Đại dịch lệ khí năm 1849

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG 04/08/2021 09:11

(QNO) - Năm Tự Đức thứ 2 (tức năm 1849), nước ta lúc đó có khoảng 8 triệu dân, đã xảy ra đại dịch. Theo Đại Nam thực lục và Đại Việt sử ký toàn thư, các nhà chính sử cũng như y giới lúc đó ghi là do khí độc (lệ khí) làm chết 589.460 người (hơn nửa triệu người) - theo thống kê của Bộ Hộ lúc đó. Triều đình và các tỉnh cũng đã dốc sức cứu chữa, nhưng có lẽ trình độ y học lúc đó cũng không thể làm gì hơn.

Cụ Lê Tự Ký dịch bia công đức chùa làng Thanh Quýt.
Cụ Lê Tự Ký dịch bia công đức chùa làng Thanh Quýt.

Đại Nam thực lục cũng cho thấy đã có gần 70 trận dịch lớn nhỏ xảy ra trong thời gian 75 năm. Từ năm 1820 đến 1895, trung bình hơn 1 năm xảy ra 1 trận. Lúc đó triều Nguyễn mới thống nhất đất nước 20 năm, vừa phục hồi kinh tế, ổn định trị an lại phải đổi mặt với dịch bệnh, quả thật không dễ dàng gì!

Trước đó, vào giữa năm 1820 (Minh Mạng nguyên niên), bệnh dịch tả bắt đầu khởi phát ở khu vực Tây Nam Bộ ngày nay rồi lan ra toàn quốc. Thực lục ghi: “Đến tháng 12 mới ngưng, quân và dân đều mắc, số tử vong thống kê được là 206.835 người, triều đình phát chẩn đến 73 vạn quan tiền…”. Tuy ban đầu không chép rõ tên dịch bệnh nhưng có câu "Vua lấy bạch đậu khấu trong kho và phương thuốc chữa dịch sai người ban cấp". Thi hào Nguyễn Du đã qua đời trong trận dịch này.

Trở lại với dịch khí độc tức lệ khí năm 1849, lúc đó ông cố nội tôi mới ra đời chưa bao lâu nhưng may mắn thoát khỏi (ông mất năm 1947 vì già yếu, thọ 95 tuổi). Cố tôi là con độc đinh, nếu có mệnh hệ nào vì lệ khí thì chắc ngày nay không có chúng tôi!

Theo lời kể của người lớn tuổi trong làng, cùng với dịch bệnh lúc ấy lại thêm nạn đói hoành hành khắp tỉnh, mùa màng thất bát, nhiều người dân phải bỏ làng đi kiếm ăn nơi khác, nhiều trẻ em chết khi mới ra đời, gọi là tảo dịch. Ngày nay đọc trong các gia phả đều thấy hai từ đó! Ngoài nghĩa trang của làng tôi cũng thấy những tấm bia nhỏ ghi là “Tảo dịch”!

Mấy năm sau, theo lệnh vua, các làng ở Quảng Nam đều phải lập các kho lương để phòng đói. Làng Thanh Quýt của tôi tuy ít ruộng, cũng đã quyết định cho thuê 8 mẫu ruộng và quyên góp trong dân để lập kho lương ở chùa làng, phòng khi dịch bệnh và đói kém.

May thay, sau bao nhiêu biến cố, tấm bia công đức ghi lại sự kiện này từ năm 1865 đến 1868 vẫn còn trên miếng đất ngày xưa là chùa làng ở đầu thôn, giáp với làng An Tự. Mở đầu tấm bia công đức có mấy dòng, đại ý: Ở đời nếu biết lo xa thì khi dịch bệnh, đói kém xảy ra cũng có thể khắc phục được. Làng tuy ít ruộng, người đông, những cũng trích ra 8 mẫu để cho thuê và kêu gọi các tộc họ, thân hào nhân sĩ, quan viên chung tay đóng góp hoặc bằng tiền hoặc bằng lúa thóc…

Tôi đã tiếp cận được tấm bia công đức ấy từ mười năm trước và đã từng giới thiệu bằng bản dịch của Viện Hán Nôm mấy năm trước. Trên bia còn rõ ràng tên tuổi, họ hàng, chức vụ của hơn 120 người trong làng đã đóng góp và quỹ lương. Đọc bản dịch văn bia, chúng ta còn nhận ra việc đổi tên, họ tộc của nhiều người vì phạm húy bà Hồ Thị Hoa là mẹ của vua Thiệu Trị lúc đó. Cũng nhận ra nhiều vị quan khi nghỉ hưu đều về ở trong làng mở trường dạy học theo kiểu “thoái vi dân” của các cụ ngày xưa, đồng thời là vai trò quan trọng của các “đại tộc” trong mỗi làng thời phong kiến…

Quan trọng hơn là nội dung tấm bia công đức sau đại dịch 1849 cũng cho thấy ngoài quỹ của làng (8 mẫu ruộng cho thuê lấy bằng lúa) và đóng góp của quan chức, thân hào nhân sĩ, thời ấy cũng đã thực hiện việc "xã hội hóa” bằng cách kêu gọi sự tham gia của mọi tầng lớp dân chúng rồi! Có người quê ở làng đi định cư làng khác cũng quay về đóng góp. Quý thay!

Nay thì đại dịch Covid-19 đang hoành hành khắp thế giới, số người chết đã lên hàng triệu triệu. Đợt bùng phát lần thứ tư với biến thể Delta đang khiến cho hàng chục tỉnh thành lớn nhỏ trên cả nước bị ảnh hưởng. Nhiều tỉnh thành phải cách ly và yêu cầu người dân phải ở nhà để tránh lây lan cùng với nỗ lực gấp rút chủng ngừa trên diện rộng. Ngày nay ở nước ta cũng may nhờ đời sống khá hơn và tiếp nhận tiến bộ y học của thế giới, nên tuy dân tình khổ sở như ta đã và đang thấy, nhưng chắc chắn đại dịch sẽ mau chóng bị đẩy lùi...

Ngẫm lại, dịch bệnh từ trong lịch sử - cũng như chiến tranh - là sự bất thường của đời sống, nhưng nếu có sự đoàn kết và hợp tác của cả cộng đồng, nhất định chúng ta sẽ chiến thắng!

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đại dịch lệ khí năm 1849
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO