Đại Lộc nỗ lực giảm nghèo

HOÀNG LIÊN 03/01/2014 13:59

Từ năm 2011 đến nay, với việc thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp hỗ trợ giảm nghèo, số hộ nghèo của Đại Lộc đã giảm khá nhanh.

Hiệu quả giảm nghèo

Bà Đỗ Thị Kim Chi (thôn Tây Gia, xã Đại Minh) là một trong những điển hình về hộ vay vốn giảm nghèo phát triển kinh tế có hiệu quả. Năm 2011, bà Chi đã được Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Đại Lộc cho vay 20 triệu đồng qua kênh Hội LHPN xã Đại Minh. Gia đình bà đã dùng số tiền vay đầu tư xây hồ nuôi ếch thương phẩm. Thiếu vốn mua giống ếch, gia đình bà tiếp tục được NHCSXH cho vay thêm 20 triệu đồng với lãi suất thấp. Qua 6 tháng, gia đình bà Chi đã có lợi nhuận đủ để tái đầu tư. Không chỉ có trang trại ếch, gia đình bà còn tậu được một quầy tạp hóa, đủ lo cho con cái học đại học. Ngoài chăn nuôi, kinh doanh, bà Chi còn nhận đỡ đầu cho những trường học trẻ em bất hạnh, giúp đỡ những phụ nữ đơn thân gặp khó khăn trong cuộc sống. Bà Đỗ Thị Kim Chi chia sẻ: “Tôi có được hôm nay cũng là nhờ sự quan tâm hỗ trợ vốn vay ban đầu của Hội LHPN xã Đại Minh, NHCSXH huyện. Nguồn vay vốn được NHCSXH ủy thác qua kênh phụ nữ thực sự đem lại hiệu quả thiết thực, giúp nhiều chị em giải quyết cái nghèo, vươn lên trong cuộc sống”.

Đàn bò của gia đình ông Nguyễn Văn Phụng (Đại Nghĩa). Ảnh: H.L
Đàn bò của gia đình ông Nguyễn Văn Phụng (Đại Nghĩa). Ảnh: H.L

Hộ ông Nguyễn Văn Phụng (SN 1959, xã Đại Nghĩa) cũng từng bước xóa đói giảm nghèo từ nguồn vốn vay hỗ trợ phát triển kinh tế của NHCSXH thông qua kênh Hội Cựu chiến binh xã. Từ vốn vay 5 triệu đồng, ông Phụng đầu tư mua bò con. Hiện, ông Phụng có 2 bò nái lai và 2 bê con trị giá 80 triệu đồng.
Theo thống kê, giai đoạn 2010 - 2013, toàn huyện Đại Lộc giảm được 1.386 hộ nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn Đại Lộc giảm bình quân mỗi năm từ 3 - 4%, năm 2011 tỷ lệ hộ nghèo 19,41%, đến cuối năm 2013 còn 9,24%.

Nhiều chính sách hỗ trợ

Trong số mô hình giảm nghèo được triển khai trên địa bàn Đại Lộc, mô hình “Chăn nuôi bò sinh sản giảm nghèo và giải quyết việc làm” của Phòng LĐ-TB&XH huyện được đánh giá cao. Trước đó, giai đoạn 2006 - 2010 và 2010 - 2012, mô hình đã giúp 64 hộ nghèo nuôi bò sinh sản với tổng kinh phí khoảng 770 triệu đồng ở các xã Đại Hòa, Đại An và Đại Quang. Giai đoạn 2012-2013, mô hình tiếp tục hỗ trợ 70 bò giống cho xã Đại Chánh với tổng kinh phí 661 triệu đồng. Bên cạnh hỗ trợ con giống, mô hình còn hỗ trợ về kỹ thuật, giống cỏ, cách trồng cỏ để phục vụ chăn nuôi.

“Bằng việc lồng ghép nhiều chương trình, dự án, các chính sách hỗ trợ từ nguồn vốn Trung ương, tỉnh và nhiều chương trình khác, công tác giảm nghèo đã góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân. Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, công tác giảm nghèo còn nhiều hạn chế như: Lực lượng cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu, khả năng huy động nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất rất khó, sự phối hợp trong hoạt động giảm nghèo giữa các cấp ngành chưa thực sự đồng bộ. Một thực tế là, tỷ lệ hộ nghèo giảm khá nhanh nhưng thiếu bền vững. Thiên tai, lụt bão trên địa bàn Đại Lộc thời gian qua gây thiệt hại lớn, nguy cơ tái nghèo, tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo còn cao. Nhận thức của một bộ phận không nhỏ người nghèo chưa thực sự nỗ lực vươn lên thoát nghèo, còn trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước”.
(Ông Trần Văn Mai - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc)

Trong 3 năm, Phòng LĐ-TB&XH huyện đã phối hợp với Bảo hiểm xã hội (BHXH) huyện và các địa phương cấp phát 65.122 thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo với tổng kinh phí hơn 43,6 tỷ đồng; huyện đã hỗ trợ, cấp bù học phí cho 12.715 lượt học sinh, sinh viên với tổng số tiền khoảng 8,7 tỷ đồng. Đại Lộc đã hỗ trợ xây dựng tổng cộng 1.856 nhà ở cho hộ nghèo với tổng kinh phí gần 39 tỷ đồng. Công tác đào tạo, giải quyết việc làm cho người nghèo được chú trọng. Theo bà Phan Thị Phương - Phó phòng LĐ-TB&XH huyện Đại Lộc, 3 năm qua, phòng LĐ-TB&XH đã phối hợp với Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh Quảng Nam tuyển sinh các lớp đào tạo về điện dân dụng, tiếng Hàn cho lao động phổ thông; mở 21 lớp đào tạo nghề ngắn hạn như may công nghiệp, mây - tre - đan, nấu ăn, thú y cho 671 lao động. Sàn giao dịch việc làm tại huyện đến nay thu hút 11 doanh nghiệp tham gia đào tạo, tuyển dụng lao động. Qua đào tạo, có khoảng 557 lao động nông thôn được tuyển vào làm việc tại các công ty. “Phòng còn phối hợp với một số công ty hỗ trợ tuyển dụng lao động là người khuyết tật để giúp họ vươn lên trong cuộc sống. Công ty TNHH MTV Phước Hiệp (Đại Hiệp) đang tuyển dụng 16 lao động là người khuyết tật với mức lương tối thiểu là 1 triệu đồng/tháng. Chúng tôi sẽ đẩy mạnh giải quyết việc làm cho người nghèo và người khuyết tật được ưu tiên hỗ trợ trước nhất” - bà Phương nói.

HOÀNG LIÊN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đại Lộc nỗ lực giảm nghèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO