Đại Lộc: Nhiều hoạt động tại lễ hội Bà Phường Chào

TRIÊU NHAN - NHẬT DUY 12/04/2018 11:07

(QNO) - Lễ hội Bà Phường Chào, một lễ hội mang đậm nét tín ngưỡng văn hóa dân gian vừa diễn ra ngày 10.4 (25.2 âm lịch) tại thôn Mỹ Phiếm (xã Đại Cường, Đại Lộc), đã thu hút sự hưởng ứng của đông đảo dân làng địa phương với nhiều hoạt động sôi nổi.

Tham dự lễ hội có ông Trần Tứ - Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa miền Trung - Tây Nguyên; ông Trần Anh - Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa miền Trung - Tây Nguyên; ông Lê Văn Long - Cố vấn văn hóa - chính trị miền Trung - Tây Nguyên cùng đại diện lãnh đạo huyện Đại Lộc.

Lễ hội có sự tham gia của đông đảo người dân. Ảnh: N.DUY
Lễ hội có sự tham gia của đông đảo người dân. Ảnh: N.DUY

Theo truyền thuyết dân gian và gia phả tộc Nguyễn ở Phiếm Ái châu, Bà Phường Chào sinh ngày 25.2, năm Cảnh Thịnh bát niên (1800), tại làng Phường Chào, thuộc châu Phiếm Ái (nay là thôn Mỹ Phiếm, xã Đại Cường). Thân phụ của Bà làm quan triều Lê, tên là Nguyễn Trí; thân mẫu họ Trịnh, húy là Tình và nhũ mẫu là Đoàn Thị Vệ. Cả ba là “Tam vị khải thần” được thờ tại miếu Nhũ Mẫu.

Khi Bà sinh ra có điềm lạ, khói trắng che phủ một vùng; lớn lên trở thành người con gái đẹp người đẹp nết, thường bốc thuốc cứu người nhưng yểu mệnh. Khi đã về cõi hư vô, Bà Phường Chào vẫn thường hiển linh, giúp đỡ dân lành, trừng trị kẻ ác. Nhờ Bà mà xóm vạn ghe ở Phiếm Ái châu bên dòng Vu Gia trở nên sầm uất, hưng thịnh. Nhân dân trong vùng lập dinh thờ Bà, gọi là Dinh Bà Phường Chào (có người gọi là Phường Chồ, tức phường vạn ghe nhà chồ).

Các bô lão địa phương thực hiện nghi thức cúng tế Bà tại lễ hội. Ảnh: N.DUY
Các bô lão địa phương thực hiện nghi thức cúng tế Bà tại lễ hội. Ảnh: N.DUY

Tương truyền, năm Tự Đức thứ 5, Bà qua thôn Phước Ấm (xã Bình Triều, Thăng Bình), giúp dân lập chợ làm ăn phát đạt nên ngôi chợ này được gọi là Chợ Được. Cảm ân đức Bà, nhân dân lập miếu thờ và đệ đơn lên triều đình đề nghị phong sắc. Vào năm Thành Thái thứ 6, Bà được phong “Dục Bảo Trung hưng Trung đẳng thần”. Đến năm Khải Định thứ 4, Bà được thăng từ “Trung đẳng thần” lên “Thượng đẳng thần”. Ngày 11 tháng Giêng âm lịch hằng năm, nhân dân vùng Chợ Được rước Cộ Bà, đúng vào ngày rước sắc phong thần cho Bà ngày trước.

Diễu hành, rước sắc Bà trong lễ hội. Ảnh: N.DUY
Diễu hành, rước sắc Bà trong lễ hội. Ảnh: N.DUY

Trải mấy trăm năm vật đổi sao dời, chiến tranh loạn lạc, thiên tai mất mùa đói kém, song người dân Phiếm Ái châu vẫn lập dinh thờ Bà, hương khói quanh năm. Lễ hội cầu “Quốc thái dân an” và rước kiệu Bà Phường Chào được tổ chức hằng năm vào 25.2 âm lịch. Nhưng năm nay, các hoạt động lễ hội đã diễn ra từ 24.2 âm lịch (tức ngày 9.4) với nhiều hoạt động sôi nổi như tổ chức lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Vu Gia, đoạn qua thôn Mỹ Phiếm, xã Đại Cường; các trò chơi dân gian, hô hát bài chòi… Đặc biệt, tối 9.4, xã Đại Cường tổ chức lễ rước kiệu Bà với quy mô lớn và hoạt động thả hoa đăng trên sông Vu Gia.

Dân làng dâng phẩm vật lên Bà. Ảnh: TR.NHAN
Dân làng dâng phẩm vật lên Bà. Ảnh: N.DUY

Nhìn chung, năm nay xã Đại Cường tổ chức lễ hội Bà Phường Chào với quy mô lớn, thu hút đông đảo nhân dân thập phương trẩy hội. Ông Nguyễn Ngọc Phương - Phó Chủ tịch UBND xã Đại Cường, Trưởng ban tổ chức lễ hội cho biết, không riêng gì người dân sống ở khu vực Dinh Bà ở thôn Mỹ Phiếm, mà đông đảo nhân dân trong xã và con em đồng hương Đại Cường xa quê cũng về chung vui lễ hội, có dịp nghe về lịch sử, truyền thống của làng, bồi đắp tình yêu quê xứ.

Cũng theo ông Phương, lễ hội Bà Phường Chào là một lễ hội đậm chất dân gian, lưu giữ nhiều giá trị văn hóa, ghi dấu ấn của con người và vùng đất trong quá trình hình thành, xây dựng và phát triển. Lễ hội được tổ chức tương đối quy mô nhằm nâng cao ý thức giữ gìn, quản lý, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa của đất và người xứ Quảng. Hiện, lễ hội Bà Phường Chào đang được Bộ VH-TT&DL xem xét công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

TRIÊU NHAN - NHẬT DUY

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đại Lộc: Nhiều hoạt động tại lễ hội Bà Phường Chào
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO