Đại học Đà Nẵng tiên phong đào tạo các ngành công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI), robot, kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, đáp ứng nhu cầu đời sống và sản xuất hiện đại.
Robot thông minh hiện diện trong hầu hết dây chuyền sản xuất tiên tiến, trở thành ngành mũi nhọn tham gia mạng sản xuất và chuỗi cung ứng toàn cầu, đem lại nhiều giá trị gia tăng cao.
Để đáp ứng nhu cầu xã hội, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) đã chủ động gắn kết, hợp tác với nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước, trong đó có Tập đoàn ABB Robotics Việt Nam cùng thúc đẩy các ngành đào tạo công nghệ cao.
Ông Huỳnh Phong Phú - Giám đốc Ban Robot và tự động của Tập đoàn ABB Robotics Việt Nam cho biết, theo thỏa thuận hợp tác giữa hai bên, phía ABB sẽ tài trợ cho Trường Đại học Bách khoa trạm robot demo phục vụ việc giảng dạy, học tập và nghiên cứu; triển khai phần mềm ứng dụng mô phỏng robot studio (gồm máy chủ server và 100 máy con clien) để giúp sinh viên tăng thêm cơ hội thực hành và nghiên cứu khoa học.
ABB sẽ chọn cử các chuyên gia đồng hành với nhà trường hướng dẫn sinh viên thực hành, thí nghiệm; chia sẻ tri thức, công nghệ và kinh nghiệm thiết kế, chế tạo robot; đồng thời tài trợ học bổng và tiếp nhận sinh viên thực tập các ngành kỹ thuật có liên quan.
“ABB mong muốn đem lại cơ hội học tập và trải nghiệm tốt nhất cho sinh viên Trường Đại học Bách khoa, nhất là đối với các ngành chế tạo robot, điều khiển và tự động hóa, rút ngắn khoảng cách giữa lý thuyết với môi trường sản xuất hiện đại” - ông Phú chia sẻ.
Tập đoàn Fujikin, Nhật Bản, cũng vừa khai trương, đưa vào vận hành Trung tâm Nghiên cứu, phát triển và sản xuất Fujikin Đà Nẵng tại Khu công nghệ cao Đà Nẵng. Đây là dự án nằm trong khuôn khổ hợp tác giữa Tập đoàn Fujikin và Trường Đại học Bách khoa.
Cán bộ, giảng viên và sinh viên nhà trường sẽ có cơ hội hợp tác với chuyên gia, kỹ sư của Fujikin cùng ươm tạo, triển khai các dự án nghiên cứu, ứng dụng trong lĩnh vực công nghệ tiên tiến như sản xuất các thế hệ robot thông minh, thiết bị bay không người lái, ứng dụng AI..., từ đó tiếp tục phát triển thương mại hóa sản phẩm và công nghệ mới.
Đại diện Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng cho biết, với việc triển khai các chương trình đào tạo cử nhân tích hợp kỹ sư, hay đào tạo kỹ sư (gồm 180 tín chỉ, tương đương với thạc sĩ thực hành), các khoa đã tiên phong đưa chế tạo robot thông minh vào chương trình đào tạo ngành cơ điện tử (Khoa Cơ khí), ngành kỹ thuật điều khiển và tự động hóa (Khoa Điện).
Mùa tuyển sinh 2023, Trường Đại học Công nghệ thông tin và truyền thông Việt - Hàn (Đại học Đà Nẵng) sẽ tuyển sinh ngành đào tạo mới AI. Chương trình đào tạo kỹ sư ngành AI được cấu trúc theo hệ thống tín chỉ; thời gian đào tạo trong 4 - 5 năm, mỗi năm học gồm 2 học kỳ chính (từ tháng 9 đến tháng 6 năm sau) và học kỳ hè (tháng 7 đến tháng 8).
Theo lộ trình thiết kế, sinh viên được học các học phần thuộc khối kiến thức cơ bản và cơ sở ngành từ học kỳ 1 đến học kỳ 4; thực tập doanh nghiệp, các kiến thức cơ sở chuyên ngành và chuyên ngành được học từ học kỳ 5 đến học kỳ 8; học kỳ 9 sinh viên sẽ tham gia kỳ thực tập tốt nghiệp và làm đồ án tốt nghiệp.
Trong năm 2023, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng) dự kiến tuyển 1.500 chỉ tiêu cho 18 ngành đào tạo, trong đó dự kiến có 2 ngành mới là công nghệ kỹ thuật hóa học và ngành robot và AI.
“Đây là các ngành học về công nghệ cao đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội khi nhu cầu nguồn nhân lực của các ngành này dự báo sẽ tăng cao trong những năm tới” - PGS-TS. Phan Cao Thọ - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật cho biết.