(QNO) - Hôm nay 17.3, Đại hội đại biểu Phụ nữ xã Đại Phong (Đại Lộc) lần thứ XIII (nhiệm kỳ 2021 - 2026) tiến hành phiên chính thức với sự tham dự của 119 đại biểu. Đây là địa phương được Hội LHPN huyện chọn tổ chức đại hội điểm. Lãnh đạo Hội LHPN tỉnh Quảng Nam đến dự.
Theo báo cáo tại đại hội, nhiệm kỳ 2016 - 2021, phụ nữ xã Đại Phong tích cực học tập nâng cao năng lực, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào công tác, sản xuất, kinh doanh, góp phần cùng với xã đưa tổng giá trị sản xuất tăng bình quân 18,7%/năm. Nhiều mô hình sản xuất được duy trì và phát triển, nâng tỷ lệ lao động nữ làm việc trong các lĩnh vực ngày càng cao và xây dựng thương hiệu trên thị trường như làm bánh tráng, bún, mỳ, làm hương, chổi đót, chổi vải, thảm chùi chân, đũa, may mặc, sản xuất gạch tuynel.
Trong phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” và các cuộc vận động “Rèn luyện phẩm chất đạo đức: tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”, “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, cán bộ, hội viên, phụ nữ xã Đại Phong có nhiều cách làm sáng tạo. Điển hình như triển khai mô hình “Trồng hoa thay cỏ”, xây dựng “Hố rác hữu cơ”, qua đó mỗi năm giúp thêm ít nhất 2 hộ gia đình đạt tiêu chí “5 không, 3 sạch”.
Hưởng ứng chủ trương xóa đói giảm nghèo, Hội LHPN xã Đại Phong tập trung ưu tiên hỗ trợ bằng nhiều cách, như phối hợp hỗ trợ vay vốn cho 162 lượt chị, trao tặng sinh kế (bò, heo, gà, vịt)... Ngoài đăng ký giúp 10 hội viên thoát nghèo bền vững, hội phân công mỗi chi hội đăng ký giúp hộ phụ nữ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn. Vận động giúp đỡ sinh kế cho 5 hội viên; tiếp tục duy trì tổ hợp tác trồng rau sạch và mô hình làm chổi đót, chổi vải, thảm chùi chân… Nhờ vậy, nhiệm kỳ qua có 12 gia đình do phụ nữ làm chủ hộ đã thoát nghèo, vượt chỉ tiêu đề ra.
Nhiệm kỳ 2021 - 2026, Hội LHPN xã Đại Phong phấn đấu 100% hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ được hội giúp đỡ đủ điều kiện thoát nghèo; hằng năm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho 10 - 15% hộ kinh doanh do phụ nữ làm chủ hộ. Đến cuối nhiệm kỳ có ít nhất 1 mô hình tập hợp phụ nữ đặc thù, khó tập hợp ở địa phương (nữ thanh niên, phụ nữ cao tuổi, phụ nữ đi làm ăn xa, phụ nữ tiểu thương, phụ nữ tôn giáo)...