Mùa mưa bão đang đến gần, các địa phương tại vùng “rốn lũ” Đại Lộc đã xây dựng các phương án ứng phó, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) cụ thể, sát với tình hình thực tế.
Nâng cao nhận thức
Ông Hồ Ngọc Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện, Phó Trưởng ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện Đại Lộc chia sẻ, thời gian còn lại của năm 2016 và đầu năm 2017, theo dự báo thời tiết, diễn biến của thiên tai sẽ hết sức cực đoan. Theo dự báo, sẽ có 4 - 5 cơn bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta, ít nhất có 3 cơn bão có cường độ mạnh với sức gió vùng trung tâm cấp 12. Khu vực Quảng Nam có khả năng ảnh hưởng sớm của bão hoặc áp thấp nhiệt đới.
Từ tháng 9 đến 11.2016, mực nước Vu Gia - Thu Bồn sẽ lên nhanh do ảnh hưởng của mùa mưa bão và xả lũ của các đập thủy điện ở thượng nguồn, kèm với đó là lũ lụt, thiên tai sẽ đe dọa vùng hạ du. “Để chủ động ứng phó, huyện đã tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác PCTT-TKCN năm 2015, đồng thời kiện toàn phương án ứng phó đối với đợt thiên tai, lũ lụt trong cuối năm 2016 và thời gian kế tiếp. Ngoài ban chỉ huy PTTT-TKCN cấp huyện, 18/18 ban chỉ huy ở cấp xã/thị trấn cũng như các ban ngành, cơ quan, đơn vị trên địa bàn được kiện toàn, xây dựng phương án ứng phó theo các cấp độ rủi ro của thiên tai, bão lũ, sơ tán dân kịp thời trong tình huống khẩn cấp. Ban chỉ huy PCTT-TKCN cho các công trình trọng điểm như hồ chứa Khe Tân, đập Trà Cân, đập Hố Chình… cũng sẵn sàng ứng phó khi có sự cố, diễn biến thất thường” - ông Mẫn nói.
Người dân vùng sạt lở Mỹ Hảo tự trang bị ghe thuyền. Ảnh: Hoàng Liên |
Các xã thường xuyên có hiện tượng lũ quét khi có mưa to gió lớn như Đại Sơn, Đại Hưng, Đại Hồng, Đại Lãnh, vùng bị chia cắt, vùng dân cư sống dưới chân đập… luôn được chú trọng, xây dựng kế hoạch ứng phó cụ thể. Đại Lộc hiện còn 4.000 nhà tạm, nhà bán kiên cố, dễ bị ảnh hưởng nặng nề khi xảy ra bão lớn, đây cũng là mối quan tâm của địa phương. “Việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về tác động, rủi ro của thiên tai, giúp bà con chủ động ứng phó là vô cùng quan trọng. Qua các đợt kiểm tra, chúng tôi sẽ chỉ đạo các địa phương vận động nhân dân dự trữ lương thực, thuốc men, vật tư, thực phẩm, chằng chống nhà cửa trong mùa mưa lũ. Chúng tôi cũng quán triệt các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, yêu cầu người dân tuyệt đối không đi lại ngoài trời khi xảy ra dông sét, lốc xoáy, không chống ghe đi lại vớt củi, bắt dế trong mưa lũ để tránh tổn thất, thiệt hại về người và tài sản” - ông Mẫn nói.
Ứng phó tại vùng trọng điểm
Đại Lãnh - vùng nằm giữa hai con sông Côn và sông Vu Gia, vùng “rốn lũ” thường xuyên hứng chịu những ảnh hưởng và sự tác động nặng nề của thiên tai, lũ lụt. Nhằm chủ động ứng phó trong đợt mưa bão năm 2016, ông Ngô Xuân Yến - Chủ tịch UBND xã Đại Lãnh cho biết, đến thời điểm này, địa phương đã thống kê số hộ nằm trong vùng ảnh hưởng của thiên tai, lũ lụt để lên phương án di dời khẩn cấp khi có thông tin diễn biến bão lũ xảy ra trên địa bàn. Ngoài 29 hộ nằm trong vùng sạt lở đã được bố trí tái định cư tại Gò Hiu, toàn xã còn 381 hộ đối diện với nguy cơ sạt lở, lũ quét, ngập sâu, đối diện với nguy cơ sạt lở núi… Bên cạnh việc kiện toàn phương án PCTT&TKCN theo phương châm “4 tại chỗ”, ban chỉ huy cấp xã và các địa phương, đoàn thể được quán triệt phương châm “cứu người trước, cứu tài sản sau” trước những diễn biến phức tạp. Xã còn chủ động trưng dụng lực lượng, phương tiện từ trong nhân dân để phục vụ công tác ứng cứu khi có sự cố xảy ra trên địa bàn với 85 ghe, 7 phà máy, 47 loa tay, 10 loa tay được trang bị cho trưởng thôn, 60 phao cứu sinh, 116 áo phao, 1.500m dây thừng… “Các trụ sở đình, chùa, trường học, cơ quan kiên cố cũng được địa phương lên phương án trưng dụng để bố trí dân tạm cư khi có tình huống bão lớn, lũ lớn xảy ra. Các khu vực cao lụt như đồi Thượng Đức, HTX cũ, khu Gò Thể được trưng dụng để dự trữ lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác nhằm ứng cứu khẩn cấp trong thiên tai, bão lũ” - ông Yến chia sẻ.
Đại Phong cũng thuộc vùng đối diện với nguy cơ cao khi xảy ra mưa lớn, bão lũ. Trên địa bàn xã có hai thôn Mỹ Hảo và Tam Mỹ phân bố ven sông; đặc biệt thôn Mỹ Hảo gần như bị cô lập hoàn toàn trong bão lũ. Do ảnh hưởng bởi những đợt sạt lở trong lịch sử, một nửa làng Mỹ Hảo đã “rớt sông”. Bờ kè thôn Mỹ Hảo đã được Trung ương hỗ trợ triển khai mấy năm trước nhằm bảo vệ phần còn lại của làng, song vẫn còn một đoạn dang dở do chưa được bố trí kinh phí, nên cứ mỗi mùa mưa bão tới, “điểm nóng” sạt lở này là nỗi lo lắng của chính quyền địa phương và hơn 30 hộ dân có nhà cửa sát đoạn sông chưa được kè. Ông Trần Văn Hòa - Phó Chủ tịch UBND xã Đại Phong chia sẻ, khi bão lũ, thiên tai xảy ra, hai thôn nằm sát sông nói trên được ưu tiên hỗ trợ di dời khẩn cấp. Địa phương đã chủ động phương án di dời, trang bị phương tiện hợp lý, đúng thời điểm và hậu cần phục vụ di dời dân ở vùng có nguy cơ sạt lở này về nơi an toàn.
Đến nay, khâu chủ động bố trí, lập danh sách các loại phương tiện, vật tư cần thiết như xe tải, thuyền, xuồng máy, ca nô, ô tô, cát… sẵn sàng trưng dụng, huy động trong thiên tai khi cần thiết. Địa phương cũng chủ động bố trí kinh phí để tạm trữ các nhu yếu phẩm cho các điểm sơ tán dân. “Từ thực tế cho thấy, trong thời gian qua, địa phương đã tổ chức triển khai kế hoạch PCTT-TKCN theo phương châm “4 tại chỗ” triệt để. Bằng việc xây dựng phương án cụ thể, thực tế, phù hợp điều kiện, hoàn cảnh địa phương; đặc biệt là khâu tuyên truyền, nâng cao nhận thức chủ động ứng phó đến người dân vùng “rốn lũ”, với phương châm dựa vào khả năng sẵn có của địa phương là chính nên khâu chủ động trong ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai có phần tốt hơn. Đặc biệt, nhiều người dân sống ven sông Vu Gia của xã Đại Phong cũng đã tự trang bị ghe thuyền ứng phó với lũ trong những tình huống khẩn cấp ” - ông Hòa nói.
HOÀNG LIÊN