Đại Lộc lo sạt lở ven sông

TRIÊU NHAN - PHƯƠNG PHƯƠNG 18/10/2018 06:57

Người dân một số nơi của xã Đại Thắng và Đại Thạnh (Đại Lộc) đang nơm nớp lo vì nguy cơ sạt lở nặng cuốn trôi nhiều diện tích đất sản xuất, nhà dân và các công trình, song vẫn chưa có phương án ứng phó hiệu quả.

Sông Thu Bồn qua thôn Hanh Đông, xã Đại Thạnh xâm thực nặng nề vào đất sản xuất, vườn tược và nhà dân. Ảnh: HOÀNG LIÊN
Sông Thu Bồn qua thôn Hanh Đông, xã Đại Thạnh xâm thực nặng nề vào đất sản xuất, vườn tược và nhà dân. Ảnh: HOÀNG LIÊN

Nỗi lo từ khai thác cát

Làng Giảng Hòa ven sông của xã Đại Thắng từng đối diện với sạt lở nặng nề, bị xé đôi, hình thành con lạch sâu vào mùa mưa khiến hàng trăm hộ phải di dời đến nơi ở mới thuộc Đồng Cát, Gò Lì, thôn Giảng Hòa mới. Nhiều hộ dân Giảng Hòa vẫn bám làng cũ sản xuất và chỉ di dời về làng mới khi mùa mưa bão đến. Song, nỗi lo vẫn thường trực khi cứ mỗi cơn lũ qua, diện tích đất sản xuất ở làng cũ lại tiếp tục sạt lở, mất dần. Ông Huỳnh Anh (50 tuổi) cho hay, sợ mất đất, làng đã nhiều lần kiến nghị cấp trên quan tâm, xem xét bởi mấy năm trở lại đây, sạt lở ở vùng thượng lưu sông Thu Bồn, khu vực đầu gò của làng rất nặng” - ông Anh nói. Theo ông Huỳnh Đến - Trưởng thôn Giảng Hòa, để tránh sạt lở đất sản xuất, đảm bảo an toàn nhà cửa, tài sản của người dân nơi làng cũ, địa phương cũng đã kiến nghị hỗ trợ xây bờ kè khu vực đầu gò nhưng bờ kè vốn lớn, vẫn chưa được giải quyết.

Bên cạnh đó, người dân Giảng Hòa lo lắng trước tình trạng khai thác cát cũng là nhân tố gây sạt lở. Ông Lê Văn Bai (68 tuổi) bức xúc: “Việc lấy cát lòng sông khiến đất sản xuất của người dân bị sạt lở nặng hơn. Điểm sạt lở ăn sâu vào làng 15 - 20m”. Còn ông Huỳnh Lõm cho hay, tổ tự quản của thôn nhiều lần phát hiện chủ cát và phương tiện vi phạm, làm kiểm điểm, báo lên cấp trên. Song chủ cát khai thác trái phép không dừng mà còn chống đối. Theo Trưởng thôn Huỳnh Đến, các công ty trên được tỉnh cấp giấy phép, quy định khai thác với phạm vi, lộ giới rõ ràng, có hệ thống camera gắn ngoài sông giám sát và nếu doanh nghiệp vi phạm sẽ bị xử lý. Ông Nguyễn Văn Hải - Chủ tịch UBND xã Đại Thắng thông tin, trong 3 công ty được tỉnh cấp phép thì hiện chỉ còn Công ty 276 tiếp tục khai thác ở Giảng Hòa. Người dân lo ngại sạt lở về lâu dài và địa phương cũng đã kiến nghị lên trên xem xét.

Lo “hà bá” nuốt làng

Sát sông Thu Bồn, hơn chục nhà dân tổ 3, thôn Phú Thuận (Đại Thắng) cũng chung nỗi lo mất làng từ sạt lở. Ông Tăng Văn Dương (gần 80 tuổi) cho biết: “Sạt lở nhiều lắm, cả bờ tre dày nhưng rớt xuống sông dần dần. Rất mong Nhà nước quan tâm hỗ trợ xây bờ kè để cứu làng bởi di dời thì ai nấy không có điều kiện làm nhà” - ông Dương nói. Bà Võ Thị Quá (hơn 80 tuổi) kể, ngày trước sông cách nhà ở của dân vài chục mét thì nay chỉ còn vài mét, lũ về thì di dời hết, chẳng ai dám ở lại. Sạt lở ven sông còn diễn ra nặng ở thôn Hanh Đông, Tây Lễ, Mỹ Lễ của xã Đại Thạnh. Riêng khu vực cổng chào dẫn vào xã Đại Thạnh có 7 nhà dân thôn Hanh Đông bị ảnh hưởng nặng bởi sông xâm thực. Ông Phan Tình, một hộ dân cho biết, nhà ông chỉ cách bờ sông 10m, đoạn này đang thời kỳ sạt lở nặng nề nhất, tạo thành vách đứng. Bao nhiêu bụi tre, vạt bói trồng chống sạt lở đã bị cuốn phăng. “Năm rồi xã phát động dân trồng tre giữ làng, nhưng e rằng cả bờ tre dài đang bén rễ cũng không đủ sức chống chịu khi lũ tới. Sạt lở ăn sâu vào đất làng mấy chục mét rồi. Nhà tôi có 2 sào đất màu cũng mất trắng. Nếu không có bờ kè thì khu vực này không cầm cự lâu được” - ông Tình nói.

Bà Nguyễn Thị Minh Nam - Chủ tịch UBND xã Đại Thạnh cho biết, có khoảng 18 hộ nằm trong diện sạt lở nặng, nhiều nhà dân chỉ còn cách bờ sông 10 - 15m. Không chỉ mất nhiều đất sản xuất hoa màu của xã, sạt lở cũng cuốn trôi nhiều diện tích đất sản xuất, đất vườn nhà dân, đe dọa nhà cửa, tài sản, thậm chí tuyến đường ĐH độc đạo đi qua địa bàn xã và trung tâm hành chính xã nếu thiếu phương án ứng phó. Được biết, chiều dài vùng sạt lở kéo dài 3km đi qua 3 thôn. “Nhiều bờ tre đã rớt xuống sông, địa phương phát động dân trồng tre nhưng chẳng ăn thua. Hiện tại, quỹ đất tái định cư của xã không còn. Xã rất mong cấp trên quan tâm hỗ trợ bờ kè để giữ làng, giữ đất, giữa đường liên xã và khu hành chính trước biến động lớn của sạt lở khu vực này” - bà Nam nói.

TRIÊU NHAN - PHƯƠNG PHƯƠNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đại Lộc lo sạt lở ven sông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO