Đại Lộc: Cá chết bất thường ở khe Đá Mài

H.LIÊN - M.PHƯỜNG 01/05/2017 06:57

(QNO) - Nhiều ngày qua, người dân sống trên địa bàn các xã Đại Tân, Đại Chánh, Đại Thắng (Đại Lộc) hoang mang, bất an trước hiện tượng cá tại nhiều khe suối nổi lên lờ đờ rồi chết hàng loạt, dòng nước đổ về đen kịt, bốc mùi hôi thối.

Khe suối bị “đầu độc”?

Theo người dân sống ven khe suối các xã Đại Tân, Đại Chánh và Đại Thắng, hiện tượng nguồn nước từ khe Cừa (Đại Tân), khe Bàu Đá (thôn Thạnh Phú, xã Đại Chánh) đổ dồn xuống khe Đá Mài (thôn Xuân Nam, xã Đại Thắng) rồi đổ ra sông Thu Bồn trở nên đỏ ngầu rồi sau chuyển sang đen kịt đã xảy ra từ ngày 25.4. Đỉnh điểm là tới tận 26, 27.4, người dân xôn xao, hoang mang khi phát hiện rất nhiều cá nổi lờ đờ, sau đó chết hàng loạt trên hệ thống khe suối, ao hồ, nơi có dòng nước “lạ” chảy qua.

Người chăn nuôi thủy cầm ở xã Đại Chánh hoang mang, lo lắng bởi nguồn nước ở Khe Đá đi qua địa bàn xã bị đầu độc, cá chết hàng loạt. Ảnh: TRIÊU NHAN
Nhiều người dân hoang mang, lo lắng bởi nguồn nước ở Khe Đá đi qua địa bàn xã Đại Chánh bị đầu độc, cá chết hàng loạt. Ảnh: HOÀNG LIÊN

Khởi điểm là nhiều hộ chăn nuôi thủy cầm sử dụng nguồn nước từ Khe Đá (nơi có dòng xả thải của Nhà máy Cồn Đại Tân đầu nguồn) phát hiện nước về đỏ ngầu, nóng, hôi nồng, cùng với đó, đàn vịt của gần chục hộ trên chết rải rác. Anh Nguyễn Phúc Chung, hộ dân thả nuôi đàn vịt cả nghìn con tại thôn An Chánh, xã Đại Tân chia sẻ: “Cả tuần nay rồi, chúng tôi phát hiện nước đỏ ngầu, rồi gần đây thì đen như luyn, vịt đau bụng và chết cả trăm con nên hốt hoảng báo chính quyền xã. Xã Đại Tân đã cho người xuống kiểm tra, ghi nhận sự việc, lập biên bản hiện trường, mời đại diện nhà máy cồn xuống làm việc, ký vào biên bản”.

Cũng theo anh Chung và nhiều hộ khác, hiện tượng này vốn không lạ, kể từ khi nhà máy cồn đi vào hoạt động, nhất là ban đêm người nuôi thủy cầm ngủ lại đêm ở các khe suối đều thấy có nguồn nước đục ngầu từ đầu nguồn về, song đây là lần nước thải nhiều nhất, đen kịt và thời điểm xả thải cũng không theo thường lệ. “Nước thải nóng và hôi nồng rất khó chịu, chảy tới đâu khó chịu tới đó” - anh Chung chia sẻ.

Cùng chung nỗi lo như anh Chung, anh Hồ Minh Hoàng, hộ nuôi thủy cầm tại thôn An Chánh cho rằng, điều người dân lo sợ nhất là bị thiệt hại về kinh tế do toàn bộ nguồn nước sử dụng cho đàn thủy cầm hiện đều lấy từ đầu nguồn, tức Khe Cừa của xã Đại Tân dẫn về. Vật nuôi bị ảnh hưởng bởi nguồn nước này không chết đồng loạt mà đau bụng, chết lai rai, nên rất khó yêu cầu đơn vị xả thải đền bù thiệt hại…

Xác cá chết nổi lên trắng khe Đá Mài, xã Đại Thắng, đoạn tiếp giáp với sông Thu Bồn. Ảnh: HOÀNG LIÊN
Hiện trường nhiều xác cá chết ở khe Đá Mài, xã Đại Thắng, đoạn tiếp giáp với sông Thu Bồn. Ảnh: HOÀNG LIÊN

Theo ghi nhận tại khe Đá Mài (khu vực cầu Xuân Nam, thôn Xuân Nam, xã Đại Thắng), trong 2 ngày 26 & 27.4, cá ở khe này nổi lên chết hàng loạt, không chỉ cá con mà có những loại cá to như rô phi, trắm cỏ, trôi, mè cũng nổi lên lừ đừ rồi chết. Chiều 28.4, ngoài xác cá chết trước đó trương phình, phân hủy trên khe, chúng tôi ghi nhận hiện tượng cá chết vẫn còn diễn ra. Thời điểm 28.4, đoạn khe Đá Mài nước vẫn còn hôi tanh khó chịu và có màu đen ngòm. Nhiều người dân thôn Xuân Nam lo lắng bởi dòng khe lâu nay trong vắt, là nguồn tưới tắm cho rau màu, có nguồn lợi cá tôm phong phú nay lại trở nên lừ đừ, đen kịt như dòng nước chết. 

Cần làm rõ trách nhiệm nhà máy

Trước vụ xả thải nghiêm trọng trên, người dân sống quanh vùng có nguồn nước bị ô nhiễm yêu cầu cơ quan chức năng vào cuộc, xử lý triệt để cũng như làm rõ trách nhiệm của nhà máy đã xả thải chất độc ra môi trường. Ông Nguyễn Thanh Hải - Trưởng thôn Xuân Nam, xã Đại Thắng kiến nghị: “Hiện tượng cá chết đã xảy ra mấy lần rồi, song không lần nào nhiều và nước về đen kịt như lần này. Từ một con khe nước mát, trong đến nay không ai dám lội chân xuống khe Đá Mài nữa vì sợ ngứa, ghẻ, nhiễm độc. Nhiều hộ vốn sống nhờ nguồn lợi thủy sản từ khe suối này nay cũng bỏ nghề. Đề nghị các cấp và ngành chức năng sớm điều tra, làm rõ nguyên nhân, hướng khắc phục triệt để chứ tình hình này thì không ai dám ở đây nữa. Cần xem xét trách nhiệm của Nhà máy cồn Đại Tân trong việc xả thải, có hướng xử lý và khắc phục triệt để thì người dân mới an tâm sinh sống” - ông Hải nói.

Theo nhiều người dân, trong suốt thời gian diễn ra cá chết và nước về đen ngòm trên các khe suối, trên địa bàn có xảy ra một vài trận mưa song không đáng kể. Nghi vấn đặt ra là có hay không việc nhà máy cồn lợi dụng thời điểm mưa để xả thải trực tiếp ra nguồn nước? Bởi lẽ, theo nhiều hộ dân sống nơi đầu nguồn nước, quanh khu vực Khe Cừa, xã Đại Tân, thường, nước xả thải chỉ đổi màu đục ngầu từ tầm 6 giờ tối hay ban đêm, thời điểm gần sáng, thời điểm ít ai biết và chú ý. “Họ xả thải lúc tối hoặc gần sáng, nước từ nhà máy này và Công ty Thái Việt gần đó cùng xả vào cống mới làm khiến những ai gần đó đều không chịu nổi.

Đàn thủy cầm sống ở nguồn nước dẫn về từ khe Đá, xã Đại Tân và Đại Chánh có dấu hiệu đau bụng, chết rải rác. Ảnh: HOÀNG LIÊN
Đàn thủy cầm sống ở nguồn nước dẫn về từ khe Đá, xã Đại Tân và Đại Chánh có dấu hiệu đau bụng, chết rải rác. Ảnh: HOÀNG LIÊN

Trao đổi với chúng tôi, ông Đoàn Kim Bình - Chủ tịch UBND xã Đại Tân cho hay, ngay khi sự việc xảy ra, xã đã cử cán bộ xuống làm việc, lập biên bản hiện trường, cùng với đó báo cáo lên cấp trên để có hướng xử lý. Ông Bình xác nhận, đây không phải là lần đầu tiên xảy ra sự việc. Những vụ trước đó cũng xảy ra hiện tượng cá chết đồng loạt. Ông Bình cho rằng, trách nhiệm của địa phương cấp xã là tiếp nhận vụ việc, báo cáo lên cấp trên, cùng với đó là nỗ lực giữ vững an ninh trật tự, tuyên truyền đến nhân dân. Xã đã làm hết sức mình, thời điểm công ty mới khắc phục hoạt động trở lại cũng từng xảy ra cá chết. Lúc đó, xã đã tổ chức một số cuộc đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo nhà máy với dân, mục tiêu là để lãnh đạo nhà máy tiếp thu ý kiến của dân để có hướng cải thiện, khắc phục. Trước đây, Bà Tuyết (giám đốc nhà máy - PV) từng đứng ra nhận khuyết điểm trước dân, hứa sẽ điều chỉnh lại hệ thống sau quá trình vận hành, không để xảy ra sự cố môi trường nữa song trên thực tế thì lại khác. “Nhà máy đã đóng ở đây rồi, không thể dỡ đi được, công sức, tiền của doanh nghiệp bỏ vào đó nhiều rồi. Phát triển công nghiệp mà không gây ô nhiễm là rất khó, song làm gì cũng chỉ được trong giới hạn cho phép. Còn với tình hình này, về lâu dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới nguồn nước ngầm, môi trường, sức khỏe con người. Vì vậy, phải tìm hướng tháo gỡ, đình chỉ hoạt động, tổ chức đánh giá lại tác động môi trường chính xác, hạn chế đến mức thấp nhất về thiệt hại môi trường sống là không khí và nguồn nước” - ông Đoàn Kim Bình nói.

Ông Mai Thanh Tâm - Phó Trưởng Công an huyện Đại Lộc xác nhận, trước kiến nghị của người dân và chính quyền địa phương, lãnh đạo UBND huyện đã chỉ đạo Công an huyện phối hợp với Phòng Tài nguyên - môi trường trực tiếp xuống hiện trường tìm hiểu nguyên nhân vụ việc, đồng thời lấy mẫu xét nghiệm để điều tra, làm rõ. Hiện tại, các mẫu nước đưa đi kiểm nghiệm chưa có kết quả. Trước đó, ông Trương Văn Huấn - Phó trưởng Phòng Tài nguyên & môi trường huyện thông tin, việc cá chết hàng loạt có thể liên quan tới hoạt động của nhà máy cồn nằm ở đầu nguồn nước của các khe suối trên. Vụ việc vẫn đang trong quá trình điều tra, làm rõ. 

H.LIÊN - M.PHƯỜNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đại Lộc: Cá chết bất thường ở khe Đá Mài
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO