Vụ hè thu năm 2022, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp và thời tiết cực đoan, huyện Đại Lộc tăng cường các phương án, giải pháp chống hạn, đảm bảo năng suất cho cây trồng.
Đảm bảo nước tưới
Vụ hè thu 2022, toàn huyện Đại Lộc xuống giống trên tổng diện tích 4.300ha lúa và 2.400ha hoa màu. Do đặc thù địa hình một số vùng của huyện là khu vực trung du và miền núi, thời tiết diễn biến cực đoan, nắng nóng và khô hạn kéo dài thường xuyên, ảnh hưởng cục bộ lên một số diện tích cây lúa và cây màu nên công tác chống hạn được chú trọng.
Toàn huyện có 7 hồ chứa và 9 đập dâng nhỏ cấp nước tưới cho 453,2ha lúa. Đây là các hồ chứa nhỏ, quá trình sử dụng lâu dài, lòng hồ bị bồi lắng với khối lượng lớn, dung tích hồ giảm từ 30 - 50% so với dung tích thiết kế nên thường xuyên xảy ra tình trạng thiếu hụt nguồn nước tưới vào giữa hoặc cuối vụ nếu không có mưa. Nhiều đập dâng nhỏ có lượng nước chảy đến hạn chế do rừng đầu nguồn ngày càng bị khai thác cạn kiệt và chuyển sang trồng rừng kinh tế.
Theo ông Lê Khắc Bảy (cán bộ Phòng NN&PTNT huyện), vụ hè thu năm 2022 này, nhìn chung, các công trình thủy lợi có mực nước vẫn còn tương đối, vẫn đảm bảo cấp nước từ đầu tới giữa vụ. Tuy nhiên, nếu từ giữa tới cuối vụ mà không có mưa, ngành nông nghiệp huyện phải triển khai các giải pháp chống hạn như phương án đã được duyệt.
Cùng với đó, Phòng NN&PTNT huyện đã chỉ đạo các địa phương thực hiện công tác tưới tiên tiến (tưới khô xen kẽ) tiết kiệm nước, tích nước cho giai đoạn sau, nhất là thời điểm cây lúa đứng cái làm đòng. Chủ động chỉ đạo các chủ hồ đập giữ nước, áp dụng các biện pháp tránh thất thoát nguồn nước ở các hồ đập, khe suối.
“Vụ hè thu này, thỉnh thoảng có mưa dông, các địa phương cần vận động nhân dân be bờ giữ nước. Nếu thời điểm này năm ngoái, nắng nóng kéo dài liên tục gây khô hạn nghiêm trọng, các hồ cạn nước thì năm nay, các công trình vẫn đảm bảo phục vụ tưới tiêu.
Một số hệ thống kênh mương chưa được đầu tư kiên cố, một số diện tích cuối kênh, cán bộ thủy nông điều tiết nước chưa hợp lý, có phần trễ nước thì năm nay vẫn đảm bảo, không có diện tích bị bỏ hoang” - ông Bảy chia sẻ.
Chủ động chống hạn cuối vụ
Theo ông Trần Việt Phương - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đại Lộc, so với các năm, vụ hè thu năm nay có mưa dông xuất hiện nên các ao hồ, bàu đập có tích nước, đảm bảo phục vụ tưới tiêu cho cây trồng.
Song, thời điểm từ giữa tới cuối vụ, nếu không có mưa thì công tác thủy lợi sẽ gặp khó khăn, mực nước xuống thấp và khô cạn. Toàn huyện sẽ có hàng trăm héc ta lúa bị thiếu nước tưới chủ yếu vào thời điểm giữa và cuối vụ. Phương án chống hạn của huyện đã sẵn sàng, các địa phương, hợp tác xã, chủ hồ chứa cũng triển khai phương án chống hạn của đơn vị mình.
Tuy nhiên, hiện nay các trạm bơm điện gặp khó trong việc cấp nước ở thời điểm giữa hoặc cuối vụ do lòng hồ đập bị bồi lấp với khối lượng lớn nên dung tích chứa ngày càng giảm. Việc khai thác sử dụng nguồn nước ngầm khá nhiều nên mực nước ngầm ngày càng hạ thấp, nước trong các hồ ngày càng giảm mạnh ở giữa và cuối vụ.
Để ứng phó với khô hạn, ngành nông nghiệp huyện và các địa phương đã tích cực lên phương án nạo vét một số kênh dẫn, trạm bơm, bể hút bị cát bồi lấp. Tại một số nơi khó khăn nguồn tưới, các địa phương vận động nhân dân gieo sạ giống ngắn ngày để tiết kiệm nước theo kế hoạch chung của huyện.
Các xã Đại Hồng, Đại Đồng và Đại Quang, công tác chống hạn gặp khó khăn nhất, một số địa phương thiếu nước cục bộ do các công trình thủy lợi, kênh mương nội đồng bị bồi lấp, hư hỏng. Phòng NN&PTNT huyện đã xin kinh phí nạo vét một số hồ chứa nhỏ tích nước như cây Xoay, đập Khe Bò, nâng cấp một số công trình cấp nước và sẽ tiến hành nạo vét trong tháng 7.
Ông Trần Việt Phương cho biết, kinh phí phục vụ công tác thủy lợi toàn huyện năm 2022 khoảng 1,2 tỷ đồng song nguồn giải ngân còn chậm. Ngành nông nghiệp huyện đã giao các HTX chủ động nguồn kinh phí để cải tạo hệ thống thủy lợi phục vụ chống hạn cho cây lúa hè thu trong khi chờ bố trí nguồn.
Đồng thời kiến nghị huyện và tỉnh hỗ trợ kinh phí nâng cấp một số công trình nhưng hiện chưa được bố trí kinh phí. Được biết, cả huyện Đại Lộc còn hơn 200km kênh mương đất, song nguồn vốn sự nghiệp phục vụ nâng cấp kênh mương, sửa chữa trạm bơm của huyện hằng năm còn khá thấp, chừng 1 tỷ đồng...