Trước diễn biến phức tạp của dịch sốt xuất huyết (SXH), ngành y tế huyện Đại Lộc tăng cường công tác tuyên truyền và triển khai các biện pháp phòng chống nhằm hạn chế thấp nhất số ca mắc mới...
Ông Nguyễn Thế Năm - chuyên viên phụ trách Chương trình phòng chống dịch SXH (Trung tâm Y tế huyện Đại Lộc) cho biết, ở những nơi có ổ dịch xảy ra, theo quy định, cứ 1 thôn nếu có 2 ca mắc SXH, địa phương sẽ cử người đến nơi có dịch phun thuốc diệt muỗi. Nếu trường hợp trong cùng 1 thôn có 2 bệnh nhân SXH nhưng qua khảo sát véc tơ muỗi, các đơn vị xác định không có véc tơ gây bệnh là muỗi Dengue thì không phun thuốc, nhưng đẩy mạnh tuyên truyền người dân chủ động diệt bọ gậy, phát quang cây cỏ, bụi rậm, khai thông cống rãnh, kênh mương tù đọng quanh nhà, khu vực đông dân cư sinh sống để triệt tiêu môi trường sinh sôi của muỗi...
Theo Trung tâm Y tế huyện Đại Lộc, đang bắt đầu vào những tháng cao điểm mùa dịch SXH, cộng với sự diễn biến bất lợi của thời tiết là điều kiện cho muỗi truyền bệnh phát sinh và phát triển mạnh. Ngoài khoanh vùng, phun hóa chất dập dịch trên diện rộng theo đúng chỉ định dịch tễ, Trung tâm Y tế huyện đã phối hợp với các trạm y tế xã mở chiến dịch tuyên truyền người dân mắc màn khi ngủ, phát quang bụi rậm, súc rửa chum vại, lu đựng nước... nhằm triệt xóa nơi ở của lăng quăng, bọ gậy. Đồng thời, cử cán bộ chuyên trách Khoa Kiểm soát dịch bệnh của Trung tâm Y tế huyện và trạm y tế các xã, thôn thường xuyên giám sát, cập nhật số ca mắc SXH tại Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam; lấy mẫu máu gửi xét nghiệm và điều tra tỷ lệ muỗi, bọ gậy ở một số vùng trọng điểm để phát hiện, xử lý, ngăn chặn dịch bệnh phát sinh và lan rộng.
Bác sĩ Võ Hồng Hải - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đại Lộc thông tin, đơn vị đã triển khai phun hóa chất diệt muỗi tại 15 thôn trọng điểm dịch của huyện với hơn 30 lít hóa chất. Đồng thời rà soát, tiếp tục mở rộng vùng phun hóa chất diệt muỗi trên diện rộng tại một số thôn có số ca mắc SXH cao. “Về hóa chất thì đến nay không thiếu, tỉnh cấp đủ, trường hợp sau này thiếu thì trung tâm sẽ xin thêm nguồn hỗ trợ của UBND huyện. Tuy nhiên, để phòng chống dịch SXH, không chỉ có giải pháp phun hóa chất diệt muỗi, mà quan trọng là phải diệt bọ gậy, lăng quăng là nguồn phát sinh muỗi trong cộng đồng. Vì vậy, cần sự chung tay tích cực của địa phương và cộng đồng dân cư với phương châm “Không có lăng quăng, không có SXH” - bác sĩ Võ Hồng Hải nói.