Hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo huyện Đại Lộc vừa chính thức ra mắt, kiện toàn Ban Chấp hành gồm 11 thành viên. Câu lạc bộ Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên đà hình thành, thu hút nhiều cá nhân, doanh nghiệp hưởng ứng. Việc ươm mầm khởi nghiệp, tiếp lửa cho cá nhân, cộng đồng khởi nghiệp là nhiệm vụ đặt ra.
Người trẻ khởi nghiệp
Hiểu biết về công dụng của trái nhàu, chị Nguyễn Thị Dung (xã Đại Hồng, Đại Lộc) đã mạnh dạn nghiên cứu, mua sắm máy móc, đầu tư dây chuyền công nghệ chiết xuất những thành phần hoạt chất có trong trái nhàu để tạo ra mỹ phẩm. Từ những bước đi đầu tiên, hàng chục dòng mỹ phẩm mang thương hiệu Adeva đã ra đời và Công ty TNHH Sản phẩm thiên nhiên Adeva Naturals hiện do chị Dung làm giám đốc.
“Qua nghiên cứu chuyên sâu, trái nhàu có công dụng kháng khuẩn, kháng viêm cực kỳ tốt, hoạt chất trong trái nhàu rất tốt cho việc dưỡng da, cân bằng tone da tốt hơn nhiều.
Chúng tôi muốn tạo ra các dòng mỹ phẩm thiên nhiên chuyên về làm đẹp, chăm sóc sức khỏe, giúp nông dân có thu nhập ổn định từ việc trồng cây nhàu. Adeva từng là đối tác cung ứng các dòng mỹ phẩm cho Hàn Quốc song do dịch Covid-19, công ty chỉ tập trung cho thị trường nội địa và không ngừng thử nghiệm, đa dạng các dòng sản phẩm” - chị Dung chia sẻ.
Chị Dung liên kết trồng nhàu với 2 hộ dân là Nguyễn Anh Bưởi (thôn Dục Tịnh) và Ngô Văn Hoàng (thôn Hòa Hữu Tây, xã Đại Hồng) trên tổng diện tích 1ha xen kẽ một số cây dược liệu khác. Hiện chị Dung là một trong những thành viên nòng cốt của Hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) huyện Đại Lộc và Câu lạc bộ KNĐMST Đại Lộc.
Nguyễn Kiều Bảo Hân (quê Đại Đồng) cũng là một trong những gương mặt khởi nghiệp trẻ xuất sắc với việc đưa “Sợi ngọc xứ Quảng” vào TP.Hồ Chí Minh, vươn ra các tỉnh thành và hướng tới “xuất ngoại” đặc sản quê nhà. Những sợi mỳ Quảng, sợi bún quê đã hóa những tô mỳ Quảng, tô bún quê có nhưn góp mặt tại các hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước. Song, chặng đường “xuất ngoại” của đặc sản quê cũng đầy những thử thách.
“Chúng tôi đã chào hàng, khảo sát thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc, họ muốn chúng tôi xuất một công mỳ Quảng ra nước ngoài, song đây là thị trường khó tính, khắt khe, buộc chúng tôi phải nỗ lực xây dựng, hoàn thiện các tiêu chuẩn. Chúng tôi đang nhờ tỉnh hỗ trợ các điều kiện, cơ sở pháp lý cần thiết để đưa sản phẩm xuất ngoại” - Hân trải lòng.
Tham gia Hội KNĐMST, Hân cho biết, cô đặt mục tiêu lớn hơn, xa hơn là tạo chuỗi liên kết giá trị, tạo sinh kế ổn định cho người dân quê ở Đại Đồng và vùng lân cận. Hân đang nỗ lực phát triển nhiều dòng sản phẩm bột gạo, hoàn thiện xưởng sản xuất, chế biến sâu hơn, mục tiêu là đưa tô mỳ Quảng ra nước ngoài và ai cũng có cơ hội thưởng thức tô mỳ Quảng trọn vẹn nhất.
Cần sự tiếp sức
Theo một số nhà khởi nghiệp trẻ Đại Lộc, để phát triển bền vững, những cá nhân, tổ chức khởi nghiệp rất cần những cơ chế, chính sách hỗ trợ, động viên, khích lệ từ quê nhà. Hội KNĐMST cần hướng đến thành lập quỹ hội để giúp đỡ hội viên vay vốn phát triển sản xuất, hỗ trợ các khóa đào tạo khởi nghiệp để giúp doanh nghiệp bản lĩnh hơn, tự tin hơn, phát triển bền vững.
Ông Hoàng Trung Hùng - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Nông nghiệp Đại Thắng, Chủ tịch Hội KNĐMST huyện cho biết, giai đoạn 2022 - 2027 hội tiếp tục củng cố và phát triển hệ sinh thái KNĐMST trong cộng đồng, tập trung lực lượng thanh niên, doanh nghiệp, bao gồm các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, nâng cao nhận thức về KNĐMST; tập trung hỗ trợ triển khai vào thực tế các ý tưởng, dự án khởi nghiệp; xúc tiến thành lập Quỹ đầu tư khởi nghiệp huyện, nâng cao hiệu quả hoạt động, góp phần lan tỏa phong trào khởi nghiệp.
Hội sẽ thường xuyên tổ chức các lớp truyền thông, hoàn thiện hành lang pháp lý thúc đẩy, hỗ trợ hoạt động KNĐMST; hỗ trợ phát triển từ 3 - 5 dự án khởi nghiệp, hình thành cơ sở ươm tạo ý tưởng, doanh nghiệp, không gian làm việc chung, tìm kiếm, kết nối 2 - 5 nhà đầu tư mạo hiểm hỗ trợ đầu tư cho các dự án khởi nghiệp...
Ông Phạm Ngọc Sinh - Phó Giám đốc Sở KH&CN, Trưởng ban Điều hành Hỗ trợ KNĐMST tỉnh cho rằng, Đại Lộc có dòng sông Vu Gia, có sản vật, sợi mỳ được mệnh danh là “sợi ngọc xứ Quảng”, có sản phẩm bánh tráng, có trống Lâm Yên, có rượu sim, có rượu nếp Trà Đức... Nhiệm vụ của các star-up là phải nâng tầm giá trị bản địa, tạo nhiều sản phẩm riêng có, từ tài nguyên bản địa, hướng tới sự khát khao của thị trường, sáng tạo và hướng đến các giá trị.
“Hội KNST huyện cần hướng đến hỗ trợ cá nhân hay cộng đồng khởi nghiệp hoàn thiện ý tưởng, sản phẩm khởi nghiệp của mình. Một khi cộng đồng star-up cùng hành động, tập thể hành động, chúng ta cùng hành động, tiến về phía trước, sẽ thu hái được những kết quả tốt đẹp” - ông Sinh nói.