa theo nhịp sống mới, nào ngờ tục này trở lại chẳng thua kém gì ngày trước. Bởi đòi của hồi môn của nhà gái, bởi sĩ diện với cộng đồng mà người ta bất chấp để tổ chức một đám cưới linh đình. Rồi kéo theo đó là đói nghèo bám lấy dai dẳng…

Tục “thách cưới” khiến nhiều gia đình lâm vào cảnh nợ nần, để lại nhiều hệ lụy đáng buồn. TRONG ẢNH: Heo được sắm trong một đám cưới Cơ Tu. Ảnh: ĐĂNG NGUYÊN
Tục “thách cưới” khiến nhiều gia đình lâm vào cảnh nợ nần, để lại nhiều hệ lụy đáng buồn. TRONG ẢNH: Heo được sắm trong một đám cưới Cơ Tu. Ảnh: ĐĂNG NGUYÊN

Hôm nọ về quê, tình cờ gặp một đám cưới truyền thống. Từng dòng người đổ về, ngồi chật kín căn nhà cấp 4 của gia đình chú rể. Tôi ngồi cùng đám trai làng, vui những chén rượu chúc phúc. Chợt thấy, chừng như người ta quan tâm đến quy mô lễ cưới hơn là việc nghĩ về tương lai của những cặp vợ chồng trẻ. Vì thế, trong đám cưới thường phát sinh nhiều vấn đề, mà nhiều người hay gọi là “thách cưới”, khiến nhiều gia đình phải chạy vạy, toan lo mọi chuyện để ngày vui được diễn ra như ý muốn đôi bên.

Phải đủ heo, mới cúng

Tôi không còn lạ gì với những hủ tục diễn ra ngay trong đám cưới của đồng bào Cơ Tu ở các huyện miền núi Đông Giang, Tây Giang và Nam Giang. Nhiều “luật tục” nhà trai buộc phải làm theo những đòi hỏi phi lý của nhà gái.

Một người bạn của tôi kể lại câu chuyện của mình, rằng hồi anh lấy vợ, nhà nghèo trong khi “nguyện vọng” của phía nhà gái, là phải có đủ 7 con heo, cùng một vài sính lễ khác có giá trị làm “của hồi môn”. Vậy là phải chạy vạy cho đủ món thách cưới để được vợ. Nhưng, đến ngày cưới, vì lý lo khách quan nên thiếu một con heo theo yêu cầu. Đến lúc dự cưới, đếm heo không đủ số lượng, khi thực hiện nghi thức cúng thần linh, đại diện nhà gái một mực không chấp thuận và đòi phải bổ sung. “Hồi đó, không biết xoay cách nào. Cuối cùng, phải mượn tiền hàng xóm để mua thêm con heo, để lễ cưới được suôn sẻ” - bạn tôi kể lại.

Nhưng, 7 con là số heo cho nhà gái mang về. Nhà trai phải mất thêm 2 con nữa để làm tiệc chiêu đãi. Tập tục người Cơ Tu, là trong dịp cưới, thường mời hết bà con của hai làng, họ hàng, dâu rể cùng đến chung vui. Nếu đó là đám cưới lớn (có đâm trâu), thời gian kéo dài có khi đến ba ngày liền. Và hiển nhiên, nhà trai phải chịu tất cả chi phí lo cho việc ăn uống, tụ họp của hai làng. Chưa kể, bánh kẹo, chiêng ché, mã não, trâu bò, chiếu chăn, giường tủ, và có khi là cả vàng bạc, tiền của… để làm “của hồi môn” cho nhà gái mang về. Tất tần tật mọi thứ, người ta ước tính, mỗi đám cưới chi phí bỏ ra ít nhất cũng ngót nghét 200 triệu đồng.

“Gia đình khá giả không sao, chớ nhà nghèo, hoàn toàn không thể đáp ứng những đám cưới như vậy. Thời buổi bây giờ nên bỏ dần luật tục này” - già Y Kông - nguyên Chủ tịch UBND huyện Đông Giang nói với tôi như vậy. Vị già làng uy tín này bảo, thời ông còn đương chức, những vụ việc “thách cưới”, bạo lực gia đình và cả chuyện… ngoại tình đều bị kiểm điểm, xử phạt trước dân làng để làm gương. Nhờ thế, mọi chuyện được giảm dần. “Trách nhiệm trước hết là của chính quyền, những người làm công tác hòa giải, dân vận thường xuyên bám sát với dân. Không thể vì bao che, vì cả nể mà làm ngơ trước sự việc vừa trái pháp luật, vừa không đúng với thuần phong mỹ tục. Như chuyện tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, nếu chính quyền địa phương thực sự sát dân, kịp thời can thiệp thì mọi việc cũng sẽ được ngăn chặn” - già Y Kông nói.

Vì sao chuyện đòi “của hồi môn” lại tồn tại cho đến bây giờ? Nhiều già làng nói rằng, căn nguyên mọi chuyện đều xuất phát từ việc không muốn thiệt thòi của đồng bào. Nghĩa là đời trước, khi lấy vợ họ cũng từng bị đòi “của hồi môn” hoặc trường hợp đó lặp lại với chính con trai của họ nên buộc phải “đòi lại” từ gia đình chồng đứa con gái hoặc em gái cho… công bằng, bù đắp lại những khoản của cải đã mất đi. Có nơi, việc đòi của phải đầy đủ cho những người anh trai, em trai hoặc chú, cậu của cô dâu có mặt trong ngày cưới. Tục nối tục, câu chuyện “đòi của hồi môn” cứ lặp đi lặp lại, không có hồi kết.

Sau cưới, nợ nần chồng chất

Cưới hiện đại đỡ tốn kém nhưng… mất tính truyền thống

Già làng Y Kông cho rằng, ở nhiều địa phương miền núi bây giờ, đa số người dân đều tổ chức đám cưới theo lối hiện đại. Không già làng, không hát lý, thậm chí không trống chiêng và tặng phẩm, đám cưới diễn ra nhanh gọn bằng những cuộc vui xập xình, chúc phúc từ phía bạn bè và người thân. Mặc dù lễ cưới như thế không gây nhiều tốn kém, nhưng nếu xét về mặt truyền thống của đồng bào vùng cao thì chưa phù hợp và có nguy cơ mất đi giá trị văn hóa đặc trưng vốn có. “Thời buổi bây giờ không ai cấm chuyện đó (lễ cưới hiện đại - PV), nhưng nếu được, trước ngày cưới nên làm một bữa tiệc theo phong tục truyền thống một cách nhẹ nhàng. Ở đó, có đầy đủ dân làng chứng kiến, có trống chiêng, có những cuộc vui mang đậm tính đặc trưng vùng miền. Lễ cưới như thế mới ý nghĩa và đầy bản sắc” - già Y Kông nói.

Tôi ghé lại căn nhà của Alăng D., một nạn nhân trong tục thách cưới ở Đông Giang. Sau 6 năm kể từ khi lấy vợ, D. vẫn ở trong căn nhà ọp ẹp của bố mẹ. Dù số nợ ngày trước đã trả đủ, nhưng D. chẳng còn đồng vốn nào để làm ăn, nên vẫn nằm trong diện khó khăn. Nhớ đợt D. lấy vợ, nhà cô gái thách cưới phải kiếm đủ 8 con heo cùng vài món đồ khác để rước dâu về. Túng bấn, bố của D. đành bán “đứt” miếng đất cạnh nhà để lo đám cưới cho con, chấp nhận cuộc sống khó khăn, nghèo đói. D. tiếc nuối kể với tôi, đất gia đình bán, bây giờ người ta đã dựng nhà, buôn bán tạp hóa. Nghe đâu, sắp tới “trúng” thêm đền bù dự án nâng cấp Quốc lộ 14G, nên D. càng tiếc.

Alăng D. như một lát cắt trong câu chuyện “thách cưới” ở vùng cao. Nhiều trường hợp, sau cưới, cuộc sống gia đình lâm vào cảnh nợ nần. Vợ chồng trẻ, vì thế trở thành nạn nhân của hủ tục. Cả đời làm lụng, nhưng cũng không thể trả hết nợ cưới. Nghèo đói và lạc hậu, lại luẩn quẩn câu chuyện đòi “của hồi môn”. Nhưng có trường hợp, “thách cưới” lại xuất phát từ chính tâm lý sĩ diện của đôi bên gia đình với cộng đồng. Vì muốn có được một đám cưới linh đình nhất, nhì vùng, người ta chấp nhận vay mượn, thậm chí là bán đi tài sản giá trị như đất đai, vườn tược, trâu bò… để sắm sửa những thứ sinh lễ theo yêu cầu từ thông gia. Vậy là hãnh diện. Nhưng, chỉ sau vài năm, hệ lụy phát sinh khiến nhiều người không khỏi lo lắng, có nhà rơi vào cảnh nợ nần, nghèo đói, rồi lại bắt đầu câu chuyện trả nợ hồi môn.

Hôm trước, ngồi với anh Bh’nướch Rè - cán bộ Tòa án huyện Tây Giang. Anh kể chuyện đòi “của hồi môn” sau ly hôn. Có trường hợp, ngay cả già làng cũng “hùa” theo chuyện đòi lại của cải, phạt vạ. Hòa giải bất thành, họ kéo nhau đến cơ quan pháp luật nhờ giải quyết, can thiệp. Giá trị tài sản “của hồi môn” được liệt kê lên đến hàng trăm triệu đồng, như trường hợp của Bh’riu Ph. và Bh’ling Thị Ch. mới đây. Sau hơn 10 năm chung sống, hai vợ chồng quyết định ly hôn vì “không còn hợp nữa”. Nhưng, sau ly hôn, nhà anh Ph. nhất quyết đòi lại “của hồi môn” từ gia đình vợ cũ, theo luật tục Cơ Tu, khiến câu chuyện trở nên rối rắm. Thêm trường hợp khác, mới đây, Bh’ling D. lấy vợ ở xã A Tiêng, nghe đâu vợ anh ngày trước đã có chủ (c’la) - một dạng hứa hôn theo tục nối dây (tr’pưn). Vì thế, anh D. bị gia đình c’la đòi của hồi môn, buộc phải bồi thường một con trâu, cùng tiền mặt 50 triệu đồng - số tài sản mà gia đình họ đã “đặt cọc” để lo cho vợ anh D. ăn học.  “Đây là hệ lụy từ việc thách cưới và đòi của hồi môn, rất khó giải quyết” - anh Rè tâm sự.

Năm ngoái, trong một cuộc họp với tỉnh, ông Bh’riu Liếc, khi đó là Bí thư Huyện ủy Tây Giang kiến nghị cần có sự kết hợp giữa chính quyền các địa phương để xử lý dứt điểm chuyện tảo hôn, đòi của cải trong đám cưới. Ông Liếc nói, Tây Giang nhiều năm nay luôn quyết liệt trong việc ngăn chặn hủ tục, trong đó có đòi “của hồi môn”, bước đầu đem lại chuyển biến tích cực. “Nhưng, nếu chỉ mình Tây Giang làm, mà các địa phương khác không cùng làm thì cũng như không. Ví dụ trường hợp nhà gái ở Tây Giang về Đông Giang hoặc Nam Giang, thậm chí là A Lưới của Thừa Thiên Huế) thì không đòi của, nhưng nếu ngược lại thì sao? Nhà trai không cho thì mất lòng, cho thì lại vi phạm. Vì thế, cần có sự kết hợp chặt chẽ từ nhiều phía để người dân hiểu và bỏ dần hủ tục lạc hậu này” - ông Liếc quả quyết.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Dai dẳng chuyện… “thách cưới”!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO