Dai dẳng nạn tảo hôn

ALĂNG NGƯỚC - NGUYỄN DƯƠNG 04/11/2015 09:16

Những năm qua, mặc dù chính quyền các địa phương miền núi đã có nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn, đẩy lùi vấn nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, nhưng hủ tục này vẫn còn dai dẳng trong đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS), và hệ lụy của nó là nỗi đau nhức nhối, âm ỉ suốt bao thế hệ.

Bà mẹ trẻ xuất hiện ngày càng nhiều ở các bản vùng cao. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Bà mẹ trẻ xuất hiện ngày càng nhiều ở các bản vùng cao. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

BÀI 1: SINH CON TỪ THUỞ MƯỜI BA

“Cuộc chiến” với hủ tục tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống ở miền núi vẫn còn cam go. Ở một số vùng cao, hình ảnh “vợ chồng học sinh” dường như đã quá quen thuộc với cuộc sống của đồng bào trong những năm gần đây.

Vợ chồng… học sinh

Hủ tục lạc hậu về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống ở vùng đồng bào DTTS đến nay vẫn là câu chuyện dài, gây nhiều nhức nhối đối với các địa phương miền núi. Và, một thực tế đáng lo ngại hiện nay, hủ tục này đang len lỏi “xâm nhập” vào môi trường giáo dục - nơi tưởng chừng an toàn nhất - khiến tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng liên tiếp xảy ra. Năm 2014, đang học lớp 11 tại một trường THPT trên địa bàn, Hiên Thị T., ở xã Đắc Pre (huyện Nam Giang) đành phải gác lại con chữ để về nhà lấy chồng do trót lỡ mang thai. Chồng T. là người dân địa phương, cũng chỉ vừa mới học xong chương trình THPT. Hay như trường hợp Zơrâm Thị L., học hết lớp 9, xuống trung tâm huyện học cấp 3 và được bố trí ở nội trú tại trường. Chẳng bao lâu, người nhà phát hiện em có bầu, L. đành gác việc học để lấy chồng. Bây giờ con của L. đã gần 1 tuổi và em may mắn vì được gia đình động viên trở lại trường sau khi sinh. Năm học 2014 - 2015, L. đã tốt nghiệp THPT tại một trường chuyên biệt trên địa bàn. Tại huyện Đông Giang, tình trạng tảo hôn cũng xảy ra ở nhiều địa phương, khiến những cặp “vợ chồng học sinh” thỉnh thoảng xuất hiện. Năm 2014, khi đang học THPT, Alăng B. (ở xã Sông Kôn, Đông Giang) đột nhiên đưa bạn gái về nhà ra mắt gia đình trong tình cảnh “dở khóc, dở cười” khi bụng bầu đã được vài tháng. Một đám cưới bất đắc dĩ được tổ chức cho cặp “vợ chồng học sinh” khiến nhiều người không khỏi ái ngại nghĩ đến tương lai sau này.

Các xã vùng cao Phước Sơn, Nam Trà My, tình trạng tảo hôn cũng thường xảy ra, với không ít đối tượng vẫn còn đang ngồi trên ghế nhà trường. Theo chân cán bộ y tế huyện, chúng tôi tìm đến nhà Hồ Thị Hí ở thôn 2, xã Phước Thành. Hí sinh năm 2001 nhưng nay đã có con gái ở tuổi bồng nách. Hí kể, năm ngoái, nghỉ hè về làng, yêu rồi có bầu với Hồ Văn Song (19 tuổi, người cùng làng). “Vợ chồng” không tổ chức đám cưới mà dẫn nhau ra đầu làng dựng căn chòi sống tạm, sinh con. Gác lại những ước mơ cùng con chữ, Hí phải chăm lo cho chồng con, cho cuộc mưu sinh với cơm áo, gạo, tiền. Ngoài Hí, tại xã Phước Thành còn có 2 trường hợp nữ sinh khác cùng độ tuổi phải nghỉ học để lấy chồng. Ở xã Phước Lộc cũng có 2 trường hợp đang là học sinh nhưng lỡ có thai nên đành bỏ học là Hồ Thị Kép và Hồ Thị Hai ở thôn 5B. Điều đáng nói, cả hai đứa trẻ đều không có cha. “Các em gặp, rồi yêu những công nhân làm đường, những phu vàng ở đây, trót dại nên có bầu. Cha những đứa bé đã cao chạy xa bay, còn các em bị phạt vạ, phải dọn ra khỏi làng, sau khi sinh mới được về…” - ông Lưu Huyền Thoại, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Lộc cho hay.

Bà Phạm Thị Thứ - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Phước Sơn cho biết, đầu năm học 2015 - 2016, trường có đến 6 nữ sinh không ra lớp. Khi Ban giám hiệu cử người về điều tra mới phát hiện các em có bầu nên bỏ học. Trong đó có 3 học sinh lớp 9 và 3 học sinh các lớp 10, 11, 12. Ngoài ra, còn có 2 trường hợp ở xã Phước Chánh nộp hồ sơ vào học lớp 10 nhưng chưa kịp đi học thì đã có thai. “Tình trạng này năm nào cũng xảy ra, làm ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục, tăng tỷ lệ học sinh bỏ học của nhà trường. Mặc dù trường cũng đã phối hợp với địa phương, hội đoàn thể triển khai các biện pháp tuyên truyền, nhưng hủ tục tảo hôn, bắt vợ bắt chồng đã mang nặng, ăn sâu trong đời sống đồng bào, chưa thể ngăn chặn được” - bà Thứ nói.

Con đặt đâu, cha mẹ ngồi đó

Ở địa bàn các xã vùng cao Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang, Phước Sơn, Nam Trà My,... tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống không chỉ bị tác động bởi tập tục lạc hậu mà thậm chí trở thành “trào lưu” vì có thêm ảnh hưởng của phim ảnh “đen”. Theo bà Lê Thị Thủy - Trưởng ban Dân tộc tỉnh, mặc dù chính quyền các địa phương đã có nhiều biện pháp ngăn chặn nhưng vấn nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống ở vùng đồng bào miền núi của tỉnh vẫn tồn tại và diễn ra từ nhiều năm nay. “Phim ảnh, mạng xã hội,... là những tác nhân khiến nhiều học sinh bỏ bê việc học hành, yêu đương rồi dẫn đến tình trạng “ăn cơm trước kẻng”. Khi mọi việc vỡ lẽ thì đã muộn, nhiều bé gái buộc phải nghỉ học giữa chừng vì mang thai. Tình trạng cứ thế kéo dài, đến nay vẫn chưa có giải pháp đẩy lùi” - bà Thủy nói.

Chỉ trong những 5 năm 2010 - 2015 trên địa bàn xã Tà Pơơ (Nam Giang) có đến gần 20 trường hợp tảo hôn được phát hiện. Bà Brao Hoàn - cán bộ phụ trách dân số xã Tà Pơơ cho hay, đa số vụ tảo hôn tại địa phương xảy ra ở các đối tượng trẻ em đã bỏ học hoặc ở nhà không được học hành. Trong khi đó, chính quyền địa phương đã thành lập các câu lạc bộ “Phụ nữ xóa bỏ tập tục tảo hôn” ở một số thôn bản nhưng cho đến thời điểm này giải pháp trên vẫn chưa mang lại hiệu quả. “Nhiều trường hợp các em tự tìm hiểu, yêu nhau rồi dẫn đến mang thai ngoài ý muốn buộc gia đình phải công nhận, tổ chức cưới hỏi. Sự việc xảy ra ở địa bàn thôn, nhưng cán bộ thôn lại không báo cáo kịp thời lên xã nên gây khó khăn cho chính quyền địa phương” - bà Hoàn nói.

Tại Bắc Trà My, Trung tâm Dân số - kế hoạch hóa gia đình huyện vừa tiến hành khảo sát thực trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống ở 12 xã, thị trấn trên địa bàn. Kết quả thống kê khiến ai cũng giật mình: Có đến 11 xã xảy ra nạn tảo hôn, gồm 24 nam và 75 nữ, hầu hết là đồng bào DTTS. Bình quân tuổi kết hôn của nam giới 18,4 tuổi và của nữ giới 15,7 tuổi. Cá biệt có trường hợp nữ chỉ mới 12 tuổi, phổ biến tuổi kết hôn ở nữ giới khoảng 14 - 15 tuổi. Về kết hôn cận huyết thống (con cô - cậu - dì - chú - bác) có 18 trường hợp.

Vấn nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống ở vùng đồng bào DTTS tại địa bàn các huyện miền núi ngày càng nhiều, kéo theo hệ lụy không nhỏ về chất lượng cuộc sống của đồng bào bản địa. Ông Trần Tấn Tài - Giám đốc Trung tâm Dân số - kế hoạch hóa gia đình huyện Nam Giang cho hay, xét về mặt bằng chung, chất lượng dân số của địa phương đã dần được nâng cao trong những năm gần đây, nhưng tình trạng tảo hôn, sinh con thứ 3 trở lên vẫn còn tồn tại ở một xã vùng cao khiến chất lượng cuộc sống của người dân khu vực này giảm sút. Theo bà Lê Thị Thủy, câu chuyện tảo hôn vùng đồng bào DTTS bây giờ không chỉ đơn thuần là do chịu sự ép buộc của cha mẹ, hoặc bị ảnh hưởng của tập tục lạc hậu như trước đây, mà còn có thêm nguyên nhân từ chính người trong cuộc khiến hủ tục cứ âm ỉ kéo dài. Con cái trót lỡ mang thai, tạo áp lực ngược cho cha mẹ phải chấp nhận cưới hỏi. Dù biết là sai pháp luật, nhưng cũng đành chịu “con đặt đâu, cha mẹ ngồi đấy!”.

----------------
Bài cuối: Cần sự quan tâm đúng mức

ALĂNG NGƯỚC - NGUYỄN DƯƠNG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Dai dẳng nạn tảo hôn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO