Đại Lộc ngổn ngang gian khó

HOÀNG LIÊN 19/12/2016 09:11

Cơn lũ vừa rút đi, để lại hậu quả nặng nề. Người dân Đại Lộc cố gắng gượng dậy sau hai cơn lũ liên tiếp giáng xuống chỉ trong vòng nửa tháng…

  • Nam Giang: Sạt lở nghiêm trọng trên đường Hồ Chí Minh
  • Nông Sơn: Thực phẩm tăng giá đột biến ngày lũ
  • Chung tay giúp dân dọn dẹp sau lũ
  • Các địa phương bắt đầu công tác khắc phục, thống kê thiệt hại do lũ
  • Hơn 15.200 nhà dân bị ngập, 6 người chết trong lũ
Nhiều diện tích hoa màu đã bị “xóa sổ”. Ảnh: HOÀNG LIÊN
Nhiều diện tích hoa màu đã bị “xóa sổ”. Ảnh: HOÀNG LIÊN

Vùng rau màu bị “xóa sổ”

Ông Trần Văn Mai - Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cho biết, toàn huyện có hơn 3.000ha cây rau, màu các loại bị ngập và hư hại hoàn toàn tại 17 xã/thị trấn. Vùng thiệt hại nặng nhiều nhất là các xã Đại Nghĩa, Đại An, Đại Cường, Đại Minh, Đại Lãnh, Đại Hồng… Bên cạnh huy động nguồn khắc phục, sửa chữa, xây dựng công trình thủy lợi, cải tạo đồng ruộng bị bồi lấp để đảm bảo cho vụ sản xuất đông xuân 2016 - 2017, huyện cũng đề nghị cấp trên hỗ trợ giống cây trồng (rau màu) và giống cây lâm nghiệp để nhân dân có điều kiện sản xuất. Cần thiết hỗ trợ gạo cứu đói cho nhân dân vùng sản xuất đất màu bị thiệt hại nghiêm trọng trong đợt lũ này.

Vựa rau tết Bàu Tròn thời điểm này nước vừa rút đi sau nhiều ngày đêm bao vây trắng đồng. Khi lũ vừa rút, để lộ ra những vạt ớt, rau, cả những choái dưa leo, khổ qua, đu đủ nằm la liệt… Nhiều nông dân tranh thủ gỡ mấy tấm lưới bị vùi lấp nhằm tận dụng cho vụ sau hay kịp sửa sang, cứu vãn một số ít cây ớt, bắp, dây khổ qua, dưa leo còn sống sót. Tuổi già, lom khom ôm mớ gốc đu đủ nằm la liệt dồn thành đống để “giải phóng” đất, bà Phan Thị Cháu (thôn Bàu Tròn) nghẹn ngào: “Hết rồi cô à, tôi có 3 sào ớt, đậu phụng, đợt lũ trước hư hết một nửa, tôi phải mua giống trồng dặm thêm vô, chăm sóc trở lại, ngờ đâu lại lũ nữa, coi như mất hết. Giờ lấy đâu ra cây giống để trồng trở lại”. Anh Lê Tấn Hải (thôn Đông Tây, xã Đại An) cũng vừa có mặt tại vùng rau bởi mấy ngày lũ tràn về anh đứng ngồi không yên khi 7 sào ớt, đậu, khổ qua của gia đình bị nhấn chìm. Anh cho biết, nếu không có lũ thì vụ đông xuân năm nay, gia đình anh thu về cả trăm triệu đồng, song giờ thì không hy vọng gì nữa. Hàng chục nông dân có mặt trên cánh đồng khi lũ vừa rút, chẳng ai buồn nói thêm câu nào nữa, họ chỉ chúng tôi ruộng rau, đu đủ, những luống bạt, mớ lưới vùi lấp. Những cái cười trừ chua chát thay cho những giọt nước mắt. Sau trận lũ lần thứ hai này, nông dân Bàu Tròn không thể lạc quan được nữa. Chẳng ai ngờ lại có một cơn lũ “trái mùa” giữa thời điểm đã qua 23 tháng Chạp cả nửa tháng trời. Khi vụ rau tết chỉ còn non một tháng nữa là bắt đầu thu hoạch đồng loạt.

Chiều 16.12, khi lũ các nơi đã rút, song cánh đồng Đại Nghĩa vẫn còn một màu trắng xóa. Ông Mai Thanh Hồng (thôn Hòa Mỹ, xã Đại Nghĩa) chia sẻ, đợt lũ trước dù có thiệt hại nông dân vẫn còn chịu được vì nước rút nhanh, sau lũ tập trung khắc phục, chăm sóc lại số cây còn sống và tiếp tục trồng, tỉa dặm lại thì cũng có thể thu hoạch được chút ít. Nhưng đợt này thì coi như “xóa sổ” luôn cả vùng rau, màu bởi nước đã ngâm 3 ngày nay rồi. “Nước lũ về nhanh quá, chỉ trong một đêm đã trắng đồng, nhiều người không kịp trở tay. Gia đình tôi chỉ trồng cây màu, tội nhất là những người trồng dưa leo, khổ qua đang thu hoạch” - ông Hồng nói. Ông Hồng nhẩm tính, mỗi một sào xuống giống hoa màu, nông dân vùng Đại Nghĩa đầu tư 1,5 triệu đồng. Chưa kể, số giống dự phòng đã huy động hết để khắc phục hậu quả của trận lũ đợt một vừa rồi. Ông Nguyễn Bảy (thôn Hòa Mỹ), trồng hơn 1 mẫu khổ qua, dưa leo và đậu phụng, bắp, ớt các loại. Thời điểm lũ về, gia đình ông chỉ kịp vơ được mấy bao tải đậu cô ve, khổ qua mang về, còn lại thì phó mặc cho lũ. Hiện tại, giá 1kg khổ qua đã 20 – 30 nghìn đồng, dưa leo đã 25 nghìn đồng, song vẫn không có để bán. “Bao nhiêu mồ hôi, công sức, vốn liếng trong đó. Cả mấy tháng trời, tới lúc thu hoạch thì giờ xảy ra sự thể này đây” - ông Bảy chia sẻ.

Nông dân vớt vát rau quả khi lũ vừa rút. Ảnh chụp tại thôn Mỹ Thuận, xã Đại Nghĩa. Ảnh: HOÀNG LIÊN
Nông dân vớt vát rau quả khi lũ vừa rút. Ảnh chụp tại thôn Mỹ Thuận, xã Đại Nghĩa. Ảnh: HOÀNG LIÊN

Thôn Mỹ Thuận, Đại Phú (xã Đại Nghĩa) có hơn 60 héc ta sản xuất cây hoa màu các loại, trong đó phân nửa là trồng la ghim: đu đủ, đậu cô ve, dưa leo, khổ qua, đậu tây… Khi lũ rút đi, cánh đồng trở thành một bãi cát trắng. Đứng giữa bãi đất trống còn bị bùn non bồi lấp, ông Nguyễn Văn Thành (thôn Mỹ Thuận) cho hay: “Bốn sào khổ qua, đu đủ của tôi chỉ còn non nửa tháng là cho thu hoạch rồi. Ai ngờ lũ về ác quá, chừ không còn dấu vết. Hai sào đu đủ thì trôi sông, chỗ đó nước còn lênh láng. Còn hai sào khổ qua thì chỉ còn đống bùi nhùi với mớ lưới đây thôi”. Ở thôn Mỹ Thuận, có cả chục hộ khác còn trồng sớm hơn nhà ông Thành, trước khi lũ về, họ chỉ kịp thu hoạch trái nách, tức lứa đầu tiên. Hàng trăm hộ dân Đại Phú cũng cùng chung cảnh ngộ. Ông Võ Văn Quý (người dân địa phương) nói: “Cả trăm hộ canh tác trên cánh đồng này với hơn 20ha, nhưng giờ thì hoàn toàn mất trắng. Thật ra nhiều người xót của lắm, muốn ra vớt vát chút ít nhưng do lũ về ban đêm, không thể ra biền được nên chịu chết” - ông Quý nói.

Khó khôi phục sau lũ

Đứng giữa những cánh đồng rộng hàng nghìn héc ta của nhân dân Đại Lộc mới ngày hôm kia còn xanh ngút ngàn, nay chỉ còn lại một vùng héo úa hay những bãi cát trắng, không khỏi chạnh lòng. Thiệt hại không chỉ dừng lại ở sự mất mát về hoa màu, tài sản, nông dân nơi đây còn đứng trước nguy cơ mất đất sản xuất khi vùng hoa màu đã bị bồi cát, bị xé lạch sâu chằng chịt. Đứng giữa bãi cát ngổn ngang, có nơi bị xói lở trở thành những con lạch sâu, bà Trần Thị Bốn (thôn Đại Phú, Đại Nghĩa) ngao ngán: “Đất này chẳng thể canh tác hoa màu được nữa, trừ phi Nhà nước đưa cơ giới để cải tạo. Nhưng có cải tạo đi nữa thì bên dưới chỉ còn đất sét thôi, cây màu khó có thể phát triển được. Chưa kể, vùng bị xé lạch sâu, cải tạo cũng rất khó. Nếu Nhà nước có hỗ trợ giống thì cũng không biết trồng ở đâu nữa”. Ông Võ Văn Quý chia sẻ thêm, hiện 2/3 đất sản xuất của thôn Đại Phú đã bị xói lở lẫn bồi lấp, không thể sản xuất được. Họa chăng chỉ có thể trồng cây bí đỏ, cây dưa hấu.

Hiện nông dân cũng gặp khó khăn về nguồn giống cây trồng để tái sản xuất. Bao nhiêu giống dự phòng đã được nông dân huy động trồng tỉa, dặm sau đợt lũ hồi đầu tháng. Nguồn giống khan hiếm nên giá cả đắt đỏ. Hiện 1 cây đu đủ, khổ qua con có giá 10 nghìn đồng, dưa leo 5 nghìn đồng/cây... vẫn không có để mua. Cây ớt thì khỏi nói vì vốn đã sốt ngay từ đầu vụ. “Chừ chỉ có nước trồng cây bắp, cây đậu phụng thôi. Mà ai cũng đổ xô trồng thì biết bán cho ai” - ông Huỳnh Quang Thành (xã Đại An) tâm sự. Anh Phạm Văn Hải (thị trấn Ái Nghĩa), một thương lái cung ứng giống bắp cho hay, hiện số vốn của anh nằm trong dân đã tới 140 triệu đồng. “Bà con thường mua nợ tiền giống, không chỉ chỗ tôi mà nhiều đại lý đều cung ứng nợ hết. Giờ hư hết rồi, phải tiếp tục bán nợ nữa thì mới mong thu hồi vốn. Mong Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho nông dân phần nào bởi thiệt hại quá lớn” - anh Hải nói

HOÀNG LIÊN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đại Lộc ngổn ngang gian khó
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO