Đại hội Hội từ thiện tỉnh lần thứ IV: Cầu nối nhân ái

VINH ANH 19/05/2017 08:29

Vượt qua những khó khăn về con người, chế độ chính sách, phương tiện đi lại…, các cấp hội từ thiện trong tỉnh không ngừng nỗ lực làm tốt vai trò cầu nối nhân ái, gắn kết cộng đồng.

Điểm sáng cơ sở

Ở một xã miền núi khó khăn như Đại Hồng (Đại Lộc), ít ai biết rằng chỉ trong vòng 5 năm (2011 - 2016), Hội Từ thiện xã đã vận động được trên 8 tỷ đồng cho hoạt động từ thiện, nhân đạo. Hằng năm, thông qua nguồn kinh phí vận động, Hội Từ thiện xã giúp đỡ, hỗ trợ gần 350 người tàn tật, già cả neo đơn không nơi nương tựa, trẻ mồ côi... trên toàn xã. Có được kết quả ấy bên cạnh sự nhiệt tình, năng nổ của cán bộ hội thì sự quan tâm, tạo điều kiện về tinh thần, vật chất từ các cấp chính quyền đã giúp hội phát huy hiệu quả hoạt động. Đặc biệt là sự quan tâm, củng cố, kiện toàn tổ chức hội với 10/10 thôn có chi hội từ thiện. Bà Lê Thị A - Chủ tịch Hội Từ thiện xã Đại Hồng chia sẻ: “Nếu không có trách nhiệm, không có tinh thần nhiệt huyết thì với mức phụ cấp cho chủ tịch hội là 1,2 triệu đồng và phó chủ tịch chỉ là 960 ngàn đồng thì có khi không đủ đổ xăng; còn cán bộ chi hội ở thôn thì không có chế độ đãi ngộ gì. Nhưng không vì thế mà nản lòng, chúng tôi luôn trăn trở, tìm mọi cách để kêu gọi, vận động các nguồn lực để giúp đỡ cho những hoàn cảnh éo le, những phận đời nghiệt ngã”.

Chương trình trao xe lăn, xe lắc do Hội Từ thiện tỉnh thực hiện đã mang đến niềm vui cho nhiều người tàn tật. Ảnh: VINH ANH
Chương trình trao xe lăn, xe lắc do Hội Từ thiện tỉnh thực hiện đã mang đến niềm vui cho nhiều người tàn tật. Ảnh: VINH ANH

Được UBND huyện bố trí văn phòng làm việc và đầu tư một số trang thiết bị cần thiết phục vụ cho hoạt động như máy vi tính nối mạng, máy ảnh, máy scan… Hội Từ thiện huyện Thăng Bình đã tiếp cận được với các tổ chức, hội thiện nguyện trong việc vận động viện trợ hay kêu gọi cứu giúp hiệu quả kịp thời cho những trường hợp không may trên địa bàn. Trong 3 nhóm chương trình được hội tập trung thì chương trình hỗ trợ về giáo dục mang lại hiệu quả thiết thực nhất cho cộng đồng, xã hội. Theo Hội Từ thiện huyện, thông qua các nguồn tài trợ, đến nay hội đã làm cầu nối triển khai xây dựng 23 phòng học mẫu giáo, 2 phòng giáo dục âm nhạc, 4 bếp ăn, nhiều đồ dùng dạy học và trang thiết bị phục vụ cho việc dạy và học cho các trường mẫu giáo. Ngoài việc xây dựng cơ sở vật chất, trường lớp, tặng xe đạp, dụng cụ học tập… Hội còn tiếp nhận nhiều chương trình học bổng tiếp sức cho học sinh, sinh viên nghèo. Đồng thời phân phối nguồn gạo cháo dinh dưỡng do tổ chức Trẻ em Việt Nam (COV) tài trợ cho 21 trường mẫu giáo trên địa bàn huyện nhằm hạn chế việc suy dinh dưỡng ở trẻ nhỏ.

Bài học vận động viện trợ

Vận động hơn 131 tỷ đồng cho công tác từ thiện
Nhiệm kỳ qua, Hội Từ thiện tỉnh thực hiện 10 chương trình từ thiện, nhân đạo, với tổng giá trị hàng hóa vận động quy ra tiền 131,2 tỷ đồng (vượt hơn 70 tỷ đồng so với chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ 2012-2017 đề ra). Từ nguồn vận động nhân đạo, trong nhiệm kỳ, Hội Từ thiện các cấp đã bảo trợ học bổng thường xuyên cho 515 học sinh, sinh viên; khám, cấp phát thuốc cho hơn 17 ngàn người; xây dựng, sửa chữa hơn 200 nhà tình thương cho các người nghèo, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; trao tặng 5.660 xe lăn, 202 xe lắc tay và hàng ngàn suất quà tết…

Hội Từ thiện tỉnh là một trong những tổ chức làm tốt vai trò cầu nối trong công tác tiếp nhận, vận động viện trợ từ các tổ chức phi chính phủ nước ngoài. Đến nay, hội có quan hệ hợp tác trên lĩnh vực nhân đạo, từ thiện với 10 tổ chức phi chính phủ nước ngoài như: tổ chức Trẻ em Việt Nam (COV), Siloam Anh, Trả lại tuổi thơ, Hội Huynh Đệ Âu Á, Fondation France Libertés, Hội thánh Tin lành trưởng lão, Fondation Aigo và tổ chức Orphan Voice... Trong đó có những tổ chức đã gắn bó, đồng hành với hội trong gần 15 năm, như tổ chức COV. Ông Võ Hồng Phúc - Phó Chủ tịch Hội Từ thiện tỉnh cho biết, trong một lần tham gia lớp tập huấn viện trợ phi chính phủ, ông may mắn biết đến tổ chức COV với những chương trình giúp đỡ trẻ em rất ý nghĩa. Với sự cầu thị, nhiệt tình ông Phúc đã “lấy lòng” được đại diện tổ chức COV, qua đó mở ra cơ hội để tổ chức này tìm đến Quảng Nam với những chương trình tài trợ lên đến hàng chục tỷ đồng từ năm 2003 đến nay.

“Hội Từ thiện tỉnh có bề dày hoạt động trong 20 năm qua, gắn với những thành tựu phát triển của tỉnh. Trong đó, nhiệm kỳ 2011 - 2016, hội đã có đóng góp rất tích cực, tiếp tục thực hiện truyền thống nhân ái của dân tộc “lá lành đùm lá rách, thương người như thể thương thân” và phát động phong trào “Người người làm việc thiện, nhà nhà làm việc thiện” như lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Các chương trình của hội thực hiện như: Bát cháo tình thương; khám bệnh, cấp thuốc cho người dân; trao học bổng cho học sinh, sinh viên và trao tặng xe lăn, xe lắc cho người tàn tật… đã mang lại ý nghĩa lớn cho cộng đồng, xã hội. Chúng tôi đánh giá sự đoàn kết cố gắng và đặc biệt là cầu nối nhân ái của hội đến các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân, các tổ chức phi chính phủ để mang lại nhiều điều tốt đẹp trong cuộc sống”
(Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn)

Ban đầu chỉ tài trợ xây dựng phòng học mẫu giáo nhưng sau này COV đã mở rộng ra với chương trình trao học bổng cho học sinh nghèo, hỗ trợ gạo dinh dưỡng, xây dựng nhà tình thương... Có trường hợp, thông qua sự chia sẻ, kết nối của Hội Từ thiện tỉnh, tổ chức COV đã trực tiếp tài trợ kinh phí để đưa 2 học sinh bị bệnh hiểm nghèo là Hồ Văn Khanh (Phước Sơn) và Lê Dương Bảo Hân (Điện Bàn) sang Anh chữa bệnh. Được biết, mỗi em đi chữa bệnh phải tốn khoảng 80 nghìn USD và đều được COV tài trợ miễn phí. Ông Võ Hồng Phúc cho biết: “Từ kinh nghiệm của bản thân, tôi cho rằng khi làm việc với các nhà hảo tâm nói chung và các tổ chức phi chính phủ nói riêng, người làm cầu nối từ thiện phải đặt lợi ích của người dân lên trước, phải biết hy sinh và tận tâm với công việc. Đặc biệt là không vụ lợi, không gian dối, phải “người thật việc thật”, công khai minh bạch… thì nhà tài trợ mới tin tưởng. Chúng tôi tự hào rằng, đến nay tất cả tổ chức phi chính phủ đã làm việc, gắn bó với hội đều phản hồi tích cực”. Ông Phúc cũng cho rằng, công tác từ thiện, nhân đạo hiện nay nếu muốn phát huy tốt, cần phải có sự thay đổi, từ con người đến cách làm. Cán bộ hội phải trẻ, nhiệt tình, năng động, biết tận dụng mạng xã hội để mở rộng sự kết nối.

Cùng với nguồn viện trợ phi chính phủ, Hội Từ thiện tỉnh và các cấp đã kết nối và tranh thủ được tối đa nguồn kinh phí và các chương trình an sinh xã hội của các tổ chức tôn giáo và những người con xa quê hương. Đơn cử như: Tịnh xá Ngọc Kỳ tại TP.Tam Kỳ, Chùa Lầu tại Duy Xuyên; Chùa Phổ Hiền,  Chi hội Tâm Thiện chùa Quang Châu, Tịnh xá Ngọc Cơ (TP.Đà Nẵng)… Trong đó, riêng Tịnh xá Ngọc Kỳ của Ni sư Thích Nữ Chúng Liên trong 5 năm qua đã phục vụ trên 4 triệu bát cháo tình thương với tổng trị giá hơn 12 tỷ đồng tại các bệnh viện, trung tâm bảo trợ xã hội và vận động mổ đục thủy tinh thể cho 1.875 người.

VINH ANH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đại hội Hội từ thiện tỉnh lần thứ IV: Cầu nối nhân ái
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO