Theo thống kê, TP.Hội An có 1.443 người hoạt động trong kháng chiến bị phơi nhiễm chất độc hóa học. Tuy nhiên, số người được hưởng chính sách hiện nay chưa đến 200 trường hợp. Nỗi đau da cam vẫn còn dai dẳng.
Chung tay xoa dịu nỗi đau
Qua khảo sát, phần lớn nạn nhân đều có cuộc sống gia đình khó khăn, thậm chí có gia đình từ 2 đến 3 thế hệ bị ảnh hưởng do di chứng chất độc da cam/dioxin để lại. Trong 12 xã, phường trên địa bàn Hội An hầu như địa phương nào cũng có nạn nhân nhiễm chất độc da cam, nhiều nhất là phường Sơn Phong (36 trường hợp) và ít nhất là xã Cẩm Kim (1 trường hợp). Tuy nhiên, mức hỗ trợ theo quy định của Nhà nước chưa nhiều chỉ khoảng từ 1 triệu đến trên 3 triệu đồng/tháng. Riêng với các nạn nhân thuộc thế hệ thứ hai (con nạn nhân nhiễm chất độc da cam) mức hỗ trợ ít hơn, chỉ trên dưới 1 triệu đồng/trường hợp.
Chế độ chính sách cho các nạn nhân chất độc da cam còn ít, chủ yếu qua sự vận động hỗ trợ của các hội. Ảnh: V.L |
Theo bà Võ Thị Hóa - Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP.Hội An, trong 5 năm qua hội đã gửi 2.100 thư kêu gọi đến các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học và nhà hảo tâm trong và ngoài thành phố ủng hộ quỹ. Cùng với đó, thành hội cũng đã tổ chức các đêm văn nghệ “Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam”, thông qua những chương trình này đã huy động số tiền quyên góp ủng hộ lên đến hàng trăm triệu đồng. Đặc biệt, với đặc thù là thành phố du lịch có nhiều điểm tham quan, di tích, thành hội đã thuyết phục các chủ di tích cho phép đặt 7 thùng quyên góp cùng các hình ảnh, thông tin về nạn nhân tại 7 điểm bảo tàng, di tích, giúp mỗi năm huy động được hơn 60 triệu đồng từ hình thức này. “Chúng tôi có nhiều hình thức quyên góp tạo quỹ như vận động mỗi cơ quan, đơn vị ủng hộ 500 nghìn đồng/năm. Vận động khách uống cà phê tại quán ủng hộ vào mỗi ly cà phê 500 đồng hay vận động mỗi học sinh một năm ủng hộ 1.000 đồng giúp đỡ nạn nhân da cam. Riêng năm 2015 số tiền ủng hộ của học sinh tại 36 trường các cấp trên địa bàn thành phố đã được 14 triệu đồng” - bà Hóa chia sẻ.
Ngoài ra, việc kết nối với các cá nhân, tổ chức thiện nguyện quốc tế như Hiệp hội Thụy Sỹ - Cu Ba; các cựu chiến binh Mỹ hay vợ chồng ông Bruce và bà Elaine (quốc tịch Mỹ và Canada) đã giúp mang lại những kết quả tích cực. Nổi bật là việc vợ chồng ông Bruce và bà Elaine đã tình nguyện trở thành hội viên danh dự để có điều kiện quyên góp ủng hộ các nạn nhân, đến nay ông bà đã quyên góp ủng hộ hơn 200 triệu đồng. Chi nhánh Hội nạn nhân chất độc da cam tại Bỉ do bà Chirs Geysken, người Bỉ làm đại diện, sau gần 6 tháng hoạt động đã vận động được 8.681 euro (khoảng 220 triệu đồng).
Nhiều trường hợp chưa được công nhận
Không phủ nhận, thời gian qua công tác chăm lo cho nạn nhân da cam dù luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm nhưng vẫn còn đó nhiều nỗi niềm, nhất là với những người từng tham gia kháng chiến, bị phơi nhiễm chất độc nhưng không được công nhận hưởng chế độ. Con số 192 trường hợp được hưởng chính sách (gồm 61 nạn nhân thuộc thế hệ thứ hai) là khá khiêm tốn nếu so với 1.433 trường hợp bị phơi nhiễm chất độc da cam trên địa bàn thành phố. Ông Lê Văn Nhì - Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin xã Cẩm Hà cho biết, hiện số người bị phơi nhiễm chất độc trên địa bàn xã hơn 200 trường hợp nhưng được hưởng chế độ nạn nhân da cam chỉ 10 người, không ít trường hợp đi khám giám định nhưng vẫn không được công nhận. “Một số người, nhất là các cán bộ hưu trí từng tham gia kháng chiến sau khi đi khám vẫn không được công nhận nên chán nản muốn ra khỏi hội” - ông Nhì phản ảnh. Bản thân ông bị phơi nhiễm nhưng gửi hồ sơ xin đi giám định đã hơn một năm đến nay vẫn chưa thấy hồi âm.
Đây cũng là thực tế chung của các xã - phường trên địa bàn thành phố. Do chưa được giám định là nạn nhân nhiễm chất độc da cam nên những người bị phơi nhiễm này được hưởng chế độ chính sách rất ít. Tuy nhiên, thiệt thòi nhất chính là những nạn nhân thuộc thế hệ thứ 3 (cháu của những người đi kháng chiến bị phơi nhiễm chất độc) đến nay vẫn chưa được Nhà nước công nhận là nạn nhân chất độc da cam nên chỉ được hưởng chế độ bảo trợ xã hội mỗi tháng 360 nghìn đồng. Thống kê trên địa bàn thành phố hiện có 14 trường hợp thuộc đối tượng này, chủ yếu ở Cẩm Hà (8 người) hầu hết đều thuộc gia đình khó khăn. Điển hình như trường hợp Bùi Văn Sỹ (1994), thôn Trà Quế, Cẩm Hà bị liệt 2 chân, hay em Võ Thị Trang (1995), thôn Trà Quế, Cẩm Hà, bị bệnh down; Lưu Văn Hoa (1985), thôn Đồng Nà, Cẩm Hà, bị động kinh; Nguyễn Hà Ngân (2000), thôn Thanh Nhì, Cẩm Thanh, bị câm điếc bẩm sinh... Vừa qua, thành hội đã phối hợp với Hội Chữ thập đỏ TP. Hội An trao 8 gia đình nạn nhân thế hệ thứ 3 mỗi hộ một con bò trị giá 15 triệu đồng từ nguồn ủng hộ của “Tổ chức hàn gắn vết thương chiến tranh Quảng Nam” nhằm giúp cải thiện sinh kế cho gia đình các nạn nhân này.
VĨNH LỘC