Huyện Đại Lộc đang tập trung tháo gỡ, giải quyết vướng mắc trên lĩnh vực đất đai, hạn chế hồ sơ tồn đọng.
Tồn đọng nhiều hồ sơ
Theo UBND huyện Đại Lộc, công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực đất đai vẫn còn nhiều vướng mắc cần giải quyết triệt để.
Giai đoạn 2021 - 2022, UBND huyện đã ra Quyết định số 1620/QĐ-UBND, ngày 14.10.2021, thành lập Tổ kiểm tra các trường hợp tồn đọng trong việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) lần đầu cho các hộ gia đình, cá nhân. Tổ kiểm tra đã rà soát xong tại 17 xã, thị trấn (riêng xã Đại Thạnh không có hồ sơ tồn đọng) để tìm hướng xử lý, giải quyết hồ sơ đất đai tồn đọng.
Năm 2021, Đại Lộc đã tổ chức điều tra, khảo sát và trình UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung bảng giá đất giai đoạn 2020 - 2024 và phê duyệt giá đất cụ thể tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện 17 dự án trên địa bàn. Huyện giải quyết các thủ tục liên quan đến GCNQSDĐ cho 1.041 trường hợp (tổng diện tích 285.25m2).
Đại Lộc vẫn còn những trường hợp cần khẩn thiết giải quyết. Cụ thể như trường hợp của ông Nguyễn Ngọc Chín (xã Đại Tân).
Ông Chín sinh sống tại khu vực Nhà máy cồn ethanol Quảng Nam của Công ty Tùng Lâm và từng có đơn đề nghị UBND huyện di dời hộ gia đình ông ra khỏi khu vực ảnh hưởng vì lý do nhà máy cồn đang hoạt động trở lại, hồ Cigar (chứa khí ga) phồng cao mà nhà của ông nằm ngay sát chân hồ này nên rất nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống, sinh hoạt của gia đình.
Song đến nay, vấn đề của ông Chín vẫn chưa được giải quyết thấu đáo. Phía UBND huyện cho biết đã chỉ đạo kiểm tra và đã có báo cáo gửi UBND tỉnh và Sở TN-MT đề nghị kiểm tra thực tế và hướng dẫn UBND huyện giải quyết đơn của ông Chín, trấn an công dân.
Theo ông Võ Ngọc Tốt - Trưởng phòng TN-MT huyện, Đại Lộc có 465 trường hợp tự ý chuyển mục đích làm nhà trên đất vườn, đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp đã được Nhà nước cấp GCNQSDĐ theo Nghị định 64/CP của Chính phủ. Các trường hợp này đã làm nhà ở trên các thửa đất nông nghiệp (xây dựng nhà trước ngày 1.7.2014). Đa số thửa đất này nằm xen kẽ ở các khu dân cư và hiện phù hợp với quy hoạch sử dụng đất ở của địa phương.
Huyện đã chỉ đạo, hướng dẫn UBND các xã, thị trấn lập hồ sơ cấp GCNQSDĐ cho 203 trường hợp đủ điều kiện, nộp tiền theo quy định; còn 262 trường hợp chưa đủ điều kiện giải quyết. Huyện cũng hướng dẫn UBND các xã/thị trấn lập hồ sơ cấp GCNQSDĐ cho 14 trường hợp trong số 100 hồ sơ tồn đọng (86 trường hợp chưa thể giải quyết).
Ông Võ Ngọc Tốt cho hay, nguyên nhân chậm trễ, tồn đọng là các cơ quan, ban ngành cần có thời gian nghiên cứu, kiểm tra, xác minh nội dung, xin ý kiến của các cơ quan, ban ngành liên quan. Hồ sơ lưu trữ liên quan thiếu chính xác, chưa được chỉnh lý qua nhiều năm.
Công chức phải kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ khác, chưa đáp ứng khối lượng công việc giải quyết đơn thư. Công tác phối hợp với tòa án, cơ quan thi hành án và giữa cơ quan chuyên ngành chưa được đồng bộ, thiếu thống nhất trong việc cung cấp hồ sơ, giải quyết khiếu nại.
Tập trung giải quyết rốt ráo
Phòng TN-MT huyện cho biết, năm 2022 đơn vị tham mưu UBND huyện ban hành kế hoạch kiểm tra quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai. Phòng còn tích cực phối hợp với Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai, các cơ quan, địa phương tham mưu cấp trên về công tác thu hồi đất, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư các dự án. Đồng thời rà soát đơn thư tồn đọng để tham mưu giải quyết, trả lời đơn của các tổ chức, công dân.
Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc Hồ Ngọc Mẫn nhìn nhận, bên cạnh kết quả đạt được, công tác giải quyết hồ sơ đất đai cho người dân còn chậm trễ, việc cấp GCNQSDĐ lần đầu còn nhiều tồn đọng.
Trong khi đó, việc cấp đổi, chỉnh lý đối với bìa đỏ sau tách thửa còn khó khăn, chưa tháo gỡ được. Hồ sơ quản lý đất đai chủ yếu dựa vào dữ liệu giấy, công tác quản lý đất đai trong thời gian đến còn tồn tại khó khăn, đề nghị tỉnh hỗ trợ huyện dự toán xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý đất đai.
UBND huyện đã chỉ đạo xây dựng cơ chế phối hợp để thống nhất giải quyết từng hồ sơ cho nhân dân, bởi dù quy định cụ thể thời gian nhưng một số cơ quan chưa chấp hành đúng tiến độ.
“Huyện đang triển khai mạnh hệ thống Q-Office để theo dõi tiến độ hồ sơ, công việc, sẽ khắc phục tình trạng chậm trễ lâu nay. Huyện giao Phòng TNMT thành lập tổ công tác, rà soát toàn bộ hồ sơ.
Trường hợp nào đủ điều kiện thì nhanh chóng thực hiện cấp GCNQSDĐ; trường hợp chưa đủ điều kiện thì tìm hướng tháo gỡ phù hợp với quy định. Vấn đề cấp GCNQSDĐ đất rừng cho dân cũng vậy, huyện giao cho các địa phương phối hợp tháo gỡ, giải quyết, hạn chế thấp nhất hồ sơ tồn đọng” - ông Mẫn nói.
Cũng theo ông Hồ Ngọc Mẫn, UBND huyện đã chỉ đạo các ngành tổng hợp những trường hợp sử dụng đất nhưng chưa được cấp GCNQSD đất do việc sử dụng đất của nhân dân thuộc các trường hợp lịch sử để lại như thôn bán, xã bán, di dời lũ lụt khẩn cấp không có phương án, nhận tiền hỗ trợ, hoán đổi do xây dựng các công trình công cộng…
Song khó khăn hiện nay là văn bản quy định về bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng trên địa bàn tỉnh từ khi có Luật Đất đai 2013 quá nhiều và có sự chồng chéo lẫn nhau, huyện kiến nghị UBND tỉnh, Sở TNMT sớm thống nhất lại thành 1 văn bản để các cơ quan chuyên môn dễ áp dụng, thực hiện.