Đại hội TD-TT tỉnh Quảng Nam lần thứ IX năm 2022: Ấn tượng các địa phương miền núi

AN NHI 09/04/2022 07:13

Đại hội TD-TT tỉnh Quảng Nam lần thứ IX đến nay đã trải qua 4 môn thi đấu. Dù chưa một lần bước lên ngôi cao nhất toàn đoàn song các địa phương miền núi đã để lại ấn tượng mạnh.

Đội bóng chuyền nữ Tiên Phước thi đấu ấn tượng tại giải bóng chuyền nữ vô địch tỉnh và lọt vào đến bán kết. Ảnh: A.NHI
Đội bóng chuyền nữ Tiên Phước thi đấu ấn tượng tại giải bóng chuyền nữ vô địch tỉnh và lọt vào đến bán kết. Ảnh: A.NHI

Ngày hội đa sắc màu

Khác với các kỳ đại hội trước đây khi tách riêng hai khối đồng bằng và miền núi, đại hội lần này không chia khối mà tổ chức thi đấu chung cho tất cả 18 huyện, thị xã, thành phố.

Cuối tuần này, giải vô địch Điền kinh tỉnh năm 2022 thuộc chương trình thi đấu Đại hội TD-TT tỉnh Quảng Nam lần thứ IX sẽ diễn ra trên sân vận động Tam Kỳ. Với các nội dung chạy 100m, 200m, 400m, 800m, 1.500m, tiếp sức 4x100m, nhảy cao, nhảy xa, đẩy tạ, hứa hẹn sẽ là cuộc đua tranh hấp dẫn và quyết liệt giữa vận động viên các địa phương miền núi và đồng bằng.

Theo ông Tào Viết Hải - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, đây là giải đấu đại hội toàn tỉnh nên việc tổ chức thi đấu thống nhất cả tỉnh nhằm xác định nhà vô địch ở nội dung cá nhân, đồng đội, toàn đoàn là điều hoàn toàn hợp lý.

Có thể ở một số môn thể thao này địa phương miền núi không thể cạnh tranh sòng phẳng với đồng bằng nhưng tại các môn khác, họ lại có thế mạnh riêng mà đối thủ không có được, chẳng hạn như bắn ná, bắn nỏ, kéo co, đẩy gậy.

Theo quy định của Điều lệ Đại hội TD-TT tỉnh Quảng Nam lần thứ IX năm 2022, xếp hạng toàn đoàn đại hội là xếp theo vị thứ của 18 huyện, thị xã, thành phố, ngành theo bảng tổng sắp điểm số. Ngoài giải thưởng cho 5 địa phương, ngành xuất sắc nhất xếp vị thứ từ 1 - 5, đại hội còn khen thưởng riêng cho 3 huyện miền núi và 3 ngành có vị thứ cao nhất để động viên phong trào.

Đến nay, Đại hội TD-TT tỉnh Quảng Nam lần thứ IX đã trải qua 4 môn thi đấu, gồm cờ tướng, bóng chuyền nữ, bóng bàn, cầu lông. Dù chưa địa phương miền núi nào bước lên bục cao nhất nhưng đã có cá nhân đăng quang và có thể thấy gần như không tồn tại khoảng cách giữa miền núi và đồng bằng, thậm chí không ít địa phương đồng bằng có kết quả thi đấu kém xa miền núi.

Nhiều người cho rằng, chính việc thi đấu với nhau trong những giải đấu giúp cho các vận động viên miền núi và đồng bằng học hỏi, tăng cường giao lưu, hiểu biết lẫn nhau. Qua đó, giúp đại hội TD-TT trở thành ngày hội văn hóa đa sắc màu của người dân các địa phương trên địa bàn cả tỉnh.

Khẳng định mình

Các môn đã tổ chức thi đấu vừa qua không phải là những môn thể thao có phong trào mạnh ở các địa phương miền núi, song tất cả đều rất quyết tâm đăng ký tham gia thể hiện nhằm khẳng định mình. Đó là điều rất đáng quý ở kỳ đại hội năm nay, góp phần cho các cuộc tranh tài thêm phần sôi động, hấp dẫn.

Tay vợt trẻ Lê Thị Khánh Vi (Đông Giang) được các cô chú đồng đội chăm sóc trong trận chung kết đơn nữ. Ảnh: A.NHI
Tay vợt trẻ Lê Thị Khánh Vi (Đông Giang) được các cô chú đồng đội chăm sóc trong trận chung kết đơn nữ. Ảnh: A.NHI

Khép lại các giải đấu, dù chưa có cuộc “lật đổ” nào xảy ra nhưng có thể thấy, yếu tố bất ngờ đã xuất hiện. Chẳng hạn như môn cờ tướng, các kỳ thủ đến từ huyện miền núi Tiên Phước thi đấu xuất sắc, đặc biệt là nữ kỳ thủ Phạm Thị Ngọc Lệ lần đầu tiên đăng quang nội dung cá nhân, đồng thời giúp địa phương vươn lên xếp thứ ba toàn đoàn, vượt qua cả những địa phương có truyền thống như Tam Kỳ, Đại Lộc. Tiên Phước cũng có một mùa giải thành công ở môn bóng chuyền nữ khi lọt vào đến bán kết, thành tích còn trên cả Quế Sơn, Núi Thành.

Trong số thành tích nổi bật vừa qua của các địa phương miền núi, kết quả thi đấu ở giải cầu lông vô địch tỉnh cũng rất ấn tượng. Các tay vợt của 8 huyện miền núi (vắng Bắc Trà My), nhất là Đông Giang, Hiệp Đức và Phước Sơn đã có một giải đấu thành công, gây ngạc nhiên cho nhiều người.

Với sự xuất sắc của Lê Thị Khánh Vi, huyện Đông Giang lần đầu tiên mang về 2 huy chương bạc (trong đó có 1 huy chương bạc đôi nữ cùng với Nguyễn Thị Thu Hương). Cũng ở giải này, huyện Hiệp Đức có được 2 huy chương đồng, huyện Phước Sơn 1 huy chương đồng.

Giải đấu có sự tham gia tranh tài của 25 đoàn (17 huyện, thị xã, thành phố và 8 ngành) với 270 tay vợt, để giành được dù chỉ là tấm huy chương đồng cũng là cực khó (14/25 đoàn trắng tay rời giải).

Góp mặt trong số 11 đoàn (trong tổng số 25 đoàn tham gia) giành được huy chương và xếp theo vị thứ toàn đoàn, Đông Giang đứng thứ tư (chỉ xếp sau Tam Kỳ, Quế Sơn, Núi Thành) - đó được xem là kỳ tích của cầu lông huyện miền núi này.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đại hội TD-TT tỉnh Quảng Nam lần thứ IX năm 2022: Ấn tượng các địa phương miền núi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO