Đại diện văn hóa

KỲ SINH 27/01/2013 09:03

“Có thể anh rất nhiều tiền, nhưng tiếc là lại quá ít văn hóa!”. Họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ kể rằng anh đã từng bức xúc như vậy với người quản lý resort lớn ở Đà Nẵng, khi chứng kiến tượng một vị thần Hindu giáo bị khu du lịch này “sáng tạo” mang ra làm hình mẫu cho… giỏ đựng rác. Thực ra, ở các khu du lịch và điểm công cộng, giỏ đựng rác thường được “cách điệu” cho bắt mắt hơn, đỡ thô kệch và thân thiện hơn, như làm theo hình chim cánh cụt hoặc sơn phết màu xanh lá cây. Nhưng lấy mẫu tượng một vị thần, dù là của một tôn giáo xa lạ, để làm nơi chứa rác thì rất phản cảm.

Dư luận gần đây bàn tán nhiều về những “dị vật” trong các công trình văn hóa, kiểu như cặp tượng sư tử đá trắng đặt trước chùa. Bàn tán là bởi, có thể “dị vật” kia do người thiện tâm cúng tặng không nỡ từ chối, nhưng một khi tiếp nhận rồi đặt để lộn xộn đến nỗi phá hỏng cả không gian văn hóa thì phải xem lại. Ở tình huống “tượng thần làm giỏ rác” vừa nêu, thậm chí những người quản lý khu du lịch sẽ bị xem là nhục mạ văn hóa tâm linh của dân tộc khác.

Lĩnh vực văn hóa luôn có những đại sứ làm đại diện để góp phần quảng bá giá trị (vật thể hoặc phi vật thể) của một vùng đất, địa phương hay sự kiện cụ thể nào đó ra với thế giới. Nhưng đôi khi, tự thân văn hóa đã là một “đại sứ” cho đất nước ấy rồi, bởi tự nó phô diễn và lưu giữ nét đa dạng, đậm đà bản sắc của riêng dân tộc mình. Vậy nên, sẽ không lạ gì chuyện gần đây một vài đại sứ văn hóa của ta bị cộng đồng dị nghị vì cho rằng không xứng đáng làm đại diện (do liên quan đến sinh hoạt cá nhân). Ở góc độ khác, chính các món hàng lưu niệm cũng làm đại diện cho hình ảnh di sản, cho một địa chỉ du lịch, cho một khía cạnh nào đó của một nền văn hóa. Như hình mẫu Ngọ môn của Huế, Chùa Cầu - Hội An, tháp Chăm - Mỹ Sơn, Văn miếu - Hà Nội, chợ Bến Thành - TP. Hồ Chí Minh… Nhưng mang ngẫu tượng yoni của văn hóa Champa để làm mẫu vật đúc gạt tàn thuốc bằng gốm bán cho du khách, như đã có người từng làm ở Quảng Nam, thì thật quá quắt!

Nhà thơ Nguyên Cẩn tâm sự, khi vào các di tích ở Thái Lan anh thấy bảng hiệu mang dòng chữ “Xin bỏ dép bên ngoài!” bằng tiếng Việt, mỗi lần nghĩ lại thấy thật xấu hổ và cảm giác bị xúc phạm. Nhưng anh cũng nói thêm rằng, chúng ta “xứng đáng bị xúc phạm”, bởi lẽ không phải vô cớ mà phía bạn “ưu ái” riêng tấm bảng bằng tiếng Việt để cảnh báo du khách Việt. Ở đây có hai lý do: một, du khách Việt chiếm số đông; hai, đa số du khách Việt vi phạm quy định này. Nếu sự cảnh báo đưa ra do quá nhiều vi phạm có tính lặp lại của du khách Việt, thì càng đáng xấu hổ vì vi phạm đó thuộc về ứng xử văn hóa.

Ngành VH-TT&DL Quảng Nam đang quảng bá cho “Năm phát triển sản phẩm du lịch” 2013. Hy vọng những sản phẩm du lịch được lựa chọn kỹ càng, có chủ ý, mang tính đại diện để gửi gắm vào đó thông điệp văn hóa và chuyển tải ít nhiều hình ảnh vùng đất, con người, giá trị di tích. Trong khi chúng ta chưa làm tốt khâu quảng bá hình ảnh, thì chí ít cũng không nên tự làm xấu đi như câu chuyện giỏ rác mang hình ảnh tượng thần của Hindu giáo hay gạt tàn thuốc phảng phất ngẫu tượng yoni…

KỲ SINH

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đại diện văn hóa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO