Dai dẳng gian lận thương mại

VĨNH LỘC 25/07/2023 06:05

Mặc dù lực lượng chức năng quyết liệt kiểm tra, xử lý nhưng tình trạng gian lận thương mại trên địa bàn tỉnh vẫn diễn biến phức tạp với số vụ việc vi phạm gia tăng.

Lực lượng chức năng kiểm tra hàng hóa ở một cơ sở kinh doanh. Ảnh: V.L
Lực lượng chức năng kiểm tra hàng hóa ở một cơ sở kinh doanh. Ảnh: V.L

Theo Cục Quản lý thị trường Quảng Nam (cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh), từ đầu năm đến nay, các đơn vị thành viên Ban Chỉ đạo 389 đã phát hiện, xử lý vi phạm hành chính 820 vụ (tăng 46,17% so với cùng kỳ, tương ứng tăng 259 vụ), thu nộp ngân sách nhà nước gần 41 tỷ đồng, giảm 66,2% so với cùng kỳ năm 2022.

Tiến hành khởi tố 59 vụ việc với 91 đối tượng liên quan. Dù vậy, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật về buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng nhập lậu vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp.

Ông Lương Viết Tịnh – Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý thị trường tỉnh cho biết, tình trạng buôn bán, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng nhập lậu chủ yếu diễn ra qua Cửa khẩu quốc tế Nam Giang và trên các tuyến đường, cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, quốc lộ 1. Đa phần hàng hóa được mua, vận chuyển nhập lậu từ các đầu mối phân phối lớn là Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh… về tiêu thụ trên địa bàn tỉnh.

“Phần lớn hàng hóa vi phạm trên bao bì không có tên, địa chỉ, số điện thoại liên lạc, tuy nhiên một bộ phận nhỏ người tiêu dùng dù biết nhưng vẫn mua do giá bán rẻ. Chưa kể, một số người tiêu dùng có thói quen thích sử dụng hàng ngoại nên vẫn chấp nhận mua.

Lợi dụng tâm lý đó các đối tượng vi phạm ngày càng đẩy mạnh hoạt động buôn bán hàng lậu, hàng cấm, hàng giả, gian lận thương mại với thủ đoạn ngày càng tinh vi, phương thức hoạt động liên tục thay đổi gây nhiều khó khăn cho lực lượng kiểm tra” - ông Tịnh lý giải.

Theo ông Tịnh, lo ngại nhất là hoạt động buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại trên môi trường mạng bởi việc xác định địa điểm, nơi các đối tượng vi phạm hết sức khó khăn do mô hình này không cần mặt bằng, địa điểm kinh doanh, chỉ cần một khu vực chứa, lưu trữ hàng hóa như nhà riêng, phòng trọ là có thể thực hiện toàn bộ hoạt động chào bán, nhận, chốt, gửi đơn hàng.

Việc đăng ký thông tin, mở tài khoản trên các trang mạng xã hội khá dễ dàng, các chủ thể bán hàng không ghi địa chỉ cụ thể, chỉ có số điện thoại giao dịch, do đó việc truy xuất dữ liệu, thu thập thông tin đối tượng vi phạm gặp nhiều khó khăn.

Theo ông Nguyễn Việt Xuân – Phó Cục trưởng Cục Thuế Quảng Nam, bán hàng qua mạng không chỉ gây khó khăn trong việc quản lý hàng giả, hàng nhái mà còn gây thất thu thuế.

“Khi chúng tôi xác minh các hình thức vận chuyển, giao dịch qua bưu điện, ngân hàng… để truy thu thuế thì kết quả không như mong muốn vì những đơn vị này không trả lời với lý do viện dẫn về các quy định như Tổng cục Bưu điện chỉ trả lời cho Tổng cục Thuế, bưu điện địa phương không thể trả lời nên việc bán hàng qua mạng có thu tiền nhưng không nộp thuế” - ông Xuân nói.

Thời gian qua công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng đôi lúc chưa nhịp nhàng, hiệu quả. Cạnh đó, nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị cần thiết như phương tiện tuần tra, bắt giữ, thiết bị kiểm tra nhanh, kho bảo quản tang vật, phương tiện bị thu giữ của hầu hết lực lượng chức năng còn thiếu hoặc chưa được trang bị đầy đủ…, dẫn đến gặp khó khăn trong quá trình thực thi công vụ.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Dai dẳng gian lận thương mại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO