Tôi quen biết ông Phan Liêm, một người có gia đình ba đời đan thúng chai cho ngư dân đi biển. Ba đời là gần 100 năm. Một thế kỷ, chiếc thúng chai và biển cả đã gắn liền với gia đình ấy…
Ông Liêm đan thúng. Ảnh: Trương Điện Thắng |
Khi tôi còn làm việc trong ngành nông nghiệp, thủ trưởng của tôi là ông Phan Viết, chú ruột ông Liêm. Ông thấp người nhưng rất bền chí, thông minh và quyết đoán. Đi làm việc gì trong nam ngoài bắc ông đều gọi tôi đi, vì tôi phụ trách công tác kế hoạch của đơn vị. Nhờ đó, những lúc rỗi việc thường được nghe ông kể chuyện đời ông và quê ông trước khi tập kết ra Bắc.
Làng Hà Dừa bây giờ trở thành một khối phố thuộc phường Điện Ngọc với hơn 350 hộ dân, thuộc thị xã Điện Bàn, nhưng trước 1954 là một làng nghèo mênh mông cát trắng. Ông Phan Viết chỉ học đến trình độ… biết chữ rồi đi ở đợ cho các chủ ghe bầu dưới Hội An. Ông kể từ nhỏ đã biết theo cha đốn tre, đan thúng chai và làm ruộng. Năm 15 tuổi ông đã dong ruổi trên các thuyền buôn vào Nam chở gạo về miền Trung như nhiều thiếu niên khác ở làng. “Trên ghe bầu thường chở theo mấy chiếc thúng rái (hay còn gọi là thúng chai) phòng khi bất trắc. Thúng cũng dùng để di chuyển trong những đoạn sông nhỏ hay chuyển từ ghe lớn vào bờ… Nhưng nhớ nhứt là: “Nằm trên ghe đầy gạo mà nhịn đói, mà ăn khoai sắn qua bữa! Có khi ghe bầu dừng ở cửa biển chờ nước lên, lại tranh thủ thả thúng chai xuống câu con mực con cá lót lòng” - ông kể. Hết ở đợ, ông xin vào bộ đội rồi được tập kết ra Bắc, đi học chữ rồi được phân công vào ngành nông nghiệp cho đến ngày hòa bình trở về quê...
Chiếc thúng chai gắn liền với nghề biển. Ảnh: Phương Thảo |
Ở làng ông, thời 1945-1954, người lớn tuổi thì làm nông hoặc làm biển. Do vậy, ai cũng biết đan ghe nan, đan thúng chai đánh bắt cá ven bờ. Bận công việc thì thôi, còn rảnh ông lại nhớ đến ghe bầu thời ở đợ. Ông nói chiếc ghe ông đi dài khoảng 30 mét, trên bằng gỗ nhưng mê đáy đan bằng tre cây, trét cứt trâu và dầu rái nhiều lớp như chiếc thúng chai bây giờ. “Rứa đó, nhưng nhờ mấy cái buồm, có chiếc chở cả hai trăm tấn hàng lướt sóng qua tận Nam Vang, Tân Gia Ba và Thái Lan. Chiếc ghe bầu ông đi có lúc chở gạo nhưng có chuyến lại chở hàng trăm tĩn nước mắm về bán ở Đà Nẵng, Hội An… Những ngày khó khổ với biển khơi để lại cho ông di chứng của bệnh hen. Ông tâm sự: “Già rồi! Nằm đêm đã bắt đầu nghe mùi đất! Nên cái gì cũng sợ làm không xong việc!”.
Người con của đất Hà Dừa nghèo khó ấy vậy mà đã sống đến ngoài 80 tuổi. Cuối đời ông cũng kịp về quê lo làm nhà thờ, mồ mả tổ tiên…
Sau chiến tranh, đình làng Viêm Đông, phường Điện Ngọc bị tàn phá không còn dấu tích. Mãi đến năm 2017, các chư tộc trong làng ở 4 khối phố Viêm Minh, Viêm Đông, Hà Dừa, Giang Tắc đã họp thống nhất xây dựng lại đình trong khuôn viên Nhà bia tưởng niệm khu vực 3 cạnh hồ Vũng Đình, thuộc khối Viêm Minh với có diện tích hơn một mẫu ta. Kinh phí xây dựng hơn 1 tỷ đồng do con cháu các tộc họ và các doanh nghiệp ở địa phương đóng góp. Lần đó tôi được mời về dự do có quen biết với bà con tộc Trương ở đây. Tại đây, tôi gặp lại bà con ông Phan Viết ở Hà Dừa. Ông Phan Liêm, gọi ông Viết bằng chú ruột lúc đó đã ngoài 70 tuổi. Chúng tôi ôn lại những kỷ niệm về ông Viết, về làng quê, nhưng cuối cùng vẫn quay lại nghề đan thúng của vùng quê này và ông mời tôi về Thọ Quang…
Ông Phan Liêm tản cư ra sinh sống ở làng chài Thọ Quang, Đà Nẵng từ lúc chiến tranh. Tuy ở phố nhưng vẫn làm nghề đánh cá ven bờ và đan thúng chai được truyền lại từ ông nội và cha chú mình.
Một cái nghề tuy chỉ đủ ăn khi không còn đi biển nữa, nhưng cầm cái nan tre mới chẻ hay lúc lận thúng rồi quét dầu, nó nhắc mình những cơn sóng dập dềnh của biển. Ông Liêm kể phải cần đến 10 cây tre và 6 ngày công để đan xong một cái thúng cho ngư dân câu mực đến đặt hàng. Nếu kể cả quét phân trâu cho kín kẽ nan, quét mấy lượt dầu rái bên trong và bên ngoài rồi phơi nắng cho cứng cáp, cũng mất hơn chục ngày. Trung bình mỗi cái thúng chai bây giờ bán ra khoảng 4 triệu đồng, cũng sống được!
Nhưng đan thúng chai không phải đơn giản.Trước hết, phải tự mình đi mua tre hay thuê người chặt tre đan thúng, phải chọn loại tre mỡ già ở vùng đất cát, dọc các bờ sông càng tốt vì đặc ruột. Nan tre cật vót mỏng đều rồi đem phơi 4 đến 5 nắng. Khi đan mê thúng cũng phải chọn từng chiếc nan phù hợp để mê thúng đều khít mới bền đẹp được. Lận vành thúng là công việc nặng nhọc nhất vì phải dùng nhiều sức lực, kinh nghiệm và cái nhìn thẩm mỹ.
Ông Phan Liêm cho biết, nghề đan thúng chai ở Thọ Quang nay còn ít người làm tuy người đặt hàng đang tăng lên vì nhu cầu trang bị thúng chai cho các khu du lịch ven biển. Hiện nay ở Hội An, Phan Thiết, Tuy Hòa, Bình Định nghề này khấm khá hơn nhờ một số đơn đặt hàng để làm các tour du lịch sông nước, có nơi bán qua tận Thái Lan và châu Âu.
Không biết chiếc thúng chai xuất hiện từ bao giờ trong lịch sử Việt Nam? Có người nói đó là một sáng tạo của người Việt Đàng Trong từ khi chúa Nguyễn Hoàng vào mở đất. Có người nói nó xuất phát đầu tiên ở biển Quảng Nam và lan dần vào Nam Trung Bộ. Quan sát những chiếc thuyền nan hình bầu dục vùng Nghệ An, Hà Tĩnh thời chiến tranh với chiếc thúng chai ngày nay tôi nghĩ có thể đây là một sự biến dạng cho phù hợp với một vùng sông biển mới ở phương nam chăng? Tôi cũng cố đọc lại những công trình nghiên cứ liên quan đến lịch sử xứ Đàng Trong, từ Phan Khoang đến Li Tana, Cristophoro Borri, Nguyễn Duy Chính… vẫn chưa tìm thấy dấu vết chiếc thúng chai được ghi lại. Nhưng cái chất dầu rái, một sản vật đặc hữu ở rừng núi Quảng Nam đã được đặt tên cho chiếc thúng vẫn là một chỉ dấu quan trọng cho xuất xứ của loại phương tiện này! Và đúng vậy, khi tôi đọc bài “Biển trong ngôn ngữ và văn hóa Chăm” thì tìm thấy câu này: “Thuyền cũng có loại thuyền độc mộc mà Chăm gọi là pluk, và thuyền thúng (janưk patih)” (theo Inrasara). Thì đúng rồi, văn hóa biển và dầu rái của cư dân Chăm là nguồn cơn của những chiếc thúng chai ngày nay!
Nhưng chỉ riêng 50 năm làm nghề của ông Phan Liêm thôi, cứ bình quân mỗi tháng bán ra 4 chiếc, bình quân mỗi năm 50 chiếc, thì ông đã góp cho biển khơi, cho ngư dân đánh bắt xa bờ hàng ngàn chiếc thúng chai. Dấu tay ông và cả mồ hôi ông đã theo những chiếc tàu đánh cá đi không biết bao nhiêu dặm ở đại dương! Nếu tính cả ba đời đan thúng chai nhà ông thôi, nghĩa là gần 100 năm gắn bó với chiếc thúng chai, những con số ấy sẽ được nhân lên thêm mấy lần. Ít nhất đã có đến 1 vạn chiếc thúng đã ra khơi, ngày đêm bám biển và giữ biển. Ông Liêm nói chỉ nhận làm thúng cho ngư dân thôi, cứ lận một chiếc thúng là nghĩ tới biển xa. Nó nhỏ vậy, nhưng rất an toàn để có mặt ngoài khơi…
Bút ký TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG