Cách đây vừa tròn 55 năm vào tháng 1.1960, bên dòng sông A Vương, diễn ra Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng lần thứ IV. Đây là đại hội đầu tiên trong chống Mỹ, mốc son đánh dấu sự chuyển biến của phong trào cách mạng ở địa phương theo tinh thần Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II).
Đại biểu tham dự Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng lần thứ IV tại thôn Adhur, bên dòng sông A Vương, huyện Bến Hiên (nay thuộc xã Arooih, huyện Đông Giang). Ảnh tư liệu |
Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II) ra đời đã khẳng định: “Con đường phát triển cơ bản của cách mạng Việt Nam ở miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân. Theo tình hình cụ thể và yêu cầu hiện nay của cách mạng, thì con đường đó là lấy sức mạnh của quần chúng, dựa vào lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu, kết hợp lực lượng vũ trang để đánh đổ quyền thống trị của đế quốc và phong kiến dựng lên chính quyền cách mạng của nhân dân...”. Có thể nói sự ra đời của Nghị quyết 15 có ý nghĩa hết sức to lớn đối với cách mạng miền Nam, là yếu tố quan trọng dẫn đến thắng lợi của công cuộc chống Mỹ của nhân dân ta.
Nhằm đưa phong trào cách mạng trên toàn tỉnh bước vào giai đoạn mới, tháng 6.1959, tại thôn Bà Ghì (huyện Bến Giằng), Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng tổ chức hội nghị mở rộng để truyền đạt nội dung Nghị quyết 15. Tiếp đến, tháng 1.1960 tại thôn Adhur, bên dòng sông A Vương, huyện Bến Hiên (nay thuộc xã Arooih, huyện Đông Giang), Đảng bộ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ IV. Tham dự đại hội có 50 đại biểu chính thức và 20 đại biểu dự thính. Đại hội tiến hành trong 15 ngày với các nội dung nghiên cứu Nghị quyết 15, kiểm điểm, đánh giá các mặt công tác của Đảng bộ tỉnh từ sau khi thi hành Hiệp định Genève, đề ra phương hướng nhiệm vụ theo chủ trương mới của Đảng, học Lịch sử Đảng Lao động Việt Nam.
Những ngày diễn ra Đại hội Đảng bộ tỉnh, không khí ở thôn Adhur sôi động hẳn lên. Đây là lần đầu tiên sau Hiệp định Genève, Bến Hiên được tiếp đón cùng lúc nhiều đồng chí lãnh đạo đại diện Liên khu ủy, Tỉnh ủy, các cán bộ chủ chốt của các địa phương trong tỉnh.
Trên cơ sở tổng kết, đánh giá tình hình phong trào cách mạng trong tỉnh từ sau ngày hòa bình lập lại đến hết năm 1959 và nhận định tình hình địch - ta, theo phương hướng Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II), đại hội đã đề ra phương hướng hoạt động cho cả Đảng bộ tỉnh. Phương hướng chung đó là: phải tạo mọi điều kiện để tiến công hạ uy thế địch, khôi phục phát huy uy thế quần chúng, mở rộng và phát triển lực lượng cách mạng ở đồng bằng; ra sức xây dựng miền núi vững mạnh về mọi mặt làm căn cứ địa cho phong trào cách mạng trong tỉnh. Nhiệm vụ cách mạng ở đồng bằng, vừa tuyên truyền đường lối chủ trương của Đảng, vừa móc nối xây dựng lại cơ sở đảng, rút thanh niên xây dựng lực lượng vũ trang. Phương châm hoạt động là đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang.
Về công tác xây dựng Đảng, đại hội nhận thấy việc khôi phục tổ chức đảng, phát triển đảng viên còn chậm. Số lượng cơ sở rất ít và không đều, nhiều vùng rộng lớn chưa có cơ sở. Trước tình hình đó, đại hội xác định công tác xây dựng Đảng là nhiệm vụ hàng đầu trong thời gian tới, phải kiên trì, thận trọng trong việc phát triển cơ sở, cũng như phát triển đảng viên mới, ra sức kiện toàn lại bộ máy đảng từ tỉnh đến cơ sở để đủ sức lãnh đạo phong trào.
Đại hội bầu Ban Chấp hành gồm 19 người, đồng chí Trương Chí Cương (Trương Kiểm, Tư Thuận) được Liên khu ủy 5 chỉ định làm Bí thư Tỉnh ủy; đồng chí Phạm Tứ (Mười Khôi) được bầu làm Phó Bí thư. Đây là đại hội có ý nghĩa trọng đại đối với sự phát triển của phong trào cách mạng trong tỉnh, đánh dấu bước phát triển mới về phương thức hoạt động: kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang và nổi dậy giành chính quyền làm chủ của quần chúng.
Sau đại hội, Tỉnh ủy thành lập các ban Quân sự, Kinh tế, Tuyên huấn, Binh vận. Ban Cán sự cánh Bắc, cánh Trung và miền Tây được giải thể, Tỉnh ủy trực tiếp lãnh đạo các huyện. Ban Chấp hành Đảng bộ các huyện Tam Kỳ, Quế Sơn, Duy Xuyên, Đại Lộc, Điện Bàn, Hòa Vang được thành lập lại. Từ đó, lực lượng cách mạng trong tỉnh phát triển lên một bước mới. Các đội công tác các xã, liên xã được thành lập, trong đó có cán bộ vũ trang làm nòng cốt để tuyên truyền đường lối của Đảng, phát động tinh thần đấu tranh của nhân dân và xây dựng cơ sở. Trên địa bàn toàn tỉnh đã dấy lên nhiều hoạt động đấu tranh chính trị và quân sự, đánh dấu bước phát triển mới theo tinh thần Nghị quyết 15. Tiêu biểu là cuộc khởi nghĩa làng Ông Tía ở huyện Phước Sơn ngày 13.3.1960. Cuộc khởi nghĩa làng Ông Tía đã chứng minh tính đúng đắn của Nghị quyết 15. Cuộc khởi nghĩa gây tiếng vang lớn trong nhân dân, củng cố lòng tin vào đường lối của Đảng và động viên tinh thần tiến công địch của cán bộ, nhân dân trong đảng bộ. Rồi những chiến thắng Gợp (huyện Đông Giang), Ga Lâu, A Tép (Tây Giang) vào trung tuần tháng 10.1960, giải phóng Tứ Mỹ, Kỳ Sanh vào tháng 8.1962, giải phóng Sơn - Cẩm - Hà (Tiên Phước) tháng 9.1962… từng bước đánh bại chiến lược chiến tranh đặc biệt của đế quốc Mỹ.
Như vậy, sau khi Nghị quyết 15 ra đời và đặc biệt sau Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng lần thứ IV, phong trào cách mạng trong tỉnh có bước chuyển biến quan trọng: từ thế bị động đối phó, chuyển sang thế tiến công địch, từng bước tiến lên đồng khởi giành chính quyền. Cho đến nay, các tài liệu để lại, đều cho rằng Đại hội Đảng bộ tỉnh diễn ra vào tháng 1.1960, nhưng không rõ vào ngày nào. Theo bản tự thuật của đồng chí Nguyễn Văn Sinh, được bầu vào Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại đại hội năm đó, ghi thời điểm diễn ra Đại hội vào ngày 24.1.1960. Đây là được xem là một cứ liệu quan trọng để xác định thời gian của đại hội quan trọng này.
Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, qua bao thăng trầm, dòng sông A Vương vẫn cuồn cuộn chảy như một minh chứng cho sự vận động không ngừng, sức mạnh trường tồn của phong trào cách mạng Quảng Nam.
(Tài liệu tham khảo: Lịch sử Đảng bộ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (1930 - 1975), Lịch sử Đảng bộ huyện Đông Giang (1945 - 2010)
LÊ BẢO NGỌC