Đại Lộc: Nông dân bỗng chốc "trắng tay" sau lũ dữ

H.LIÊN - B.LIỄU - M.PHƯỜNG 06/12/2016 08:55

  • Mưa lũ diễn biến phức tạp, nhiều địa phương thiệt hại nặng
  • Nhiều nơi vẫn còn ngập sâu trong lũ
  • Mưa lớn, nhiều nơi bị ngập, đã có nạn nhân chết do mưa lũ

(QNO) - Lũ dữ tràn về, dâng cao đột ngột đang lúc hàng nghìn héc ta rau, hoa màu ven sông Vu Gia vừa xuống giống, gieo trồng. Thiệt hại nghiêm trọng, nông dân gần như “trắng tay” trước tai họa và cơn cuồng nộ của thiên nhiên.

Vườn đu đủ đang thu hoạch ngập sâu trong nước. Ảnh: B.LIỄU
Vườn đu đủ đang thu hoạch ngập sâu trong nước. Ảnh: B.LIỄU

Có mặt tại các vùng trồng rau, hoa màu thuộc bãi bồi ven sông Vu Gia các xã Đại An, Đại Cường, Đại Hồng, Đại Nghĩa, Đại Lãnh, Đại Hưng (Đại Lộc) chiều 3.12, thời điểm lũ lên cao nhất, phủ trắng xóa các đồng rau màu, mới thấy xót xa, đắng đót trước biết bao công sức, mồ hôi của dân bỗng chốc bị “xóa sạch” trong lũ. Hàng chục héc ta đu đủ, bí, khổ qua, rau của vùng chuyên canh Bàu Tròn (Đại An) vừa xuống giống, một số diện tích vừa nảy mầm đã chìm trong biển nước mênh mông. Đứng đằng xa nhìn vùng rau ngày ngày chăm bẵm, xới cỏ, bón phân, nâng niu từng cây con những mong sẽ có vụ mùa bội thu, nhưng chỉ chốc lát đã mất trắng trong lũ, bà Trần Huệ (thôn Bàu Tròn) chua xót nói: “Xuống giống cả mẫu rau, màu với ớt, đậu, khổ qua, ai cũng yên tâm nghĩ qua 23.10 âm lịch rồi, không còn lụt nữa nên đầu tư hết vào đó. Nào ngờ, trắng tay hết rồi, mất hết rồi. Chừ nước rút có làm lại cũng chẳng còn kịp vụ tết, không tết nhứt chi rồi. Chừng nào nông dân mới hết khổ bởi thiên tai, nhân tai?”.

Cạnh đó, ông Huỳnh Như Hảo (thôn Bàu Tròn) cũng đứng ngồi không yên khi nhìn ra đồng rau trắng xóa. Vụ này, ông Hảo xuống giống gần 5 sào ớt, bắp, đậu, khổ qua, chỉ tính tiền giống đã hàng chục triệu đồng, chưa kể phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, vật liệu gồm bạt phủ, nhân công... “Cả tháng trời gieo ươm, chăm bẵm cây con, làm đất, xuống giống, giờ thế này đây. Cây con giống ngày càng đắt đỏ, nhiều loại giống cây trồng ngay từ đầu vụ đã sốt rồi. Giờ hư hết trơn thì lấy giống ở đâu mà ươm, gieo trồng cho kịp vụ?” - ông Hảo nói. 

Đắng lòng trước lũ dữ. Ảnh: M.PHƯỜNG
Lũ dữ khiến vườn rau xơ xát, hư hại. Ảnh: M.PHƯỜNG

Được biết, cả thôn Bàu Tròn có tới 300 hộ tham gia sản xuất trên vùng chuyên canh và vùng lân cận, hộ trồng ít thì vài sào, hộ trồng nhiều có thể lên cả mẫu. Thời điểm xảy ra lũ dữ, 100% hộ đã xuống giống, ai cũng cầm chắc trong tay phần thắng bởi năm nay thời tiết diễn biến thuận lợi, đã qua thời điểm “nhạy cảm” là 23. 10 âm lịch. Song do tình trạng mưa lớn cộng với việc các thủy điện nơi thượng nguồn đồng loạt xả lũ, nước đột ngột về xuôi, ngoài những vùng rau màu mới xuống giống, một số diện tích đu đủ, rau các loại nông dân đang trong giai đoạn thu hoạch cũng không kịp trở tay. Nhiều nông dân thiệt hại, mất trắng cả mấy chục triệu đồng tiền phân, giống, đầu tư vật liệu... Nhiều người điêu đứng, rất cần được nhà nước hỗ trợ phân, giống để vượt qua thiệt hại rất lớn này.

Theo ông Lê Trọng Quốc - Giám đốc Hợp tác xã Bàu Tròn, bên cạnh thiệt hại, mất mát thì vấn đề nóng sốt hiện nay là tình trạng khan hiếm giống cây trồng. Theo đó không loại trừ việc đầu cơ, hét giá từ các chủ đại lý, đẩy nông dân vào cảnh khó khăn, sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến mùa vụ sản xuất và cung ứng nông sản của bà con dịp tết này. 

Đậu cô ve, nông sản chủ lực cung ứng cho Tết vừa bò lên choái đã bị ngập sâu trong nước. Ảnh: H.LIÊN
Đậu cô ve, nông sản chủ lực cung ứng cho tết vừa bò lên choái đã bị ngập sâu trong nước. Ảnh: H.LIÊN

Tại các thôn Xuân Nam, Giảng Hòa, Xuân Đông (Đại Thắng); Mỹ Hảo, Minh Tân, Thuận Mỹ (Đại Phong); Phước Lâm, Hà Vi (Đại Hồng); Hanh Đông (Đại Thạnh); Phước Bình, Ấp Bắc, Ấp Nam (Đại Minh)... người dân cũng lao đao không kém, dù nước ở một vài nơi đã bắt đầu rút.

Ông Lê Hoa (thôn Giảng Hòa) ngậm ngùi: “Gia đình tôi có hơn 1 mẫu đất màu, hiện đã xuống giống toàn bộ. Cây ớt, cây đậu đã lên được 15cm rồi. Nước ngập và chảy xiết, trôi hết giống rồi. Bao nhiêu tiền bạc, công sức đổ hết vào đầu tư vụ này, giờ không biết phải “chạy” đâu để làm lại từ đầu nữa”. Ông Huỳnh Đến - đầu cơ Giảng Hòa cho hay, toàn thôn có 715 nhân khẩu, 76ha đất sản xuất. Người dân nơi đây chủ yếu sống nhờ vào chăn nuôi và trồng cây màu. Hiện tại, toàn thôn đã xuống giống cây đậu phụng, ớt, khổ qua gần 100%, ước tính hơn 40ha trong số đó đã bị xóa sạch, phải đầu tư lại từ đầu. Cũng theo ông Đến, vụ đông xuân là vụ mùa quan trọng nhất trong năm, năng suất cao nhất, giá cả cũng tốt, nếu vụ này mà bị ảnh hưởng thì coi như thất thu cả năm. 

Cách đây mấy hôm, bà Bùi Thị Huệ (thôn Ấp Bắc) vừa thở phào nhẹ nhõm vì toàn bộ diện tích cây màu đã xuống giống xong trong điều kiện thời tiết ổn thì nay phải xót xa khi 6 sào hoa màu đã bị quét sạch. “Đây chính là nguồn thu nhập chính của gia đình, từ việc trang trải nợ nần, lo cho các con ăn học, cũng trông cậy cả vào đây, mà giờ thì trắng tay rồi” - bà Huệ ngậm ngùi. Cũng như bà Huệ, ông Lê Duy Minh tin rằng thời điểm này không còn mưa lũ nên yên tâm xuống giống cả 4 sào đậu phụng và chịu hậu quả tương tự.

Ông Phan Năm - Chủ tịch UBND xã Đại Minh xác nhận, hiện địa phương đã xuống giống 90% đối với hơn  138ha cây màu, trong số này có vài chục héc ta mất trắng, số khác thiệt hại nghiêm trọng. Cũng như các vùng trồng cây màu chủ lực nói trên, vùng trồng rau, củ, quả của thôn Mỹ Hảo, xã Đại Phong vốn là vùng canh tác màu mỡ ven sông với tổng diện tích 37ha, hơn 300 hộ canh tác (đã xuống giống 50%), nông dân cũng “đứng ngồi không yên” trước tai họa ập xuống nặng nề…

Vùng hoa màu ngổn ngang sau lũ dữ
Vùng hoa màu ngổn ngang sau lũ dữ. Ảnh: B.LIÊN

Ông Hồ Ngọc Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc thông tin, theo thống kê sơ bộ ban đầu, toàn huyện có 1.200ha rau, hoa màu bị ngập sâu suốt mấy ngày qua. Thiệt hại nặng nề nhất là vùng trồng rau củ quả chủ lực phục vụ cho Tết Nguyên đán, nhất là thị trường Đà Nẵng, khiến nông dân thất thu nặng nề, gây mất ổn định nguồn cung ứng thực phẩm của địa phương bởi lâu nay Đại Lộc là “vựa rau” của Đà Nẵng và vùng lân cận. Các vùng trồng bắp, ớt, đậu phụng của huyện cơ bản xuống giống hơn 50% cũng thiệt hại nặng bởi từ sau 23.10 âm lịch tới nay đã gần 15 ngày, cây vừa mọc. “Có thể thấy biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp, biểu hiện mùa đông năm nay nắng nóng, lạnh muộn và thông thường thời điểm này không còn mưa lũ nữa. Nông dân vùng Đại Lộc vốn có thói quen xuống giống sau 23.10 âm lịch nhưng giờ tự nhiên không còn theo quy luật nữa rồi. Qua thông tin dự báo mưa lũ, hai đợt mưa đầu, huyện đã có văn bản chỉ đạo nhân dân chậm xuống giống, văn bản đã gửi rồi, đợt này cũng có văn bản cảnh báo đến dân rồi. Song người dân vốn “đánh bạc với trời” nên thiệt hại càng nặng thêm” - ông Mẫn chia sẻ.

H.LIÊN - B.LIỄU - M.PHƯỜNG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đại Lộc: Nông dân bỗng chốc "trắng tay" sau lũ dữ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO