Đại Lộc quan tâm đầu tư cho giáo dục

BÙI VĂN TIẾNG 03/11/2022 09:23

(QNO) - Nhìn lại mấy thập niên xây dựng và phát triển ngành giáo dục huyện Đại Lộc - quê hương của Đỗ Đăng Tuyển, Trương Hoành, Lương Thúc Kỳ, Huỳnh Ngọc Huệ, Lê Thị Xuyến… có thể thấy địa phương này đã dành nhiều sự quan tâm đầu tư thích đáng cho giáo dục. 

 
Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường dự lễ kỷ niệm 30 năm thành lập trường THPT Chu Văn An, Đại Lộc.

Khởi đầu là việc đổi tên Trường cấp III Đại Lộc thành Trường cấp III Đại Lộc 1. Rồi từ năm học 1988-1989 đến nay, Trường cấp III Đại Lộc 1 lại đổi tên thành Trường THPT Huỳnh Ngọc Huệ, tiếp tục khẳng định thương hiệu của một trường trung học công lập thành lập sớm nhất Đại Lộc.

Tiếp đó là sự ra đời của trường cấp III thứ hai đặt tại vùng B (thành lập theo Quyết định số 866/QĐ-UB ngày 9.5.1983 của UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng), lấy tên là Trường cấp III Đại Lộc 2, sau đổi thành Trường Phổ thông cấp II, III Đại Thắng và từ năm học 1997-1998 đến nay là THPT Đỗ Đăng Tuyển. 

Tiếp ba năm sau đó - năm học 1986-1987, ở vùng A, Trường cấp III Đại Lộc 3 cũng ra đời.

Năm học 1998-1999, Trường THPT Chu Văn An cũng được thành lập cùng với đề án xây dựng cơ sở mới tại xã Đại Đồng. Dù sinh sau đẻ muộn, nhưng cả hai trường THPT Đỗ Đăng Tuyển và Chu Văn An đều không thua kém về chất lượng dạy học. 

Bằng chứng là cuối năm học 2012-2013, trong danh sách 16 trường THPT trên toàn tỉnh Quảng Nam có 100% học sinh lớp 12 thi đỗ tốt nghiệp đều có tên hai trường này và cả Trường THPT Lương Thúc Kỳ ở vùng C.

 
Cơ sở trường lớp khang trang góp phần quan trọng và thành quả giáo dục của Đại Lộc 

Các thế hệ lãnh đạo huyện và lãnh đạo ngành giáo dục đào tạo huyện Đại Lộc luôn nhận thức rằng trong giáo dục, mọi thứ đều phải bắt đầu từ nền móng vững chắc. Muốn có những thành tựu ở trung học phổ thông như vừa nêu trên, cần phải xuất phát từ những thành tựu ở THCS và ở tiểu học, kể cả ở giáo dục mầm non; đồng thời phải xuất phát từ mặt bằng dân trí như lời dạy của Bác Hồ: Gốc có vững cây mới bền!

Chính vì thế, ngành giáo dục đào tạo Đại Lộc rất coi trọng việc sắp xếp mạng lưới trường lớp của huyện theo hướng tối ưu. Thống kê của Phòng GD-ĐT huyện Đại Lộc tháng 9.2022 cho thấy toàn huyện có 21 trường mầm non (trong đó có 2 trường ngoài công lập), 16 trường tiểu học, 13 trường THCS và 4 trường liên cấp tiểu học -THCS, cộng với 4 trường THPT (tất cả đều là công lập). Mặc dầu vài điểm lẻ của một số trường tiểu học chưa hoàn thiện về hạ tầng và cảnh quan như điểm trường chính, nhưng nhìn chung trường học ở Đại Lộc là khang trang và hướng đến chuẩn hóa.  

Đến cuối năm 2015, chỉ tính riêng ở THCS, tiểu học và giáo dục mầm non, toàn huyện Đại Lộc đã có 100% số trường học được công nhận đạt chuẩn quốc gia, đưa Đại Lộc thành một trong những đơn vị dẫn đầu của tỉnh Quảng Nam về xây dựng trường học theo chuẩn quốc gia. Tất nhiên thành tựu quan trọng và đáng tự hào này sẽ không có nhiều ý nghĩa nếu như ngành giáo dục Đại Lộc không gầy dựng được các điểm sáng về chất lượng dạy học.

 
Trẻ em trong độ tuổi đến trường của huyện Đại Lộc được chăm lo phát triển thế chất ngay từ nhỏ. Ảnh: C.T

Tính đến tháng 9.2022, tổng số người Đại Lộc trong độ tuổi từ 15 đến 60 biết chữ là 111.104/111.538 người, đạt tỷ lệ vàng 99, 61%. Như đã nói, mặt bằng dân trí thể hiện chủ yếu qua tỷ lệ người biết chữ trong cộng đồng dân cư là cơ sở xuất phát để nâng cao thực chất chất lượng giáo dục phổ thông trong nhà trường. Ngoài thành tích trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2013 và nhiều năm khác như nêu trên, những năm qua ở Đại Lộc, hằng năm đạt tỷ lệ bình quân học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở 93% và tỷ lệ bình quân 80% trúng tuyển vào lớp 10; đặc biệt thứ hạng và số lượng giải thưởng đạt được trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp huyện đều tăng qua các năm…

Có thể nói những thành tựu của giáo dục đào tạo Đại Lộc bắt nguồn từ truyền thống hiếu học của nhân dân. Nhờ hiếu học nên nhiều gia đình đã vượt lên hoàn cảnh khó khăn, tập trung chăm lo cho con em được cắp sách đến trường. Năm 2003, Đại Lộc là địa phương thứ ba trong toàn tỉnh được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi vào năm 2013…

Góp phần tạo nên những thành tựu của giáo dục đào tạo Đại Lộc chính là các thế hệ cán bộ quản lý và giáo viên toàn huyện ngày càng lớn mạnh, đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng, hết lòng vì học sinh. Một số thầy cô đã được phong tặng danh hiệu nhà giáo ưu tú, được công nhận là chiến sĩ thi đua toàn quốc, là giáo viên giỏi cấp quốc gia... góp phần đưa ngành giáo dục đào tạo Đại Lộc trở thành một trong các đơn vị dẫn đầu toàn tỉnh Quảng Nam về phong trào thi đua 2 tốt; Phòng GD-ĐT Đại Lộc nhiều năm liền dẫn đầu khối phòng giáo dục đào tạo trong toàn tỉnh và dẫn đầu khối văn hóa - xã hội trong toàn huyện…              

Phát huy những thành tựu đạt được thời gian qua, hướng tới mục tiêu xây dựng xã hội học tập, ngành giáo dục đào tạo Đại Lộc đang phấn đấu vươn lên để thời gian tới 100% trường học các cấp trên địa bàn huyện đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 80% trường đạt chuẩn mức độ hai và 100% trường đạt kiểm định chất lượng giáo dục cấp độ hai và ba.

Đại Lộc cũng phấn đấu đặt ra mục tiêu nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ đi đôi với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và quản lý, tiếp tục chuyển đổi số trong toàn ngành để sớm tiến tới mô hình trường học không giấy.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đại Lộc quan tâm đầu tư cho giáo dục
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO