Dai dẳng nạn tảo hôn - Bài cuối: Cần sự quan tâm đúng mức

ALĂNG NGƯỚC - NGUYỄN DƯƠNG 05/11/2015 09:36

Có dịp khảo sát, tìm hiểu ở những vùng miền núi cao mới thấy nạn tảo hôn đang là một trong những vấn đề khiến chính quyền địa phương hết sức đau đầu tìm cách giải quyết.

  • Dai dẳng nạn tảo hôn

Sửa sai từ cơ sở

Bà Lê Thị Thủy - Trưởng ban Dân tộc tỉnh nói, mặc dù tình trạng tảo hôn ngày càng gia tăng nhưng nhiều địa phương vẫn chưa quyết liệt trong việc ngăn chặn, hoặc có thì cũng còn nặng tính hình thức. Do vậy, để vấn nạn này được đẩy lùi, trước hết cần phải sửa sai từ hệ thống chính quyền cơ sở, nhất là cán bộ quản lý tư pháp - hộ tịch và phát huy có hiệu quả vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng vùng cao.

Theo bà Đinh Thúy Mai - Giám đốc Trung tâm Dân số - kế hoạch hóa gia đình huyện Phước Sơn, từ trước tới nay chưa có một chương trình, nguồn tiền nào dành cho việc ngăn chặn tảo hôn. Trung tâm đã phải lồng ghép nội dung tuyên truyền, nâng cao nhận thức về Luật Hôn nhân gia đình vào các chương trình khác. “Đến giữa năm 2015, khi tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống liên tục xảy ra trên địa bàn, trung tâm đã đề nghị triển khai xây dựng đề án khảo sát, giảm thiểu nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và được huyện đồng ý. Bên cạnh đó, trung tâm cũng kêu gọi tổ chức Tầm nhìn thế giới tài trợ nguồn kinh phí để thực hiện chương trình này” - bà Mai cho biết.

Hậu quả của hủ tục tảo hôn chịu thiệt thòi nhiều nhất vẫn là phụ nữ. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Hậu quả của hủ tục tảo hôn chịu thiệt thòi nhiều nhất vẫn là phụ nữ. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Ông Arất Blúi - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho rằng, thực trạng tảo hôn ở miền núi ngày càng gia tăng, ngoài do lớp trẻ có quan hệ yêu đương quá sớm rồi để lại hậu quả buộc gia đình tổ chức cưới hỏi, nguyên nhân còn bởi nhiều địa phương cơ sở ít quan tâm đến công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho đồng bào bản địa và luôn xem đây là trách nhiệm của ngành tư pháp. Trong khi đó, khi sự việc xảy ra, cán bộ thôn không chủ động báo cáo cho lãnh đạo xã để can thiệp kịp thời, khiến tình trạng luôn kéo dài. Để hạn chế và từng bước đẩy lùi nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, theo ông Blúi, ngoài tiếp tục đẩy mạnh triển khai sâu rộng công tác tuyên truyền pháp luật, các địa phương miền núi cần nâng cao trách nhiệm trong quá trình quản lý nhà nước về lĩnh vực hôn nhân và gia đình. Đồng thời chú trọng cải thiện chất lượng đời sống của nhân dân ở vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa; mở lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đội ngũ tuyên truyền viên và hòa giải viên ở các xã, từng bước nâng cao nhận thức trong việc xóa bỏ tập tục lạc hậu.

Theo một cán bộ công tác lâu năm ở huyện Nam Trà My, đã đến lúc các địa phương miền núi cần xây dựng chế tài cụ thể để ngăn chặn vấn nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Trong đó, ngoài xử lý nghiêm đối tượng vi phạm để răn đe, các địa phương cũng cần xem xét trách nhiệm của chính quyền cơ sở. Bởi trên thực tế, vì nhiều lý do, chính quyền cơ sở thường hay phớt lờ hoặc dễ dãi với người vi phạm, khiến tạo tâm lý xem nhẹ pháp luật trong một bộ phận người dân miền núi.

Đẩy lùi nạn tảo hôn không phải là chuyện chỉ trong một sớm một chiều, do đó cần có sự vào cuộc của các cấp ngành và toàn xã hội.
Đẩy lùi nạn tảo hôn không phải là chuyện chỉ trong một sớm một chiều, do đó cần có sự vào cuộc của các cấp ngành và toàn xã hội.

Tìm giải pháp hiệu quả

Trước đó, Chính phủ đã phê duyệt đề án Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2025, đặt ra mục tiêu “giảm bình quân 2 - 3%/năm số cặp tảo hôn và 3 - 5%/năm số cặp kết hôn cận huyết thống đối với các địa bàn có tỷ lệ này còn cao”. Để hoàn thành mục tiêu này, đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số, giai đoạn 2015 - 2020” của tỉnh được triển khai áp dụng ở 73 xã của 10 huyện có đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn với tổng kinh phí hơn 10,2 tỷ đồng. Theo đó, ngoài khảo sát, đánh giá thực trạng và kết quả thực hiện đề án; tổ chức các hoạt động truyền thông, vận động, tư vấn và biên soạn, cung cấp thông tin, tài liệu, sản phẩm tuyên truyền liên quan về hôn nhân, gia đình và ngăn ngừa tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống..., đề án cũng xây dựng, triển khai thực hiện mô hình điểm đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số có tỷ lệ hoặc nguy cơ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cao; tổ chức các hoạt động nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ tham gia thực hiện đề án.

Trước tình trạng nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đang ngày càng gia tăng ở miền núi, mới đây UBND tỉnh ban hành Quyết định về kế hoạch thực hiện giai đoạn I đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số, giai đoạn 2015 - 2020”. Theo đề án này, các hoạt động thực hiện nội dung phải bám sát với chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước về hôn nhân - gia đình. Trong đó, chú trọng địa bàn vùng dân tộc thiểu số có tỷ lệ hoặc nguy cơ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cao để xác định các hoạt động ưu tiên và tăng cường nguồn lực cho triển khai. Đề án, kế hoạch thực hiện đã được ban hành, tuy nhiên cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, để đẩy lùi tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống không phải là chuyện dễ dàng trong một sớm một chiều. Vấn đề mấu chốt là phải làm sao cho đồng bào nói đúng sự thật về độ tuổi khi kết hôn và có hay không mối quan hệ họ hàng với người sắp lấy làm vợ hoặc chồng; làm sao để không còn chuyện “ăn cơm trước kẻng” trong học sinh, lứa tuổi vị thành niên, dẫn đến tình thế gia đình buộc phải cho cưới.

Là đơn vị được UBND tỉnh giao nhiệm vụ làm cơ quan thường trực triển khai đề án, Ban Dân tộc tỉnh đang phối hợp và gấp rút lập đề cương, hoàn chỉnh nội dung tổ chức tập huấn cho cán bộ các địa phương miền núi ngay trong tháng 11 này. Trưởng ban Dân tộc tỉnh Lê Thị Thủy cho biết, để đề án thực sự là giải pháp hiệu quả, giúp các địa phương giảm thiểu hủ tục còn tồn tại từ nhiều năm qua, Ban Dân tộc tỉnh đang tính đến việc phải làm sao tiếp nhận thông tin chính xác và đầy đủ nhất từ cơ sở, các bản làng nhằm từng bước đưa các nội dung phù hợp đi vào cuộc sống người dân miền núi. Bên cạnh tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, kịp thời phát hiện, ngăn ngừa trường hợp vi phạm pháp luật liên quan đến hôn nhân và gia đình, nội dung của đề án cũng sẽ được lồng ghép, kết hợp các hoạt động cụ thể nhằm tránh tình trạng chồng chéo khiến giảm hiệu quả và khả năng tiếp cận thông tin. Đề án cũng chú trọng đến công tác xúc tiến các hoạt động truyền thông vào trong trường học, xây dựng mô hình câu lạc bộ, tổ, nhóm phù hợp nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao kiến thức đối với học sinh.
“Phát huy hoạt động tuyên truyền, cung cấp thông tin, phổ biến pháp luật và vận động, tư vấn, hỗ trợ,... để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, giúp tăng cường khả năng tiếp cận thông tin cho đồng bào vẫn là bước đi quan trọng nhất. Chúng tôi xác định phải huy động sức mạnh của các cấp, các ngành và phát huy hiệu quả vai trò của các già làng, người có uy tín trong cộng đồng cùng tham gia công tác tuyên truyền, vận động xóa bỏ những hủ tục lạc hậu còn tồn tại trong hôn nhân và gia đình vùng miền núi” - bà Thủy nói.

ALĂNG NGƯỚC - NGUYỄN DƯƠNG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Dai dẳng nạn tảo hôn - Bài cuối: Cần sự quan tâm đúng mức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO