Hôm nay 28.8, huyện Phước Sơn tổ chức Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ II, năm 2014. Cùng với công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào bản địa, đại hội tiếp tục hướng đến mục tiêu chăm lo đời sống đồng bào miền núi, vùng dân tộc thiểu số.
Đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Phước Sơn dần khởi sắc nhờ các chương trình đầu tư khá đồng bộ. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC |
Tập trung giảm nghèo
Là địa phương có nhiều thành phần dân tộc sinh sống, Phước Sơn đã tạo nên thế mạnh từ công tác gắn kết cộng đồng để phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững. Qua 5 năm, kể từ sau Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số huyện Phước Sơn lần thứ I - năm 2009, đời sống đồng bào bản địa đã có những bước khởi sắc. Nhiều nhân tố điển hình trong công cuộc đổi mới, giúp nhau phát triển sản xuất, xây dựng đời sống ấm no, hạnh phúc. Tiêu biểu như: Hoàng Thị Chung (thôn 5, xã Phước Đức); Hồ Văn Dem (thôn 3, xã Phước Chánh), A Bốt (thôn Lao Mưng, xã Phước Xuân)… mạnh dạn vay vốn, đầu tư phát triển kinh tế vườn, mô hình trang trại với thu nhập bình quân mỗi năm lên đến hàng trăm triệu đồng.
Qua 5 năm thực hiện quyết tâm thư Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số huyện Phước Sơn lần thứ I - năm 2009, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân mỗi năm đạt 7 - 8%; giá trị sản xuất nông - lâm nghiệp tăng 4 - 5%; thu nhập bình quân đầu người đạt 7,5 triệu đồng/năm. Đến nay, Phước Sơn đã có 128 thanh niên người dân tộc thiểu số đi xuất khẩu lao động ở các nước Malaysia, Hàn Quốc; từ các nguồn hỗ trợ của Chương trình 134, Chương trình 135 và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo. Huyện Phước Sơn đã đầu tư hơn 32 tỷ đồng xây dựng các công trình phúc lợi; hỗ trợ xây dựng nhà ở cho gần 1.000 đối tượng chính sách, người nghèo với tổng kinh phí hơn 29 tỷ đồng. Phước Sơn phấn đấu đến năm 2020 có 100% số hộ ổn định chỗ ở và sản xuất; 100% số hộ được dùng điện, nước sinh hoạt hợp vệ sinh; hoàn thành các tuyến giao thông đến xã vùng cao. |
Theo ông Phạm Thế Quyền - Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn, lồng ghép cùng các chương trình mục tiêu quốc gia là những mô hình, kinh nghiệm trong phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo được địa phương triển khai thực hiện. Trong đó, tập trung khai hoang, cải tạo đồng ruộng, mở rộng diện tích trồng lúa nước cũng như tạo công ăn việc làm, hạn chế tình trạng đốt nương làm rẫy trong phương thức sản xuất lạc hậu của đồng bào bản địa. “Cùng với chính sách đầu tư đồng bộ của Chính phủ, sự nỗ lực của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện đã đem lại nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa - giáo dục, an ninh - quốc phòng. Trong đó, kinh tế tiếp tục đạt mức tăng trưởng với tốc độ 8%, thu nhập bình quân đầu người đạt 7,5 triệu đồng/năm, đời sống tinh thần, vật chất của đồng bào dân tộc thiểu số từng bước được nâng lên rõ rệt” - ông Quyền cho hay.
Trong quyết tâm thư của đại hội lần này, những mục tiêu quan trọng được đề cập như tập trung thúc đẩy phát triển sản xuất, tạo cơ hội việc làm, từng bước nâng cao đời sống, xây dựng các tiêu chí giảm nghèo bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số... Đây là nền tảng tạo sự đồng thuận để Phước Sơn tiếp tục củng cố và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, từng bước thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi, góp phần nâng cao đời sống cho đồng bào các dân tộc. Vượt qua nghèo khó, đồng bào các dân tộc huyện Phước Sơn tiếp tục tin tưởng và kỳ vọng vào các chủ trương, đường lối đúng đắn, cũng như chính sách hỗ trợ phù hợp của Đảng và Nhà nước cho đồng bào miền núi; góp phần tạo nên thế mạnh để địa phương tập trung thoát nghèo, xây dựng đời sống văn hóa.
Phát huy truyền thống
Những ai có mặt tại Lễ hội văn hóa - thể thao các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam lần thứ XVIII vừa tổ chức tại Bắc Trà My đều ấn tượng sự độc đáo và đa dạng trong văn hóa truyền thống của đồng bào Bh’noong (huyện Phước Sơn).
Tái hiện lễ cưới đồng bào Bh’noong tại Lễ hội VH-TT các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam lần thứ XVIII. |
Trong đó, nổi bật là việc tái hiện không gian lễ cưới của người Bh’noong với các nghi thức, nghi lễ truyền thống. Đó là tập tục trao 100 bó “củi hứa hôn” của nhà gái cho nhà trai; hay nghi thức bôi máu gà sống cho cặp vợ chồng trẻ trong ngày cưới, hàm ý lời thề nguyền không rời xa nhau. Chính sự đa dạng, độc đáo trong cách thể hiện của các chàng trai, cô gái Bh’noong đã tạo nên sự khác biệt, để lại nhiều dấu ấn trong lòng du khách.
Với đồng bào Bh’noong ở Phước Sơn, ông Hồ Văn Điều - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy là “pho sử sống” trong công tác bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống. Năm 2006, khi UBND huyện Phước Sơn phối hợp với Viện Ngôn ngữ học Việt Nam, Ban Dân tộc tỉnh và các ngành liên quan xây dựng đề án chữ viết tiếng Bh’noong, ông Điều trở thành một trong những người đóng góp rất lớn cho quá trình nghiên cứu và xây dựng đề án. Bây giờ, đều đặn mỗi ngày, khi Đài Truyền thanh - truyền hình huyện Phước Sơn phát các bản tin bằng chính tiếng Bh’noong, ông Điều cũng đều lắng nghe, góp ý để hoàn thiện. Có lần, ngồi trò chuyện, ông bảo: “Tiếng nói chính là văn hóa của đồng bào. Phải giữ tiếng nói thật đúng, thật chuẩn khi đó văn hóa mới thật sự được bảo tồn”. |
Theo ông Nguyễn Thế Thọ - Phó Trưởng phòng VH-TT huyện Phước Sơn, cùng với các hoạt động, phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở” tiếp tục được duy trì và phát triển, những năm qua các cấp, ngành huyện Phước Sơn còn chú trọng đến đời sống tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số. Nhờ đó, các tập tục lạc hậu dần được xóa bỏ, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào bản địa tiếp tục được quan tâm, tạo những chuyển biến tích cực trong nhận thức của người dân thông qua các lễ hội truyền thống, các hoạt động văn hóa - xã hội, xây dựng thôn bản văn hóa... Ông Nguyễn Thế Thọ cho biết: “Kết quả đạt được trong công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc huyện Phước Sơn đã tạo thêm sức mạnh, khẳng định tinh thần đoàn kết cộng đồng, từng bước xây dựng thôn bản văn hóa gắn với chương trình mục tiêu nông thôn mới. Đến nay, huyện Phước Sơn đã hoàn thành đề án khôi phục tên thôn theo truyền thống; xây dựng 100% nhà làng truyền thống, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương”.
ALĂNG NGƯỚC