Chương trình đại học không giảng đường do Trung tâm Hành động vì sự phát triển đô thị thực hiện với sự tài trợ của cơ quan viện trợ Ailen tại Trường Đại học Phan Châu Trinh đã khép lại vào mùa hè vừa rồi. Tuy nhiên, những dự án do chương trình đem lại vẫn được tiếp tục và hỗ trợ rất nhiều cho các bạn sinh viên cũng như cộng đồng…
Sinh viên chương trình đại học không giảng đường làm việc theo nhóm. (Ảnh do Chương trình đại học không giảng đường cung cấp) |
Học từ cộng đồng
Trong thời gian diễn ra chương trình đại học không giảng đường, sinh viên đến từ các trường Đại học Phan Châu Trinh, Kiến trúc Đà Nẵng, Sư phạm và Cao đẳng Công nghệ (Đại học Đà Nẵng) đã tham gia khóa học mà giảng đường là cuộc sống đang diễn ra ở TP.Hội An. Những người thực hiện mong muốn góp phần nâng cao năng lực cho sinh viên các trường đại học ở miền Trung thông qua quá trình làm việc trực tiếp trong các dự án phát triển cộng đồng. Nói cách khác, đại học không giảng đường là học từ cộng đồng để phục vụ cộng đồng.
Chương trình nhấn mạnh vào trải nghiệm thực tế của sinh viên trong các dự án phục vụ cộng đồng, qua đó sinh viên vừa học vừa làm, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân TP.Hội An, đồng thời trang bị những kỹ năng cần thiết cho bản thân. Bà Đặng Hương Giang - Giám đốc Trung tâm Hành động vì sự phát triển đô thị cho biết: “Đại học không giảng đường là một thử nghiệm nhằm tìm cách đổi mới giáo dục đại học. Mục tiêu cuối cùng của chương trình là sẽ biến các trường đại học trở thành trung tâm tư vấn cho thành phố về vấn đề phát triển”. Một cán bộ của Trường Đại học Phan Châu Trinh chia sẻ, chương trình trao cho sinh viên cơ hội được tiếp xúc với nhiều ngành học, nhiều cộng đồng dân cư khác nhau để cùng chung tay làm việc. Sau chương trình này, Trường Đại học Phan Châu Trinh sẽ tiếp tục có những kế hoạch để đưa sinh viên tham gia nhiều hơn vào các hoạt động cộng đồng nhằm góp phần phát triển đô thị Hội An một cách bền vững.
Sau khi tham gia chương trình, nhóm sinh viên Trường Đại học Phan Châu Trinh cùng các bạn thanh niên xã Cẩm Thanh dự khóa tập huấn về nông nghiệp hữu cơ do Trung tâm Hành động vì sự phát triển đô thị tổ chức. Cô Khiếu Thị Hoài - cán bộ Trường Đại học Phan Châu Trinh cho biết, sau tập huấn, nhóm sinh viên đã thực hiện kế hoạch khảo sát thị trường rau hữu cơ tại Hội An, như khảo sát về người trồng, người bán và người tiêu thụ rau. Chưa hết, họ còn tổ chức tour xe đạp miễn phí hướng dẫn du khách đến thăm làng rau hữu cơ Thanh Đông (xã Cẩm Thanh). Đây là tour du lịch cộng đồng giúp người dân địa phương vừa sản xuất rau an toàn giữ môi trường sinh thái vừa giúp họ có thêm thu nhập.
Trải nghiệm và làm chủ
Cuối tháng 10 vừa qua, tại Trường Đại học Phan Châu Trinh cũng đã diễn ra chương trình Festival Sinh viên do Trung tâm Hành động vì sự phát triển đô thị phối hợp với Trung tâm Sống, học tập vì môi trường và cộng đồng tổ chức. Đây là dịp để các nhóm sinh viên thuộc chương trình đại học không giảng đường giao lưu, chia sẻ những ý tưởng dự án đã và đang thực hiện, đồng thời mở ra cơ hội hợp tác để thực hiện nhiều dự án khác trong tương lai. Tại đây, 150 sinh viên đến từ các trường đại học, cao đẳng và nhóm thanh viên xã Cẩm Thanh đã chia sẻ nhiều ý tưởng dự án, về nhiều lĩnh vực, từ bảo vệ môi trường, phát triển kỹ năng, giáo dục giới tính. Đáng chú ý, hoạt động nội bộ của nhóm sinh viên đại học không giảng đường là nhiều phần thi sôi nổi và “rất sinh viên” như: làm tượng người để giới thiệu về dự án, trình bày các khó khăn của dự án thông qua các bài hát, vở kịch.
Tham gia chương trình, sinh viên được trang bị các kiến thức và kỹ năng quan trọng để thực hiện các dự án tại cộng đồng dân cư. Với nguyên tắc cùng làm việc, trải nghiệm và làm chủ, sinh viên chủ động tìm hiểu cách thức làm việc với cộng đồng, phương pháp nghiên cứu... Chẳng hạn, các bạn làm việc theo nhóm để thu thập thông tin trong các dự án của Trung tâm Hành động vì đô thị tại Hội An gồm: vườn rau Thanh Đông, sân chơi Thanh Tam Tây và khu xử lý nước thải theo công nghệ Dewats tại Trường Tiểu học Cẩm Thanh thông qua việc gặp gỡ với nhiều nhóm cộng đồng như nông dân, thợ thi công, kiến trúc sư, lãnh đạo địa phương… Bạn Dương Thị Hiền - sinh viên Trường Cao đẳng Công nghệ (Đại học Đà Nẵng) cho biết, sau thời gian tham gia chương trình đại học không giảng đường, giờ bạn đã quen với môi trường học mới, cách làm việc mới. Nhờ chương trình mà từ một người rụt rè, Hiền đã trở nên dạn dĩ trước đám đông. Còn bạn Tống Nguyễn Hoàng Sơn - sinh viên Trường Đại học Phan Châu Trinh chia sẻ sau khi đi thực tế: “Tôi cảm thấy vui nhất là người dân Hội An rất vui vẻ và hiếu khách. Tham gia chương trình đại học không giảng đường, tôi đã học được rất nhiều thứ, được trải nghiệm, chia sẻ và học hỏi rất nhiều điều để phát triển và hoàn thiện bản thân hơn…”.
CHÂU NỮ