Ngày 27.1, tại Hội An diễn ra lễ tổng kết chương trình “Đại học không giảng đường khóa mùa đông - 2015” đã thu hút 27 sinh viên đến từ 6 trường đại học khu vực miền Trung tham gia.
Chương trình “Đại học không giảng đường” được Đại sứ quán Cộng hòa Ai-len viện trợ, do Trung tâm Hành động vì sự phát triển đô thị phối hợp với Trường Đại học Phan Châu Trinh được thiết kế dựa trên ba nguyên tắc: sinh viên học qua thực tế, sinh viên học và làm việc theo cách tiếp cận đa ngành, đa chiều và nguyên tắc quan trọng nhất là sinh viên làm chủ quá trình học tập của mình.
Trong 10 ngày tham gia chương trình Đại học không giảng đường khóa mùa đông, các sinh viên được chia thành hai nhóm: nhóm thi công và nhóm dự án. Nhóm sinh viên dự án được đào tạo cách xây dựng và viết các dự án nhỏ; nhóm sinh viên thi công tiến hành song song các công việc thực tiễn ngay tại “giảng đường lớn” là các địa phương, các công trình công cộng phục vụ cộng đồng tại Hội An.
Sinh viên khóa học mùa đông của chương trình cải tạo sân chơi cho trẻ em tại TP.Hội An. Ảnh: K.T.H |
Trong lễ tổng kết, các sinh viên đã trình bày 6 dự án khả thi sẽ tiếp tục được thực hiện sau chương trình như Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng với dự án “Xây dựng sân chơi phường Hòa Khánh Bắc, Đà Nẵng”; Đại học Khoa học Huế với dự án “Xây dựng sân chơi trẻ em tại phường Kim Long, Huế”; Đại học Phan Châu Trinh với dự án “Không gian đọc Hội An vì màu xanh”; Đại học Nha Trang “Xây dựng sân chơi trẻ em tại phường Vĩnh Thọ, Nha Trang”; Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng kết hợp với Cao đẳng Công nghệ - Đại học Đà Nẵng “Xây dựng sân chơi trẻ em tại thôn 4, xã Hiệp Hòa, huyện Hiệp Đức, Quảng Nam” và dự án “Nâng cao nhận thức học sinh tiểu học và THCS nhằm bảo vệ nguồn nước mặt ở rừng dừa Bảy Mẫu, xã Cẩm Thanh, TP.Hội An”. Đây là những dự án phục vụ cộng đồng cư dân, như lời tri ân của các sinh viên với quê nhà.
Lễ tổng kết được tổ chức ngay tại sân chơi giá rẻ nằm trong khuôn viên Nhà văn hóa thôn Thanh Tam Đông, xã Cẩm Thanh - công trình là một trong những kết quả do nhóm 15 sinh viên của các Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng, Đại học Khoa học Huế và Đại học Nha Trang thực hiện và hoàn thành trong thời gian 4 ngày. Trong quá trình thực hiện dự án sân chơi này, ban đầu nhóm sinh viên gặp một số trở ngại do thiếu kinh nghiệm và dụng cụ lao động, tuy nhiên nhóm đã nhận được sự ủng hộ rất lớn từ cộng đồng thôn Thanh Tam Đông. Một số thanh niên thôn đã tham gia, hỗ trợ nhóm về dụng cụ cũng như đóng góp sức lao động. Trưởng thôn và người dân trong vùng cũng đã có nhiều ý kiến đóng góp để bù đắp những thiếu sót về mặt kinh nghiệm của các bạn sinh viên trẻ trong khi thi công. Trưởng thôn Thanh Tam Đông chia sẻ: “Thật đáng quý khi các cháu sinh viên ở các tỉnh khác đến xây dựng sân chơi cho trẻ em trong thôn. Chúng tôi rất vui!”.
Bà Đặng Hương Giang - Giám đốc Trung tâm Hành động vì sự phát triển đô thị cho biết: “Trong 10 ngày của tháng 1.2015, số 27 sinh viên đến từ các trường đại học trong khu vực miền Trung đã tham gia khóa học mà giảng đường là cuộc sống đang diễn ra ở TP.Hội An. Chương trình nhấn mạnh vào trải nghiệm thực tế của sinh viên trong các dự án phục vụ cộng đồng, qua đó sinh viên vừa học vừa mang lại lợi ích thiết thực cho cư dân địa phương”. Ngoài việc hoàn thiện sân chơi giá rẻ tại thôn Thanh Tam Đông, xã Cẩm Thanh, bảo trì hai sân chơi và góp phần làm đẹp hai công viên của TP.Hội An (những công trình công cộng phục vụ cộng đồng ở Hội An do Trung tâm Hành động vì sự phát triển đô thị hỗ trợ xây dựng trước đây), những dự án khả thi vì cộng đồng sẽ tiếp tục được các bạn sinh viên thực hiện ngay sau khóa học.
Nhà văn Nguyên Ngọc - Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Đại học Phan Châu Trinh chia sẻ: “Đại học Phan Châu Trinh rất vinh dự khi được phối hợp với Trung tâm Hành động vì sự phát triển đô thị triển khai chương trình “Đại học không giảng đường” với vai trò “chủ nhà” ở khóa mùa hè vào tháng 8.2014 và khóa mùa đông tháng 1.2015. Chương trình đã giúp các sinh viên ở những chuyên ngành khác nhau, đến từ các trường đại học khác nhau, sử dụng chính kiến thức học trong nhà trường để giải quyết những vấn đề cụ thể của thực tế cuộc sống. Tinh thần này của chương trình là một gợi ý cho việc giáo dục của Trường Đại học Phan Châu Trinh nói riêng và việc giáo dục trong các trường đại học nói chung”.
KHIẾU THỊ HOÀI